Ngăn chặn suy giảm rừng ngập mặn

ThienNhien.Net – Tình trạng suy giảm rừng ngập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi lẫn quy mô. Chỉ tính riêng trong 5 năm (từ 2011 đến 2016), diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 194.723 ha năm 2011 xuống còn 179.384 ha năm 2016 (giảm 15.339 ha).

Các địa phương đã huy động nguồn lực để triển khai trồng và khôi phục rừng ngập mặn. Theo đó, từ năm 2015 đến nay đã trồng 1.987 ha rừng phòng hộ, đặc dụng (trong đó, rừng ngập mặn là 1.967 ha); phục hồi 626 ha rừng ngập mặn; khoán bảo vệ hơn 3.000 ha rừng ngập mặn. Tuy nhiên, diện tích và tốc độ phục hồi, trồng mới không đáng là bao so với việc chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản; rừng bị xói lở, mất diện tích do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Ðể ngăn chặn suy giảm rừng ngập mặn vùng ÐBSCL, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức đánh giá việc trồng rừng thời gian qua để việc trồng mới, khôi phục rừng ngập mặn đạt hiệu quả; tăng cường tuyên truyền cho người dân về vai trò, chức năng cũng như trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng ven biển sang mục đích khác; rà soát, thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép diện tích đất đã giao thuộc quy hoạch phát triển lâm nghiệp nhưng sử dụng không đúng mục đích để trồng lại rừng; đẩy mạnh việc giao, khoán bảo vệ rừng cho các thành phần kinh tế, cộng đồng và hộ gia đình nhằm bảo vệ và phát triển rừng ven biển; nghiên cứu các giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng rừng trồng ven biển; hoàn thiện giải pháp trồng rừng ngập mặn phù hợp điều kiện tự nhiên từng vùng. Ngoài ra, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội gắn với việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Ưu tiên, bố trí đủ vốn hằng năm từ Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình bảo vệ và phát triển rừng cho các dự án để sớm hoàn thành mục tiêu Ðề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.