Tăng cường bảo vệ và hỗ trợ trẻ em gái

Phát động chiến dịch “Vì em là con gái” tại Việt Nam (Ảnh: Chinhphu.vn)

ThienNhien.Net – Ngày Quốc tế của trẻ em gái 11/10 được thống nhất trên toàn cầu bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2011.

Ngày kỉ niệm này được vận động bởi tổ chức phi chính phủ Plan International với sự trợ giúp của Chính phủ Canada, EU và các tổ chức khác.

Ngày 11/10/2012, chiến dịch 5 năm “Vì em là con gái” được Plan International chính thức khởi động trên toàn cầu với mục tiêu là hỗ trợ cho 4 triệu trẻ em gái về giáo dục, các kĩ năng cơ bản và giúp các em thay đổi cuộc sống của mình. Chiến dịch đã được phát động tại Hà Nội bởi Tổ chức Plan tại Việt Nam.

Theo Giám đốc Quốc gia Tổ chức Plan tại Việt Nam Glenn Gibney, trên toàn cầu, cứ 3 em gái thì có một em bị chối bỏ quyền được giáo dục vì thực trạng đói nghèo, bạo lực, phân biệt đối xử và tập tục cổ hủ. Các em gái bỏ lỡ cơ hội được học tập vào thời điểm các em có khả năng thay đổi cuộc sống và thế giới xung quanh em. Trẻ em gái có ít cơ hội được học hơn trẻ em trai.

Ông Glenn Gibney nói, hỗ trợ các bé gái đến trường chính là sự đầu tư thích đáng nhất mà chúng ta có thể làm để các em gái tránh xa nguy cơ bị buôn bán, bóc lột lao động và bóc lột tình dục.

Tại Việt Nam, dù kết hôn tuổi vị thành niên là trái với luật pháp Việt Nam nhưng tình trạng kết hôn sớm vẫn diễn ra với các em gái dân tộc thiểu số. Ngoài ra, bạo lực liên quan đến giới cũng phổ biến.

Là một tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng, lấy trẻ em làm trung tâm, Plan làm việc để giúp đỡ những trẻ em thiệt thòi trên khắp Việt Nam, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số tại vùng miền núi.

Trước đó, ngày 10/10, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder đã kêu gọi phải tiến hành các biện pháp để bảo đảm rằng trẻ em gái trên toàn thế giới được thụ hưởng sự tiến bộ và công bằng xã hội.

Theo thống kê của ILO, hiện có khoảng 88 triệu lao động trẻ em trên toàn thế giới là các bé gái. Các em phải làm việc trong môi trường kém an toàn nhất, nhận mức lương rẻ mạt và phải chịu sự bất bình đẳng về giới cả ở trường học, gia đình và nơi làm việc.