Hải Dương: Cát tặc lén lút “nuốt” bờ bãi sông Đông Mai

ThienNhien.Net – Từ khoảng nửa tháng trở lại đây, trên sông Đông Mai ngăn cách xã Văn Đức (Chí Linh, Hải Dương) và xã Nguyễn Huệ (Đông Triều, Quảng Ninh) xuất hiện nhiều tàu cát trái phép hoạt động.

Đêm đêm, những họng hút liên tục cắm sâu xuống đáy sông, âm thầm “nuốt” tài nguyên, khiến cho hai bờ sông xuất hiện tình trạng sụt lún. Nằm kẹp giữa hai dòng sông Kinh Thầy và Đông Mai, từ khoảng nửa tháng trở lại đây, khu đất nông nghiệp rộng hàng chục héc ta thuộc địa bàn thôn Kênh Mai 1, xã Văn Đức, thị xã Chí Linh, Hải Dương đang đối mặt với nguy cơ sụt lún nghiêm trọng.

Sông Đông Mai là một con sông đổ ra Sông Kinh Thầy. Sông có chiều dài 28km và diện tích lưu vực là 195km². Sông Đông Mai chảy qua các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh.

Dẫn chúng tôi ra sát bờ Đông Mai, anh N.V.K người đã ở bãi bồi này 7 năm ngao ngán thở dài. Chỉ tay ra bãi ngô xanh mướt sát mé nước đỏ ngầu, người nông dân 33 tuổi cho hay: Cách đây chừng 2 tuần, hiện tượng đất bãi bị lở, cuốn trôi xuống sông đã bắt đầu xuất hiện. “Ban đầu, đất nứt ra rồi trượt xuống phía dưới. Càng ngày, tốc độ mất đất càng nhanh”, anh K. kể.

Quan sát bằng mắt thường, có thể dễ dàng nhận thấy những vết lở lói đỏ au đang ăn sâu vào bãi bồi trồng ngô như một vết thương chưa lành da.

Phía đối diện, bờ đất thuộc xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều cũng ở trong tình trạng tương tự. Từng mảng đất sụt xuống, kéo theo nhiều hoa màu trồng ở phía trên. Có đoạn, nước xoáy sâu vào sát chân bãi, để lộ ra màu đất phù sa đỏ lòm.

Lý giải về hiện tượng trên, anh K. cho biết: Cách đây khoảng nửa tháng, trên dòng Đông Mai bất ngờ xuất hiện 3,4 tàu hút cát. Các tàu này đều không có số hiệu và chỉ hoạt động về ban đêm. “Cứ khoảng 9 giờ tối, các tàu sẽ kéo ra, bắt đầu bắt vòi hút. Cỡ 3,4 giờ sáng thì họ dừng hoạt động,” anh K. kể lại. Các tàu này sử dụng hệ thống vòi trực tiếp cắm sâu xuống lòng sông. Cát theo đó được đưa lên và lọc ngay tại thuyền.

Anh H.V.T (sinh năm 1983), một nông dân sinh sống tại xã Nguyễn Huệ bức xúc, những tàu hút cát trộm đã hoành hành dọc bờ sông này vài tuần nay, đặc biệt là vào ban đêm. Khi anh T. cùng một vài hộ dân khác ra ngăn chặn thì những người điều khiển tàu hung hăng, có hành vi đe dọa.

Sự xuất hiện của “cát tặc” kéo theo hệ lụy hai bờ của Chí Linh và Đông Triều đồng loạt sụt lún. Theo nhiều người dân địa phương, tốc độ sụt ngày càng nhanh hơn. Điều này khiến những hộ dân hai bên bờ sông ăn không ngon ngủ không yên khi hàng ngày, từng mét đất hoa màu của họ bị cuốn trôi theo dòng nước.

Tính trong vòng 15 ngày, riêng bãi bồi xã Văn Đức đã bị “nuốt” mất hàng chục mét đất. Đáng nói hơn, cách vị trí sạt không xa là hệ thống cột điện cao thế cấp điện cho toàn khu vực.

Người dân lo ngại, nếu tình trạng sụt lở không được chặn lại, thì cả hệ thống này cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. “Chúng tôi chỉ mong, chính quyền và những đơn vị có trách nhiệm sớm làm rõ”, anh N.V.K thở dài.

Sáng 27/6, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Đức (Chí Linh, Hải Dương) cho hay: Xã sẽ sớm cho người kiểm tra và làm rõ thông tin trên.

VietnamPlus sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất tới độc giả.

Một số hình ảnh cát tặc “lén lút” khai thác trên sông Đông Mai:

Hàng chục hécta đất phù sa có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng vì sự lộng hành của ‘cát tặc’. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phía đối diện bờ đất thuộc xã Nguyễn Huệ (huyện Đông Triều, Quảng Ninh) cũng ở trong tình trạng xói lở tương tự kéo theo nhiều hoa màu trồng ở phía trên. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tính trong vòng 15 ngày, riêng bãi bồi xã Văn Đức đã bị ‘nuốt’ mất hàng chục mét đất. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đêm đêm, các tàu ‘khai thác cát chui’ lại lộng hành. (Ảnh do người dân cung cấp)
Từng mảng hoa màu cứ thế bị sụt lở cuốn trôi theo dòng nước mỗi ngày. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cách vị trí sạt lở không xa là hệ thống cột điện cao thế cấp điện cho toàn khu vực. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Người dân lo ngại, nếu tình trạng ‘khai thác cát chui’ không bị ngăn chặn, tình trạng sụt lở sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của mình. (Ảnh: PV/Vietnam+)