Khai thác cát Hòa Bình: “Dân phản đối vẫn cấp phép là sai”

ThienNhien.Net – Bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình cho rằng: “Dân phản đối mà vẫn được cấp phép là sai…”. Vậy vì sao giấy phép vẫn được cấp?

Sau khi Báo điện tử Người Đưa Tin vào cuộc, cùng với sự bức xúc của người dân, ngày 22/5, UBND tỉnh Hòa Bình đã họp với các Sở, ngành chức năng và các huyện, thành phố để đánh giá việc quản lý về khai thác cát, sỏi tại khu vực tỉnh.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng việc khai thác cát trên khu vực hạ lưu sông Đà thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình. Yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác cát áp dụng tại mỏ cát thuộc Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến và Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Sahara trên sông Đà, ở hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình, đoạn qua xã Hợp Thành, xã Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn). Thời gian dừng khai thác từ ngày 22/5 đến hết ngày 10/6/2017.

Ngày 25/5, Tổ công tác liên ngành tỉnh Hòa Bình đã có cuộc họp với nhân dân hai xã tại UBND xã Hợp Thịnh. Tại cuộc họp, người dân đã kiến nghị được tham gia cùng Tổ liên ngành của tỉnh giám sát đối với hai công ty khai thác cát. Đặc biệt, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình trực tiếp đối thoại với nhân dân và quyết định về hoạt động khai thác cát trên địa bàn.

Bờ xôi ruộng mật có chịu nổi 24 năm khai thác cát?

Bên hành lang nghị trường, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình cho rằng: “Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân huyện Kỳ Sơn đã bày tỏ bức xúc và phản ánh về tình trạng khai thác cát trên địa bàn. Việc cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát lên đến 24 năm phải xem có đúng luật hay không. Đặc biệt, nếu địa phương không đồng ý cho doanh nghiệp được khai thác cát trên địa bàn mà cơ quan chức năng vẫn cấp phép là sai. Hơn nữa trữ lượng cát khai thác mà các đơn vị được phép cơ quan chức năng có giám sát được không hay để doanh nghiệp muốn khai thác bao nhiêu cũng được. Có thể nói vấn đề khai thác cát đang diễn biến rất phức tạp diễn ra ở nhiều địa phương hiện nay. Cát tặc gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục ý kiến vấn đề này lên hội đồng nhân dân tỉnh và cơ quan chính quyền có liên quan để người dân yên tâm”.

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Long, An Giang, Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh của báo chí về tình trạng khai thác cát vẫn diễn biến phức tạp. Vừa qua, báo Người đưa tin, báo Lao động và các phương tiện thông tin, truyền thông đăng nhiều tin, bài phản ánh tại một số địa phương: Hòa Bình, Vĩnh Long, An Giang, Khánh Hòa, tình trạng hoạt động khai thác cát vẫn diễn biến phức tạp, gây sạt lở sông, sạt lở đất làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại đến diện tích sản xuất, nuôi trồng thủy sản của các hộ dân; một số doanh nghiệp khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, khai thác bất kể ngày đêm.

Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Long, An Giang, Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh của báo chí, nếu đúng như nội dung các bài báo phản ánh thì kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2017.

Xem thêm:  Cấp phép khai thác cát ở Hòa Bình: Quá nhiều số liệu vênh nhau