Lao đao vì… mỏ

ThienNhien.Net – Trước thực trạng khai thác mỏ trên nhiều tỉnh thành hiện nay, rất nhiều cán bộ hưu trí, nhất là những cựu cán bộ bên ngành địa chất khoáng sản đều có chung một nhận xét: Tỉnh nào có nhiều khoáng sản, nhiều mỏ, rút cục các tỉnh ấy lại… đều nghèo. Những lời tâm sự theo kiểu chiêm nghiệm, thậm chí là “rút gan, rút ruột” này đã gợi ra một nghịch lý. Và để hiểu thêm về nghịch lý này, chúng tôi đã đi tìm câu trả lời.

Trong khoảng thời gian chục năm trở lại đây, khai thác khoáng sản đã bùng phát tại tỉnh Phú Thọ. Ngoài việc tăng thu về ngân sách do các doanh nghiệp (DN) vào đây khai thác khoáng sản đóng nộp, giải quyết phần nào công ăn việc làm cho lao động trong tỉnh thì những cảnh báo về sự nghèo khó, nhất là việc phá hủy tài nguyên môi trường cũng đang đến với đất này.

Bức tranh toàn cảnh

Trong 13 huyện, thị, thành phố hiện có của Phú Thọ, khoáng sản các loại có mặt ở khắp nơi, nhưng tập trung và có giá trị nhất về các loại khoáng sản phải kể đến các huyện miền núi như Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn của tỉnh. Tập trung ở các huyện này, khoáng sản có giá và hay được người ta để ý đến nhất đó là quặng sắt. Vì thứ quặng này nên nhiều năm trước, các cá nhân và DN đã đổ sự chú ý của mình về đây. Và trong một thời gian không lâu, với sự “góp mặt” của các công ty, những DN “đàn anh” như T.L., V.P.T., P.Đ…. thì nhiều núi đồi ở những xã nghèo của các huyện như Thượng Cửu, Tân Minh (huyện Thanh Sơn), Văn Luông, Tân Hồi (huyện Tân Sơn), Lương Sơn, Yên Thủy (huyện Yên Lập) đã trở nên… nham nhở.

Mỗi năm qua, mỗi tháng tới, trước những niềm vui vì thuế do các DN khai khoáng nộp, niềm vui vì lao động có việc làm thì hiện nay cái giá phải trả đang đến với các huyện nghèo này. Cái đầu tiên người ta thấy đó là việc xuống cấp của hệ thống đường giao thông, tài nguyên môi trường đang bị trả giá. Hiện nay trên các tỉnh lộ, đường liên xã để dẫn lên các xã như Thượng Cửu, Tân Minh, Đông Cửu, người tham gia giao thông thấy kinh hoàng vì sự xuống cấp khá trầm trọng của hạ tầng cơ sở nơi đây. Đặc biệt như tuyến đường từ ngã ba Minh Đài dẫn vào khu huyện nghèo Yên Lập, dài khoảng 30km hầu như đã bị xóa sổ và bắt buộc phải làm mới. Tất cả các hệ lụy này, nếu bắt gặp bất cứ một người dân nào, đưa ra câu hỏi, họ đều lắc đầu ngao ngán và cho biết: Xe chở quặng phá.

Hạ tầng cơ sở, giao thông là như vậy, nhưng tàn dư cũng như sự khắc phục về môi trường làm người ta đáng quan ngại hơn. Khu vực Đầm Mười (xã Tân Minh, Thanh Sơn), sau khi công ty P.Đ. được cấp phép vào đây khai thác, chưa đầy vài năm sau, suối Long Vương đã bị xóa sổ. Đó là còn chưa kể đến một diện tích lớn đất canh tác – nguồn mưu sinh chủ yếu của bà con nơi đây cũng bị đất đá khai trường đổ về vùi lấp. Vì nguồn mưu sinh của mình, vì muốn cứu lấy môi trường nên những người dân hiền lành nơi đây đã phải bỏ việc đồng áng để dành thời gian viết đơn và đi gửi cho các cơ quan, ban, ngành. Thậm chí HĐND xã cũng phải vào cuộc. Nhưng kết quả xử lý cũng chả được bao nhiêu nên trong các công văn gửi cấp trên này, “cực chẳng đã”, HĐND xã đã “đổi tên” công ty này thành… công ty thất đức!

Xã Văn Luông trước kia vốn yên ả. Nhưng sự yên ả này bị xóa tan bởi hai chữ: Có quặng. Vì có quặng nên xã đã bị nhòm ngó, và chả bao lâu lại có một công ty có tên V.P.T., được cấp phép vào đây khai thác. Công ty khai thác trên núi, quy trình khai thác không theo quy định và cam kết, thế là đất đá lại đổ ra suối, về với ruộng của dân. Sau vài tháng khai thác, đã có gần 50.000m2 ruộng hai vụ mầu mỡ của dân không cấy hái được gì. Để có nguồn sinh sống, người dân nơi đây đã phải cất công leo núi, leo đồi lên tìm lãnh đạo công ty. Nhưng mọi sự cố gắng của họ đều trở nên công cốc vì không… được tiếp. Thế nên cực chẳng đã họ lại phải gửi đơn tới các cơ quan chức năng. Và mọi chuyện lại phải chờ “hạ hồi phân giải”!

Nhiều đồi núi và ruộng lúa của người dân ở các huyện có quặng của Phú Thọ bị hủy hoại
Nhiều đồi núi và ruộng lúa của người dân ở các huyện có quặng của Phú Thọ bị hủy hoại

Theo đường dây khai khoáng

Trong một lần tìm vào các khu vực khai khoáng ở Phú Thọ, chúng tôi đã phát hiện ra một kiểu khai thác khoáng sản có thể coi là rất mới và khá lạ tại đây. Nhiều người khai thác khoáng sản ở đây bảo: Giờ đi tìm mỏ, rồi xin cấp phép, hoàn thành hồ sơ để được khai thác đã trở thành chuyện “xưa như diễm” ở đây rồi. Hiện nay, để tiện lợi, có hiệu quả hơn cho việc khai thác khoáng sản và ít có trách nhiệm hơn nên những tay đầu nậu về khoáng sản đã có cách khác. Tăm tia ở đâu thấy khoáng sản, họ cho máy móc và nhân lực vào. Chỗ nào là “rốn”, là “bụng” quặng thì họ cắm gầu máy xuống. Quặng được móc lên, họ đánh đống rồi cho người tìm đến các cơ quan chức năng để khai báo với lí do “phát hiện ra quặng khai thác trái phép”. Dĩ nhiên số quặng khai thác khổng lồ kia sẽ được khoác bằng “cái tên mới”: Quặng vô chủ. Rồi việc kê biên, kiểm đếm và thanh lí, đấu giá sẽ diễn ra và cuối cùng nó lại được bán lại cho người đã khai thác nó.

Để tiếp cận với cách khai thác độc nhất vô nhị này, theo đường tỉnh lộ 316E, chúng tôi tìm vào xã Tân Hồi của huyện Tân Sơn. Nơi đây theo người dân cung cấp thì có một mỏ khoáng sản lộ thiên và đang được khai thác theo kiểu không giấy phép này. “Mỏ” này do một đại gia, một trùm khai khoáng có tên T. “phát hiện” ra. Mới đầu người dân không biết dưới đất mình có quặng, chỉ thấy đại gia này vào, đặt vấn đề và bỏ ra 100 triệu để mua 2 quả đồi của dân. Sau đó ông này cho máy vào, đào đất tuyển và chất quặng thành núi. Rồi xe tải cứ như vậy mà gầm gừ ngày đêm lăn bánh để chở quặng ra ngoài mà không hề gặp bất cứ sự cố nào.

Ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ tịch huyện Tân Sơn xác nhận là có việc khai thác quặng trái phép này. Nhưng do số lượng quặng quá lớn, vượt thẩm quyền và chức năng xử lý của huyện nên huyện đã chuyển cho Công an tỉnh Phú Thọ xử lí. Trả lời về việc tại sao khi chưa thanh lý mà quặng vẫn được các xe trọng tải lớn chở ra thì ông Nguyễn Trung Kiên cho biết: Sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan đến lĩnh vực này của huyện để xâm nhập và xử lý. Nếu việc phản ánh của phóng viên và người dân là có thực thì sẽ xử lý triệt để.