Cấm trung chuyển hàng hóa trên các tàu ngoài khơi để ngăn chặn đánh bắt cá trái phép

ThienNhien.Net – Nghiêm cấm hoạt động trung chuyển hàng hóa giữa các tàu trên vùng biển ngoài khơi là việc làm cần thiết để ngăn chặn đánh bắt hải sản trái phép trên biển, giảm tình trạng buôn bán người và bóc lột sức lao động cùng nhiều hoạt động trái phép khác. Tổ chức Oceana khẳng định trong một nghiên cứu công bố mới đây.

Theo Oceana, tổ chức phi chính phủ chuyên về bảo vệ đại dương, có trụ sở tại Washington D.C: “Hoạt động chuyển hàng cho phép các tàu cá neo đậu ngoài khơi dài ngày. Tàu cá và tàu chở hàng đông lạnh có thể trao đổi các mặt hàng hải sản, nhiên liệu và nhu yếu phẩm. Những hoạt động này có thể coi là hợp pháp, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp biến tướng thành hành vi đánh bắt trái phép, đặc biệt ở vùng ngoài khơi và vùng biển bao quanh các quốc đảo nhỏ, nơi không đủ nguồn lực an ninh canh giữ vùng biển.”

Báo cáo chi tiết của Oceana công bố hồi tháng trước chỉ ra rằng gần 40% trường hợp chuyển hàng giữa các tàu bị bắt giữ xảy ra ở vùng biển ngoài khơi xa – những khu vực nằm ngoài quyền tài phán của các nước, chiếm khoảng 2/3 diện tích đại dương trên Trái Đất. Vùng biển Okhotsk của Nga, khu vực ngoài khơi biển Barents, cũng là vùng lãnh hải của Guinea-Bissau sát với lãnh hải giữa Argentina và Peru được coi là điểm trung chuyển nóng nhất trên thế giới.

Báo cáo của Ocean dựa trên phân tích dữ liệu do SkyTruth (một tổ chức phi chính phủ chuyên về giám sát trong lĩnh vực môi trường có trụ sở tại tây Virginia) và Global Fishing Watch (đối tác của cả Google, Oceana và Skytruth) thu thập với hơn 5.000 trường hợp sang chuyển hàng hóa “có vẻ” trái phép và hơn 86.000 trường hợp “khả nghi” bị ghi hình trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2016.

Một tàu hàng ngoài khơi (Ảnh: U.S. Navy)

Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Marine Policy hồi tháng trước đã chỉ ra rằng việc cấm toàn bộ hoạt động sang chuyển hàng hóa giữa các tàu ở các vùng biển ngoài khơi sẽ góp phần quan trọng trong việc chấm dứt đánh bắt hải sản trái phép và bóc lột sức lao động trong ngành này.

“Sang chuyển hàng hóa ở các vùng biển xa khơi, ngoài chủ quyền của các nước là điều kiện thuận lợi cho các tàu cá đánh bắt trái phép luồn tránh các biện pháp kiểm tra, giám sát và giao dịch hàng hóa mà không cần quay lại cảng.” – Bà Jennifer Jacquet, Đại học New York và đồng tác giả báo cáo trên cho biết.

Ông Chris Ewell, trưởng nhóm nghiên cứu (Đại học New York) bổ sung thêm: “Nghiêm trọng hơn, việc chuyển hàng hóa này có thể sẽ tiếp tay cho hành vi buôn bán người và giam giữ, bóc lột lao động trên các tàu cá do lực lượng giám sát ngoài khơi lỏng lẻo.”

Các vùng biển duyên hải đang bị khai khác quá mức nên các tàu cá ngày càng phải đánh bắt xa bờ hơn. Ewell và nhóm nghiên cứu đang tập trung vào quy định sang chuyển hàng hóa giữa các tàu ban hành bởi 17 Tổ chức Quản lí ngư nghiệp vùng (RFMO) để chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan quốc tế đối với việc quản lý ngư nghiệp ở các vùng biển xa bờ, từ đó xiết chặt công tác quản lý hoạt động này trên phạm vi toàn cầu.

Kể từ cuối những năm 1990, mỗi năm các RFMO đều tăng cường các quy định quản lý trung chuyển trên biển, tuy nhiên chỉ có 5 tổ chức RFMO đã thông qua lệnh cấm một phần vào năm 2015. Hiện chỉ có một RFMO là Tổ chức Ngư nghiệp phía Đông Nam Đại Tây Dương đã thông qua lệnh cấm toàn phần đối với hoạt động sang chuyển hàng hóa giữa các tàu.

Tuy nhiên, theo Ewell và nhóm tác giả, lệnh cấm cần thực hiện đồng loạt mới có thể đảm bảo phát triển ngư nghiệp bền vững và chấm dứt hành động đánh bắt trái phép ước tính gây tổng thất thoát lên tới khoảng 10 đến 23,5 tỉ USD mỗi năm.

Lệnh cấm này cũng sẽ góp phần giảm hiện tượng buôn bán người, bóc lột lao động và lạm dụng quyền con người – những vấn đề bất ổn đang phổ biến trong ngành ngư nghiệp, do các tàu cá được phép neo đậu dài ngày trên biển, có thể trốn tránh được sự kiểm tra của các cơ quan quản lý và giám sát. Đa phần lao động trên các tàu được các đơn vị môi giới tuyển ở những nước đang phát triển. Những đơn vị này thường làm sai lệch những điều khoản thỏa thuận, yêu cầu trả “lệ phí đại diện” –  khoản tiền này dùng để trói chân lao động, thậm chí lấy cắp giấy tờ và sử dụng làm điều kiện để kiểm soát họ. Những ngư dân này cũng thường bị giảm lương hoặc không trả lương, bị giữ lương vài năm.

Việc trung chuyển hàng hóa trên các tàu ngoài khơi cũng là đầu mối gây ra nhiều loại hình tội phạm có tổ chức như buôn bán ma túy, vũ khí và động vật hoang dã.

Nguyễn Sen (Theo Mongabay)