Khó kiểm soát nguồn cung thực phẩm

ThienNhien.Net – Chỉ cần nhìn vào các con số thống kê, Hà Nội có tới hơn 1000 cơ sở giết mổ, nhưng chỉ có 27 cơ sở giết mổ tập trung. Đó là chưa kể đến việc giết mổ tự phát trong các khu dân cư. Điều đó chỉ ra, nguồn thực phẩm từ gia súc, gia cầm vẫn chưa được kiểm soát tốt, trong khi đó lại xảy ra nghịch lý là các dự án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bị “treo” trong thời gian dài.

Ảnh minh họa

Bất cập với lực lượng thanh tra chuyên ngành

Chuyện thực phẩm không an toàn đi vào mâm cơm của hàng triệu tổ ấm đã trở thành chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Thế nhưng ngay cả khi Hà Nội lựa chọn 5 quận, huyện để làm thí điểm thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) theo Quyết định 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vẫn cho thấy nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

Tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối, với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đa số người kinh doanh “ăn hàng” của những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; hoặc với gia cầm, người bán thường mua xô theo đàn, mang đến chợ thịt dần từng con phục vụ khách. Đa số hoạt động giết mổ nhỏ lẻ đều không bị lực lượng kiểm soát “sờ” đến! Trung bình, mỗi ngày TP Hà Nội tiêu thụ trên 100 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm. Trong khi đó địa bàn chỉ đáp ứng được 60%, còn lại là nhập từ các nơi khác về.

Ông Đỗ Phú Sơn – Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội bày tỏ: “Không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và VSATTP”. Theo tìm hiểu, tại Hà Nội có sáu chốt kiểm dịch tại các trục giao thông Ba La (Hà Đông); Hà Vĩ (Thường Tín); thị trấn Phú Xuyên; Ngọc Hồi (Thanh Trì); Dốc Lã (Gia Lâm) và Trung Giã (Sóc Sơn), tuy nhiên do lực lượng liên ngành thiếu, cơ sở vật chất kỹ thuật kiểm tra không đáp ứng yêu cầu; sản phẩm từ động vật ngoại tỉnh đưa vào Hà Nội thường né tránh các chốt kiểm dịch, gây khó khăn trong quản lý, kiểm soát”.

Thực hiện Quyết định 38/2015/QĐ-TTg, sau một năm thí điểm tại năm quận, huyện tại Hà Nội, đã kiểm tra được 3.536 cơ sở, xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 1, 2 tỷ đồng. Theo ông Đỗ Văn Ngọc – Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín (đơn vị thực hiện thí điểm), việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành VSATTP tại quận, huyện và phường, xã, thị trấn là cần thiết nhằm nâng cao vai trò của các cấp chính quyền trong lĩnh vực quản lý VSATTP.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Liễu – Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín nêu ra không ít điều còn trăn trở: “Quy trình của thanh tra đòi hỏi chặt chẽ, cần nhiều thời gian hơn, đôi khi không kịp thời so với kiểm tra, nên số cơ sở được thanh tra chuyên ngành còn ít. Cán bộ được phân công đều làm kiêm nghiệm, cán bộ thiếu chuyên môn”.

Chậm chạp triển khai các dự án giết mổ tập trung

Một trong những cách thức để kiểm soát nguồn thực phẩm từ gia súc, gia cầm, đồng thời phục vụ việc phòng ngừa kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, phòng chống ô nhiễm môi trường là xây dựng các khu giết mổ tập trung. Khi đó sẽ tập trung các hộ, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong các huyện ngoại thành vào đó để hoạt động. Thế nhưng đa số dự án chỉ được lập ra rồi bỏ đó, thiếu vốn đầu tư, vướng mắc quá nhiều.

Tiêu biểu như một dự án mà UBND TP Hà Nội công bố theo Quyết định số 4355 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng cơ sở giết mổ và chế biến gia súc tập trung Quang Lãng, Tri Thủy tại xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên. Theo đó, xã Quang Lãng và Tri Thủy là những thôn có nghề giết mổ trâu bò chừng 40 năm, đã bố trí mặt bằng nhưng đến nay Dự án vẫn còn “đắp chiếu”. Nhân dân hai xã đã “mòn mỏi” chờ đợi Dự án suốt 7 năm qua và hiện tại vẫn từng ngày phải sống chung với ô nhiễm.

Theo tìm hiểu, trên địa phận hai xã Quang Lãng và Tri Thủy có khoảng 55 hộ trực tiếp làm nghề giết mổ gia súc, số lượng giết mổ trung bình khoảng 500 con/ngày. Địa điểm giết mổ được thực hiện tại nhà, không được cấp phép, không bảo đảm các điều kiện VSATTP theo quy định; không được bố trí sắp xếp thành các khu riêng biệt (khu nhốt động vật, khu bẩn, khu sạch), hầu hết không có hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng trong quá trình giết mổ mà thải ra môi trường, nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan không qua xử lý và trang bị dụng cụ trong điểm mổ khá tùy tiện, thủ công, lạc hậu không đáp ứng yêu cầu giết mổ.

Một dự án khác tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai), hiện nay mới chỉ hoàn thành xong giai đoạn một. Được biết, hiện toàn thành phố có 4 điểm thực hiện dự án đã triển khai nhưng chậm tiến độ, còn lại 31 điểm vẫn nằm trên… giấy

Là người trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo cấp trên, bà Nguyễn Thị Tam – Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: “Để thực hiện một dự án, cấp huyện phối hợp cùng cấp xã tìm địa điểm rồi trình lên, hồ sơ được đưa đến các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch – Kiến trúc. Để tìm được tiếng nói chung là vô cùng khó khăn bởi thế doanh nghiệp rất ngại. Có khi có điểm hợp lý rồi, cấp huyện có thể làm được nhưng lại vướng vào quy hoạch mà Sở Quy hoạch – Kiến trúc đưa ra với tầm nhìn đến năm 2030, hoặc lập xong rồi lại vướng quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường!”.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trong thời gian chờ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch của thành phố, các huyện, thị xã chỉ nên cho phép cơ sở giết mổ quy mô lớn hoạt động tạm thời. Các huyện đã xây dựng xong các điểm giết mổ công nghiệp tập trung phải tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm cơ sở không phép, nhỏ lẻ, tự phát, gây ô nhiễm môi trường…

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng Hà Nội cần khuyến khích tốt hơn các doanh nghiệp tham gia vào dự án, đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng, giảm bớt thủ tục và trước mắt nên xây dựng những dự án tầm nhỏ, với quy hoạch ngắn hạn để phục vụ cho việc tập trung người dân hoạt động lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm.