Sơn Trà ký sự – Kỳ 6: Vết thương chí mạng của rừng cấm

ThienNhien.Net – Suối Đá là con suối lớn nhất của rừng cấm Sơn Trà. Nó không chỉ giữ vai trò trọng yếu trong trong việc cân bằng hệ sinh thái Khu bảo tồn mà còn là một trong những nguồn cung cấp nước sạch cho thành phố.

Rừng Sơn Trà đang bị đào phá để xây biệt thự nghỉ dưỡng

Thời chính quyền cũ, người ta đã tạo ra một cái hồ để trữ nước chảy ra từ Suối Đá. Cái hồ đó được tạo ở vị trí và cách thức thuận với thiên nhiên, không xâm hại đến sự cân bằng của hệ sinh thái. Từ cái hồ này, người ta lấy nước sạch để cung cấp một phần cho thành phố. Đây là nguồn nước trong lành nhất.

Giờ thì nguồn nước không còn trong lành nữa và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, hệ sinh thái bị phá vỡ, khi những khu du lịch mang cái tên mỹ miều là “du lịch sinh thái” đang thi nhau khai thác lợi thế của con suối  này. Trước khi những dự án mỹ miều kia đổ bộ vào Sơn Trà, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã “đi trước đón đầu” bằng một dự án không liên quan đến du lịch. Đó là Khu biệt thự Suối Đá, được phê duyệt quy hoạch chi tiết theo Quyết định 8090/QĐ-UB ngày 7.10.2004 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng với diện tích 313.330 m2 (31,333ha), trong đó đất xây dựng biệt thự là 100.280 m2 chia thành 143 lô. Diện tích còn lại dành cho cảnh quan và giao thông, công trình công cộng phục vụ cho khu biệt thự. Ngày 8.7.2005, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký tiếp Quyết định số 5499/QĐ-UB điều chỉnh tổng mặt bằng, rút số lô biệt thự xuống còn 137, tổng diện tích giữ nguyên. Ngày 29.5.2006, UBND thành phố ban hành Quyết định 3351/QĐ-UBND ban hành quy định về giá đất “để thu tiền giao quyền sử dụng và cho thuê các lô biệt thự Suối Đá”, đồng thời giao cho Ban Quản lý dự án Sơn Trà – Điện Ngọc “thông báo công khai, rộng rãi các lô đất giao quyền sử dụng để tổ chức, cá nhân có nhu cầu biết đến đăng ký, làm thủ tục ký hợp đồng và nộp tiền sử dụng đất tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng; đồng thời phối hơp với các ngành chức năng, UBND quận Sơn Trà để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định”.

Chúng tôi gọi đây là dự án “đi trước đón đầu”, vì một Khu biệt thự với 137 lô nằm sâu trong núi sẽ chẳng có giá trị bao nhiêu nếu như bên cạnh không nhộn nhịp những khách sạn sang trọng, những khu nghỉ dưỡng cao cấp. Càng nhộn nhịp, chúng càng có giá.

Nói là “thông báo công khai, rộng rãi”, tức là đưa ra thị trường các lô đất biệt thự này, nhưng không mấy người biết. 137 lô đất biệt thự đó được “cấp” cho ai, được đem “cho tặng” hay đem bán, việc mua đi bán lại như thế nào, không ai biết, người biết chuyện thì không biết nói. Người ta đồn rằng những lô đất biệt thự này được “cấp” cho nhiều quan chức, cả địa phương và trung ương, nhưng lời đồn thì không bằng không chứng. Vả lại truy ra danh tính những người sở hữu không nằm trong phạm vi đề cập của ký sự này.

Điều chúng tôi đề cập ở đây là, việc chính quyền “phân lô bán nền” biệt thự ở nơi cấm địa, kéo theo đó là một loạt các dự án “sinh thái”, “nghỉ dưỡng” cũng do chính quyền đưa vào,  đã gây ra những vết thương chí mạng cho Khu bảo tồn, những vết thương “mắt thường” không thấy hết.

Cần biết, sau giải phóng, lượng nước chảy ra từ Suối Đá trong mùa khô đo được 250 m3/giờ. Khoảng 15 năm sau đó, dù rừng chưa bị phá nghiêm trọng như bây giờ, nhưng những tổn thương do việc phá rừng đã khiến cho lưu lượng nước trong mùa khô giảm mạnh, chỉ còn hơn 1/3. Ngày nay, lưu lượng nước từ Suối Đá trong mùa khô chỉ còn chưa bằng 1/10 sau giải phóng.

Ông Hoàng Đình Bá cho tôi biết số liệu nói trên. Ông đã âm thầm theo dõi diễn thế rừng và dòng chảy tại khu vực Suối Đá suốt hơn 40 năm nay. Tại đây, ông cũng có một khu vườn nhỏ khảo nghiệm cây cối. Cái vườn khảo nghiệm đó được lập ra trong diện tích 22,5 ha rừng bị phá trước đây. Ông bảo, hồi đó lãnh đạo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng vô cùng cẩn trọng đối với Sơn Trà, mọi nghiên cứu khảo nghiệm chỉ cho phép tiến hành trong diện tích 22,5 ha rừng bị phá đó thôi, cấm đụng đến những nơi khác. “Không chỉ khu vực Suối Đá mà toàn bộ diện tích rừng cấm đều phải được bảo vệ nghiêm ngặt”, ông nói.

Do rừng bị tổn thương nghiêm trọng nên không chỉ lượng nước chảy ra từ suối giảm mạnh mà nguy hiểm hơn, nước ngầm trong khu vực cũng dần dần cạn kiệt. Tại khu vực Suối Đá, ông Bá đã chỉ ra 11 vị trí sụt lún, ông đã lập một bản đồ những vị trí này và mô tả mức độ bị sụt. Tình trạng sụt lún chính là do nước ngầm cạn kiệt.Ông còn bảo, cái hồ ở Suối Đá cũng bị phù sa bồi lấp, thỉnh thoảng người ta phải nạo vét, cải tạo, trước đây không có như vậy. Đâu chỉ có Voọc chà vá chân nâu, đâu chỉ những loài thực vật, động vật nằm trong Sách đỏ mới cần được bảo vệ ở Sơn Trà. Bảo vệ Sơn Trà là bảo vệ cả một hệ sinh thái, là bảo vệ mối quan hệ đan xen, liên kết, dung dưỡng, chế ước lẫn nhau của muôn loài, dù chúng có trong Sách đỏ hay không. Đáng buồn là chẳng mấy ai quan tâm đến việc ông làm, chẳng mấy ai nghe những lời ông nói, nhất là khi ông đã quá già. Ông già 88 tuổi này không cô đơn giữa cỏ cây sông suối nhưng vẫn cô đơn giữa đồng loại, ngay cả những người yêu mến Sơn Trà tổ chức cuộc hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà” diễn ra ở Đà Nẵng mới đây cũng không mời ông đến dự, dù ông hiểu về Sơn Trà và gắn bó với Sơn Trà hơn bất kỳ ai trên đất nước này. Ông bảo ông thì không cần mời, nhưng có nhiều anh em ở Viện Khoa học Việt Nam từng nghiên cứu sâu về Vườn Quốc gia Cúc Phương, nếu bàn về bảo tồn Sơn Trà nên mời thêm những anh em đó.

Còn chuyện này nữa, trong những ngày mưa to, dân Sơn Trà nhiều khi phải uống nước đục, dù nước được nhà máy xử lý trước khi cấp qua đường ống. Việc phát triển du lịch bừa bãi xung quanh khu vực Suối Đá trong khi không có những quy định chặt chẽ bảo vệ môi trường, chắc chắn ít nhiều cũng làm ô nhiễm nguồn nước.

Sự báo thù của thiên nhiên không chỉ trong tương lai mà ngay trong hiện tại. Và hứng chịu sự báo thù đó chính là người dân, đó cũng là sự oan ức. (còn tiếp)

Sơn Trà ký sự – Kỳ 1: Chuyện về ông “thần rừng”