Khởi đầu với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

ThienNhien.Net – Từ kết quả thực hiện thí điểm tại hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La, Dự thảo nghị định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (gọi tắt là Dự thảo) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo và tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các bên quan tâm. Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng chính sách chi trả dịch vụ môi trường (PES) về rừng sẽ sớm được thông qua và đi vào cuộc sống, từ đó sẽ có cơ hội nhân rộng chính sách PES đối với các hệ sinh thái quan trọng khác của Việt Nam như biển và đất ngập nước.


Một nội dung nổi bật của bản Dự thảo là dịch vụ môi trường rừng, vốn trước đây thường được cộng đồng hiểu một cách chung chung, đã được định nghĩa, phân loại rõ ràng và gắn liền với mục đích sử dụng cụ thể.

Từ chỗ hầu hết dịch vụ của hệ sinh thái rừng được xem là của chung, ai cũng có thể sử dụng mà không phải trả phí, thì nay chúng được xem là một loại hàng hoá, có thể trao đổi và mua bán theo thị trường thỏa thuận. Đây là một tiến bộ có tính cải cách trong hệ thống chính sách về lâm nghiệp của Việt Nam.

Ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) – cho biết việc Chính phủ ban hành nghị định này sẽ tạo nên một công cụ kinh tế có tính pháp lý, giúp tạo ra các nguồn tài chính bền vững và tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan trong công cuộc bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng bền vững ở Việt Nam.

Áp dụng cơ chế PES sẽ giúp các chủ rừng, các cộng đồng và hộ dân tham gia bảo vệ rừng có nguồn thu chính đáng và thiết thực, khuyến khích họ tham gia bảo vệ rừng tích cực, hiệu quả và lâu dài hơn.

Bản Dự thảo xác định các bên tự thoả thuận về loại dịch vụ, mức chi trả và phương thức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng phù hợp với các quy định của pháp luật. Theo ông Nguyễn Việt Dũng, đây là nội dung quan trọng và cần được phát huy bởi đảm bảo tính tự nguyện theo quan hệ cung-cầu của thị trường, đồng thời đây là cơ sở để duy trì lợi ích hài hoà của các bên trong quá trình đàm phán và thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường.

Mặc dù Nghị định này được soạn thảo dựa trên kết quả thực hiện thí điểm trong thời gian ngắn, song quá trình xây dựng Dự thảo nghị định đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước. Ông Dũng cho biết trong thời gian qua, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã nghiên cứu và có một số góp ý cho Ban soạn thảo Nghị định này.

Để biết thêm chi tiết về những góp ý này, bạn đọc có thể tham khảo tại đây

Nếu được thông qua, Nghị định sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để đưa ngành lâm nghiệp phát triển phù hợp quy luật kinh tế hàng hoá, phát huy những giá trị cơ bản của tài nguyên rừng, đông thời thúc đẩy hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp, tăng cường sự tham gia của người dân và hỗ trợ xoá đói giảm nghèo.

PES – mũi tên trúng nhiều đích

PES vì người nghèo ở Việt Nam