Bắc Kạn xây dựng hồ Nặm Cắt: Lợi chưa thấy, hại đã nhãn tiền

ThienNhien.Net – Trước thực tế những thiệt hại mà dự án xây dựng công trình hồ Nặm Cắt (TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) đã và đang mang lại, nhiều người cho rằng cần cương quyết dừng đổ thêm tiền cho dự án bởi tính hiệu quả không cao.

Những ngôi nhà dân ở thôn Bản Pẻn nằm trong dự án xây dựng Hồ Nặm Cắt.

Như đã đề cập ở các bài viết trước, Dự án Hồ chứa nước Nặm Cắt (tỉnh Bắc Kạn) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đầu tư trên địa bàn TP Bắc Kạn phê duyệt tại Quyết định số 2926/QĐ-BNN-XD ngày 15/10/2009 với tổng mức đầu tư gần 475 tỷ đồng, giao cho Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 2 làm chủ đầu tư để xây dựng công trình còn địa phương được giao xây dựng đường quản lý, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và di dân tái định cư.

Hợp phần đường quản lý, bồi thường GPMB và di dân tái định cư được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt tại Quyết định số 3932/QĐ-UBND ngày 28/12/2009, giao UBND thị xã Bắc Kạn (nay là TP Bắc Kạn) làm chủ đầu tư với tổng mức kinh phí là 142.296.261.000 đồng.

Đến năm 2015, trước đề nghị của TP Bắc Kạn, Bộ NN&PTNT đã điều chỉnh tổng mức đầu tư hợp phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án hồ chứa nước Nặm Cắt lên tới 202.996 triệu đồng.

Qua 5 lần cấp vốn, tỉnh Bắc Kạn được Bộ NN&PTNT chuyển về số kinh phí là 202.727 triệu đồng. Riêng năm 2016 là gần 82 tỷ đồng, năm 2015 là 40 tỷ đồng.

Vốn về đến đâu, TP Bắc Kạn thực hiện giải ngân đến đấy và đến hết năm 2016 địa phương này đã thực hiện giải ngân được 202.727 triệu đồng bằng 100% vốn cấp. Tuy đã tiêu gần hết số vốn đầu tư nhưng trên thực tế công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB và tái định cư thực hiện dự án lại không được là bao. Theo đó, nguy cơ rõ rệt nhất là hơn 500 tỷ đồng đầu tư cho dự án đã chi ra chưa phát huy được chút hiệu quả nào.

Cụ thể: Tổng diện tích đất phải thu hồi (cả nơi đi và nơi đến) là 202ha nhưng đến nay Bắc Kạn mới thu hồi được 108,8ha. Trong khi đó, tổng số hộ phải di chuyển theo quy hoạch là 155 hộ với 775 nhân khẩu nhưng cũng mới thực hiện di chuyển được 7 hộ với 25 nhân khẩu.

Theo quyết định phê duyệt dự án, mục tiêu của hồ chứa nước Nặm Cắt sẽ là chống lũ cho TP Bắc Kạn, tạo nguồn cấp nước tưới, sinh hoạt, công nghiệp, cải thiện môi trường, nâng cao đời sống kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh Bắc Kạn.

Tuy nhiên, hơn 6 năm qua, những lợi ích mà dự án “vẽ” ra chưa thấy đâu thì hậu quả nhãn tiền mà những người dân của TP Bắc Kạn phải gánh chịu đã đến. Theo thống kê từ Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng TP Bắc Kạn: Nếu tính cả dự án sẽ có trên 150 hộ dân phải di dời, di vén, 300 hộ dân có đất bị ảnh hưởng. Ngoài ra còn có 86 hộ dân ở thôn Bản Bung cũng phải di dời khi công trình Hồ Nặm Cắt hoàn thành.

Tuy vậy, đến thời điểm này, TP Bắc Kạn – địa phương được giao làm chủ đầu tư hạng mục bồi thường, hỗ trợ tái định cư mới tiến hành tái định cư cho 5 hộ dân ở thôn Nà Pài, còn các hộ thuộc thôn Bản Pẻn chưa di chuyển được hộ nào. Trong đó có một số hộ thuộc khu vực có nguy cơ ngập úng cao khi mùa mưa đến. Điều kiện sống của các hộ dân này đang bị xáo trộn khá nhiều bởi đường đi lối lại khá khó khăn, điều kiện sản xuất bị thu hẹp…

Vậy là cuộc sống, sinh mạng của hàng trăm hộ dân ngày càng thêm bị đe dọa nghiêm trọng bởi đang bị đẩy vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Nếu ở lại thì nguy cơ bị cô lập bởi ngập nước, ra khu tái định cư thì nguy cơ sạt lở rất cao bởi chủ đầu tư và nhà thầu chỉ mới san gạt một phần còn tả ly sau các khu đất dành làm nhà ở cho dân vẫn để cao lênh khênh đến hàng chục mét.

Chị Vũ Thị Ngọc – một trong số ít hộ đã đến ở khu tái định cư cho biết: Từ ngày dự án Hồ Nặm Cắt thu hồi hết đất sản xuất gia đình cũng chẳng còn đất trồng lúa, rau màu. Tạm thời gia đình phải đi nhờ đất ruộng của người nhà để trồng cấy.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có hàng chục dự án với tổng số vốn hàng trăm tỷ đồng được đầu tư xây dựng nhưng đã và đang “đắp chiếu” hoặc không thể hoàn thành như: Dự án Trung tâm chữa bệnh-giáo dục-lao động xã hội; Dự án kè bờ hữu và chỉnh trị dòng sông Cầu TP Bắc Kạn; Bệnh viện Bản Thi, huyện Chợ Đồn; Dự án tái định cư Bản Piêng ở xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn; Dự án nhà máy xi măng Bắc Kạn,…

Một cán bộ Sở Xây dựng Bắc Kạn cho biết: Khi người ta “vẽ” dự án và đặt mục tiêu là chống lũ cho TP Bắc Kạn thì chưa có Nhà máy thuỷ điện Nặm Cắt tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông. Tháng 5/2012, Nhà máy thuỷ điện Nặm Cắt hoàn thành đã cơ bản “cắt” lũ cho hạ lưu, cuộc sống người dân trong vùng hồ Nặm Cắt tương đối ổn định,…

Liên quan đến công trình “rùa bò” này, một cán bộ ngành nông nghiệp địa phương cũng thẳng thừng: Đặc thù của tỉnh Bắc Kạn nói chung và TP Bắc Kạn nói riêng là phần đất dành cho sản xuất nông nghiệp ít và ngày càng “teo” đi do đô thị hóa phát triển. Vì thế, mục tiêu tạo nguồn nước tưới có con số đến gần 4.000ha cũng là điều… chỉ trong lý thuyết.

Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND TP Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên, để thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tái khởi động dự án hồ chứa nước Nặm Cắt địa phương này đã tiếp tục đề nghị Bộ NN&PTNT điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 460 tỷ đồng thay vì con số gần 203 tỷ đồng đã được điều chỉnh năm 2015.

Phân tích về nội dung này, một cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã rất băn khoăn trao đổi với PV khi cho rằng số tiền TP Bắc Kạn “xin” điều chỉnh tổng mức đầu tư bằng tổng thu ngân sách của cả tỉnh này trong một năm 2016- năm thu cao nhất trong 20 năm tái lập tỉnh này?! Và liệu điều chỉnh đó có đảm bảo tính khả thi khi đề nghị mới chỉ là ở hợp phần hợp phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án hồ chứa nước Nặm Cắt?

Trên cơ sở đó, nhiều người mạnh dạn đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ NN&PTNT cần thận trọng trong việc xem xét đề xuất của TP Bắc Kạn, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”, trách nhiệm vẫn không thuộc về ai!