TS Nguyễn Văn Lạng: Hạn chế công nghệ lạc hậu từ việc minh bạch chọn nhà thầu

ThienNhien.Net – Trong thời gian gần đây, lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng đột biến, theo đó đã dấy lên nhiều lo ngại về việc công nghệ lạc hậu từ quốc gia này sẽ “té nước theo mưa”. Thậm chí nhiều người còn lo ngại rằng Việt Nam có thể trở thành “bãi rác công nghệ” của Trung Quốc khi quốc gia này thực hiện chiến lược “made in China 2025”.

Ảnh minh họa

Máy móc Trung Quốc chiếm ưu thế, rủi ro càng cao?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đã chi 8,07 tỉ USD để nhập khẩu nhóm hàng này, trong đó nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn đứng đầu với giá trị 2,53 tỉ USD, tăng 34%…

Trung Quốc hiện đang nhanh chóng thực hiện chiến lược “made in China 2025” bằng việc thúc đẩy dịch chuyển kinh tế Trung Quốc từ sản xuất cần nhiều nhân công và giá trị thấp sang sản xuất nhiều giá trị gia tăng hơn. Kế hoạch này được thực hiện bằng các đổi mới, áp dụng công nghệ vào sản xuất, tăng cường cơ sở công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển các thương hiệu Trung Quốc và thực hiện sản xuất công nghiệp xanh.

Mục tiêu của Trung Quốc trong chiến lược này là đến năm 2025, lượng công nghệ cao sẽ chiếm 70% GDP của Trung Quốc. Trong đó, trọng tâm là phát triển và chuyển giao công nghệ. Khi tập trung vào ngành công nghệ cao thì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chuyển các dây chuyền sản xuất cũ, lạc hậu ra các nước lân cận.

Trong khi đó, sắp tới thị trường ASEAN và Trung Quốc lại mở cửa. Việt Nam được xem là cửa ngõ của ASEAN, trình độ phát triển công nghệ thấp nên hoàn toàn có thể coi là thị trường lý tưởng cho các công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những con đường mà Trung Quốc có thể đưa công nghệ lạc hậu sang Việt Nam chính là việc Việt Nam mở rộng phát triển nhiệt điện than trong thời gian tới. Vì trên thực tế, Trung Quốc đã và đang đóng hàng loạt nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường.

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF), hiện nay, Việt Nam có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện, riêng đồng bằng sông Cửu Long có 14 nhà máy, trong đó có khoảng 10 nhà máy do Trung Quốc đầu tư. Dự kiến đến năm 2030 cả nước sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than.

Giới chuyên gia lo ngại

Chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo công bố kinh tế vĩ mô quý 1/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nói rằng một vấn đề lớn mà Việt Nam phải đối mặt từ nhiều năm nay là việc các nhà đầu tư Trung Quốc đưa các công nghệ cũ sang Việt Nam khi nền kinh tế Trung Quốc chuyển sang phát triển công nghệ cao.

Còn ông Võ Trí Thành – nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đặt câu hỏi: “Trong khi tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam không hề thấp nhưng tại sao công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm của Trung Quốc vẫn lọt vào được thì đó là câu chuyện của chính chúng ta, chúng ta phải tự trả lời”.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng vấn đề mấu chốt của việc Việt Nam liệu rằng có trở thành “bãi rác công nghệ” của Trung Quốc hay không chính là sự minh bạch trong quản lý, lựa chọn nhà thầu.

Theo TS Lạng, nếu vấn đề lựa chọn nhà thầu được công khai, minh bạch thì câu chuyện sẽ khác. Từ lâu, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bị mang tai tiếng, không những vậy, công nghệ của quốc gia này cũng không được đánh giá cao. Theo đó, mỗi một dự án nào đó khi lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu thì cần phải có những cuộc đấu thầu lành mạnh, rõ ràng… để lựa nhà thầu tốt nhất với khả năng và chất lượng công nghệ tốt nhất.

“Khi tôi làm dự án tại Láng Hòa Lạc, tôi cũng có lựa chọn các nhà thầu cho dự án này. Trong đó, có những nhà thầu đến từ các nước khác nhau, có cả nhà thầu Trung Quốc. Nhưng kết quả cuối cùng, nhà thầu đạt đủ tiêu chuẩn cho dự án của tôi là một nhà thầu Nhật Bản. Công nghệ của họ thực sự tốt”, TS Lạng nói.

ADB: Việt Nam cần nâng cao nhận thức

Dưới góc nhìn từ phía quốc tế về vấn đề trên, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành nền kinh tế tiên tiến, tận dụng tối đa công nghệ cao. Theo đó, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam là cần phải nâng cao nhận thức bởi công nghệ đang thay đổi liên tục, cái mới ngày hôm nay thì ngày mai đã không còn mới nữa nên cần có cơ chế để quản lý công nghệ, tiếp nhận với những công nghệ mới, với cả các bộ ngành và các cơ sở sản xuất.

Theo ông Eric, Việt Nam cần phải chú ý sát sao những diễn biến đang diễn ra tại Trung Quốc. Đặc biệt, phải chú ý đến công nghệ, nếu cho phép nhập khẩu công nghệ thì chỉ cho phép nhập khẩu công nghệ phù hợp, đúng với tiêu chuẩn của đất nước.

Hơn nữa, Việt Nam cũng nên đa dạng thị trường nhập khẩu công nghệ một cách sâu rộng chứ không chỉ nhập từ 1 quốc gia. Các doanh nghiệp cần nhìn vào chi phí công nghệ trong toàn vòng đời chứ không chỉ lợi ích về chi phí khi nhập vào. Nếu công nghệ nhập khẩu có giá cao với hiệu suất cao hơn, vòng đời dài hơn thì sẽ hợp lý hơn nếu nhập sản phẩm rẻ mà chưa hẳn đã tốt.

Bên cạnh đó, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam cần tham khảo những kinh nghiệm từ quốc tế, bởi khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ đặt ra những câu hỏi như: quốc gia này mang lại lợi ích gì cho việc đầu tư, có công nghệ đổi mới gì?

Chỉ ra những tồn tại tại Việt Nam hiện nay, ông Eric cho rằng doanh nghiệp Việt Nam vẫn có xu hướng nhập khẩu công nghệ chi phí thấp vì hạn chế về ngân sách và muốn cắt giảm chi phí.

“Việt Nam không thể sử dụng những công nghệ cũ, sáng kiến cũ. Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng… có thể cải thiện bằng áp dụng loại hình công nghệ phù hợp, có thể không quá cao nhưng không quá thấp. Cần sử dụng công nghệ đúng tầm, đúng mực để tăng hiệu quả, năng suất.

Đặc biệt, cần đảm bảo đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam phải mang đến những công nghệ phù hợp. Việt Nam đang phát triển các dự án nhà máy nhiệt điện than nên vấn đề lựa chọn công nghệ cần được triển khai đúng đắn. Các tiêu chuẩn cần được đảm bảo để tránh những rủi ro đáng tiếc về môi trường”, ông Eric cho hay.