Hà Nội bác đề xuất lấp hồ Thành Công để xây nhà

ThienNhien.Net – “Tuyệt đối không thể “xẻ thịt” hay “lấp” bất cứ sông hồ nào để tái định cư tại chỗ, mà cần tìm một địa điểm thích hợp hơn” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.

Tại sao các nước phương Tây người ta đào hồ, trồng cây để tăng mảng xanh cho đô thị, còn chúng ta lại cổ súy cho điều ngược lại? – nhiều người dân cũng như các chuyên gia đã phản ứng như vậy khi hay tin về đề xuất “Lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư tại chỗ khi cải tạo chung cư cũ” của ông Nguyễn Công Hồng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) tại Hội thảo “Về một số cơ chế khung cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội” được tổ chức mới đây.

Lấp chỗ này, trả chỗ kia

Đứng trên lập trường DN, ông Nguyễn Công Hồng cho biết: “Chúng tôi hướng đến một tiêu chí quy hoạch chấp nhận tái định cư dân cư hiện hữu 100%. Như vậy, việc tăng tỷ lệ dân cư theo quy hoạch phân khu phải mặc nhiên được chấp nhận. Không còn 15.000 dân mà phải hơn 20.000 dân. Thứ hai, diện tích căn hộ tối thiểu là 45m2. Thứ ba, quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chí hiện đại nhưng vẫn giữ được cấu trúc cũ của khu Thành Công…”.

Hồ Thành Công nhìn từ trên cao

Để đạt được những mục tiêu đó, Phó Tổng Giám đốc Vihajico nêu ra một số kiến nghị: Thứ nhất, diện tích để tái định cư hệ số là 1 để đảm bảo tính công bằng, phần diện tích tăng thêm để đạt mức 45m2 người dân phải đóng góp. Thứ hai, về các chỉ tiêu quy hoạch, đề nghị khối nhà ở tái định cư có chiều cao 24 tầng nhưng là 24 tầng bình quân để có những công trình điểm nhấn, mới đảm bảo mỹ quan đô thị. Đề nghị cho tăng tối đa đến 35 tầng với nhà thương mại, vì khối nhà này giúp tăng lợi ích tài chính cho nhà đầu tư mà vấn đề cũng không quá hữu cơ. Đồng thời, cấp thiết tạo ra quỹ đất sạch để giải quyết vấn đề tạm cư”.

Từ phân tích trên, ông Nguyễn Công Hồng đưa ra đề xuất táo bạo: “Ranh giới nghiên cứu quy hoạch không bao gồm hồ Thành Công, chúng tôi đã khảo sát và thấy mật độ xây dựng khu Thành Công dày đặc, có một số công trình tiện ích xã hội như trường học, nhà trẻ, chợ… không thể động tới vì sẽ làm xáo trộn cuộc sống người dân. Nhưng có một quỹ đất rất tốt là hồ Thành Công có diện tích 10ha. Tôi xin đề xuất điều chỉnh quy hoạch hồ Thành Công khoảng 1ha. Sau đó quy hoạch mới, diện tích mặt nước chúng tôi sẽ trả lại. Phần giao cho DN cải tạo 23ha vẫn là 23ha, nhưng hình dáng sẽ thay đổi. Điểm được là chúng tôi có ngay gần 1ha làm đất tái định cư cho người dân ở đó. Vấn đề này khi đem thảo luận với người dân đã nhận được sự đồng thuận”.

Trước đề xuất trên, ngay tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, cải tạo chung cư cũ là một việc làm vô cùng khó khăn. Dù chúng ta bàn nhiều, không ít ý kiến thuyết phục, các giải pháp tưởng có vẻ khả thi mà diễn biến để hiện thực hóa không dễ dàng. “Đề xuất của DN Việt Hưng khẳng định sẽ hoàn trả đủ diện tích 1ha mặt nước đã lấy đi của hồ Thành Công, nhưng tôi hỏi lấy gì đảm bảo? 1ha mặt hồ mới sẽ nằm ở đâu? Đất công hay đất tư? Việc xóa bỏ quy hoạch khu vực này càng không khả thi. Phải hướng cho Hà Nội phát triển ổn định lâu dài, tuân thủ theo đúng quy hoạch chung bằng những giải pháp nhân văn chứ không thể “xôi đỗ”. Vấn đề tạm cư hay vấn đề di chuyển có thể lựa chọn nhiều mô hình khác hài hòa hơn.

Cụ thể, tạm cư cho người dân bằng tiền để người dân tự đi thuê, hay một số DN có nhà ở thương mại có thể cho dân thuê hoặc di dời dân về ở tạm thời. TP hiện đang khuyến khích các DN lập quy hoạch xác định vị trí, xây dựng nhà cho người dân trước để “mắt thấy tai nghe”. Khi người dân chuyển vào nhà ở ổn định rồi mới làm tiếp các phần khác theo quy hoạch. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được mệnh danh là TP của sông, hồ. Cho nên, tuyệt đối không thể “xẻ thịt” hay “lấp” bất cứ sông hồ nào để tái định cư tại chỗ, mà cần tìm một địa điểm thích hợp hơn. Đó là bài toán chúng ta phải giải” – Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Ý kiến đơn phương của doanh nghiệp

Đứng ở góc độ chuyên gia, TS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cũng thể hiện quan điểm việc cải tạo các khu chung cư cũ là vấn đề mà Hà Nội đã triển khai rất lâu nhưng mắc ở việc tái định cư, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, tìm ra một giải pháp thích hợp là điều cần thiết. Khi Nhà nước, Quốc hội đã khẳng định cải tạo chung cư cũ phải tuân theo quy hoạch; yêu cầu của TP phải gia tăng thêm không gian công cộng, cây xanh, mặt nước thì đề xuất lấp hồ đi chỉ vì mục tiêu cải tạo chung cư là điều khó có thể chấp nhận được.

“Đừng lấp chỗ này, khoét chỗ kia, giải pháp ấy chưa tính tới tổng thể quy hoạch. Kể cả trong trường hợp DN bù lại 1ha mặt nước mới cho hồ Thành Công thì chắc chắn cũng chưa tính tới sự biến đổi về sinh thái, về mô hình sử dụng đất. Đền bù 1ha ở chỗ khác thì hình dáng hồ như thế nào, vì hồ nước còn liên quan tới vấn đề thoát nước mặt, liên quan tới địa chất, thủy văn. Đặc biệt, với những hồ ở nội đô đã ổn định thì luôn gắn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của cả khu vực. Những điều này DN đã tính hết chưa” – TS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công (Ba Đình) Ngô Ngọc Lâm cho biết, Vihajico đang tiến hành điều tra, thu thập ý kiến của người dân địa phương về vấn đề tái định cư. “Phường chỉ biết trong bảng hỏi đưa đến tay người dân có câu hỏi, liệu người dân có muốn được tái định cư tại chỗ hay không. Còn về đề xuất lấp hồ, DN chưa hề thông báo hay đưa ra để cùng bàn bạc với chính quyền hay Nhân dân địa phương” – ông Lâm khẳng định.

Với quan điểm cá nhân, ông Ngô Ngọc Lâm nhìn nhận: “Việc lấp hồ làm khu tái định cư là việc lớn, vượt quá thẩm quyền của phường, quận. Hơn nữa, tôi cũng rất ngỡ ngàng và không ủng hộ đề xuất của DN. Tôi khẳng định, đây chỉ là ý kiến đơn phương của DN và chưa hề có sự bàn bạc trước với địa phương”.

Hồ Thành Công nằm trong khuôn viên Công viên Indira Gandhi, thuộc phường Thành Công (Ba Đình). Tổng diện tích Công viên bao gồm hồ rộng hơn 8,6ha, trong đó có 5,9ha diện tích mặt nước hồ. Hồ Thành Công được cải tạo, kè bờ làm đường dạo từ năm 1997; năm 2013 được bàn giao lại cho UBND quận Ba Đình quản lý.