Vệ sinh an toàn thực phẩm: Tăng cường giám sát mọi “mặt trận” (Kỳ 2)

Có một thực tế tồn tại nhiều năm qua khi thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là số cơ sở tái phạm sau khi bị xử phạt… lên tới gần 100%. Điều đó đã minh chứng cho ý thức quá kém của người sản xuất, đẩy mọi nỗ lực của cộng đồng về con số không. Vấn đề đặt ra là muốn kiểm soát VSATTP, nhất thiết phải siết chặt quản lý trên mọi “mặt trận", đồng thời có sự liên kết, hỗ trợ giữa các “mặt trận", các lực lượng với nhau.

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Báo động đỏ (Kỳ 1)

Nộp phạt là xong!

Mặc dù dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm vẫn chưa thực sự chấm dứt và số cơ sở bị xử phạt vẫn tăng, nhưng dường như người sản xuất, kinh doanh không biết sợ, thậm chí không ít chủ cơ sở tặc lưỡi: “Nếu bị phát hiện thì nộp phạt là xong”. Có vẻ như “đòn kinh tế” quá nhẹ này không đủ sức răn đe.

Trở lại đường Lê Trọng Tấn, thành phố Hà Đông (Hà Tây), nơi cách đây chưa lâu đoàn kiểm tra liên ngành đã xử phạt rất nhiều cơ sở vi phạm. Khác với hình dung, thịt chó vẫn được bày bán ngang nhiên ngay ven đường. Không chỉ có những quầy bán thịt chó, các quầy bán thực phẩm chín như lòng lợn, dưa cà, vịt quay cũng nhếch nhác không kém.

Trước tình hình mất VSATTP nêu trên, đoàn thanh tra một lần nữa tiến hành kiểm tra lại các điểm kinh doanh thực phẩm ăn uống. Khi kiểm tra một loạt cửa hàng thịt chó đã từng bị đóng cửa, đoàn phát hiện thấy số chó nhốt trong chuồng tăng gấp 10 lần so với lần kiểm tra trước đó (?!).

Ông Đinh Thế Phôi, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tây cho biết: “Chúng tôi đã xuống khu vực này và chứng kiến người dân vẫn ngang nhiên bán thịt chó không kiểm dịch. Đoàn kiểm tra đã quyết định đóng cửa những cửa hàng trên, nhưng thực tế, khi chúng tôi về, người bán hàng lại tiếp tục công việc kinh doanh”.

Tương tự như ở Hà Tây, khi đoàn kiểm tra tới phường Nhật Tân, quận Tây Hồ – nơi tập trung nhiều quán thịt chó nhất của Hà Nội, rất nhiều nhà hàng thịt chó nổi tiếng đã bị đóng cửa vì vi phạm VSATTP nhưng vẫn ngang nhiên mở cửa đón khách. Trước đó, đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều sai phạm tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại phố Núi Trúc. Thịt chó, thịt ngan, vịt của các cửa hàng được kiểm tra đều không có nguồn gốc nhưng vẫn bày bán công khai. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng phát hiện các vi khuẩn gây bệnh đường ruột trong nhiều mẫu thực phẩm, thớt và tay nhân viên của một số quán ăn.

Qua các lần kiểm tra thấy việc kiểm tra và xử lý VSATTP thời gian qua chưa hạn chế được tình trạng vi phạm và nhiều vấn đề bất cập trong quản lý VSATTP lộ diện, đó là: người kinh doanh vẫn kinh doanh mà không chịu sự giám sát của bất cứ cơ quan nào sau khi bị kiểm tra; chưa bao giờ được kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài chưa đủ mạnh; chính quyền cơ sở buông lỏng việc giám sát các cơ sở vi phạm đã khiến cho việc kiểm tra, đình chỉ kinh doanh thời gian qua chẳng khác gì “ném đá ao bèo”…

Mỗi giải pháp – một mặt trận

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã từng nhấn mạnh phải tập trung vào một số giải pháp quyết liệt. Đó là, tuyên truyền, vận động giáo dục để hệ thống chính trị nhận thấy tính nghiêm trọng của vấn đề; hệ thống quản lý nhà nước hành động quyết liệt hơn. Các nhà sản xuất và quản lý thị trường phải làm tốt hơn. Người tiêu dùng thực phẩm nâng cao cảnh giác, ý thức được mối nguy hiểm với sức khoẻ và sinh mạng, thay đổi thói quen, giữ vệ sinh, đảm bảo an toàn và sử dụng thực phẩm tốt hơn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có 45/64 tỉnh, thành có kế hoạch hành động bảo đảm VSATTP đến năm 2010 do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố ký. Chính vì vậy, Phó thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước. Công tác này cần được tăng cường về lực lượng (thanh, kiểm tra) và đầu tư nguồn tài chính. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần khẩn trương kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước, thanh tra chuyên ngành và hệ thống kiểm nghiệm VSATTP từ trung ương đến địa phương.

Riêng đối với thanh tra chuyên ngành ATTP, cần có quy chế hoạt động và đủ quyền hạn, cần bổ nhiệm thêm một số thanh tra kiêm nhiệm thuộc các trung tâm y tế dự phòng để tăng cường nhân lực cho công tác thanh tra. Cần nhanh chóng thành lập Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và các trung tâm kiểm nghiệm ATTP khu vực.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, để công tác VSATTP hiệu quả và bền vững, chúng ta cần ưu tiên 3 nhóm giải pháp, đặc biệt là tăng cường các biện pháp giáo dục truyền thông về VSATTP, nâng cao nhận thức và thực hành của người quản lý, lãnh đạo, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Chú ý giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu, phổ biến kiến thức khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thực phẩm an toàn.

Chúng ta cũng không thể bỏ qua năng lực quản lý điều hành các hoạt động đảm bảo VSATTP của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, cơ quan quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Triển khai thực hiện các quy định VSATTP tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, chợ, siêu thị, bếp ăn tập thể và dịch vụ thức ăn đường phố. Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn về ATTP phù hợp với quốc tế và khu vực; Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về ATTP.

Đồng thời nhanh chóng quy hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm VSATTP trong trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt trong sản xuất rau, quả, giết mổ gia súc, gia cầm, thủy sản, kiểm soát chặt chẽ rau, quả, thịt, thuỷ sản nhập khẩu. Xây dựng chính sách khuyến khích nuôi trồng, lưu thông và tiêu thụ nông sản thực phẩm sạch. Các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát lưu thông thực phẩm, hoá chất trên thị trường.

Mặc dù những năm qua, công tác kiểm tra, xử phạt được tiến hành khá rầm rộ nhưng không đủ mạnh nên cục diện về VSATTP dường như không có thay đổi lớn. Chính vì vậy, tăng cường kiểm tra là biện pháp cần làm thường xuyên, liên tục. Thiết nghĩ, việc xử lý vi phạm không chỉ dừng lại ở người sản xuất, kinh doanh mà người quản lý, lãnh đạo các địa phương, đơn vị… cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm. Có như thế mới tạo được sức mạnh tổng thể, đồng thời đưa hoạt động kiểm soát VSATTP dần đi vào hệ thống. Phấn đấu đến năm 2010 có 1 thanh tra chuyên ngành ATTP /10.000 dân.

Điều quan trọng không kém là đầu tư về nguồn lực, đặc biệt là tài chính, nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu cơ bản của công tác kiểm soát VSATTP từ trung ương đến địa phương. Chúng ta đang cố gắng đến năm 2010, 100% số phòng thí nghiệm tuyến tỉnh có tối thiểu 2 thiết bị sắc ký lỏng và sắc ký khí, trong đó 35% số phòng thí nghiệm tuyến tỉnh đạt tiêu chuẩn ISO -17025. Đảm bảo đến năm 2010, đầu tư cho công tác đảm bảo VSATTP đạt trung bình 10.000 đồng /người /năm, đến 2015 đạt 1 USD /người /năm (hiện nay, mức đầu tư của Thái Lan trong lĩnh vực này là 1 USD /người /năm).

Thiết nghĩ, việc đảm bảo VSATTP không phải là việc riêng của ngành y tế mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp của các cơ quan chức năng như chính quyền cơ sở, công an, quản lý thị trường…

Không đảm bảo VSATTP đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư, đến an sinh xã hội và trở thành trách nhiệm của mỗi người dân. Đã đến lúc không chỉ tuyên truyền, hướng dẫn, mà cần có chế tài mạnh đối với những hành vi cố tình đi ngược lại quy định chung của Nhà nước và sức khỏe của nhân dân.