Tiêu điều vì… điều!

ThienNhien.Net – Thay vì già trẻ kéo nhau ra vườn thu hoạch điều, thu về hàng trăm triệu đồng như mọi năm, người trồng điều ở 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Terh và Cát Tiên… chỉ biết ở nhà đi vào đi ra, hoặc vào rừng bứt mây… kiếm sống. Chưa bao giờ, làng trên xóm dưới đều cùng chung nỗi buồn điều không kết trái, cháy lá hàng loạt như vậy.

Ông K’Nhũng (xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) bên vườn điều bị cháy lá toàn bộ.

Không mót được hạt nào

Dẫn chúng tôi lên thăm vườn điều, bàn tay chai sần chỉ vào những cây điều đứng xác xơ, lá héo cháy, ông Nguyễn Danh Mạnh (xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai) nói: “Lần đầu tiên trong mấy chục năm qua, tôi thấy điều thiệt hại dữ dằn đến thế. Hết rồi, không còn hi vọng gì nữa…”. Ông Mạnh quê Bắc Giang, lên đây làm kinh tế mới đã 40 năm, trồng điều, sống nhờ cây điều. Các kiến thức trồng, chăm sóc, phòng bệnh cho điều, ông đã thuộc nằm lòng. Vậy mà năm nay, lão nông này phải rơi nước mắt, bất lực vì điều bệnh, chết, không có hạt.

Mới hôm qua đây, ông Mạnh chứng kiến người dân đi mót điều. Lá điều rơi xuống vườn được thu gom sạch bóng. Đó là hình ảnh quen thuộc mỗi mùa điều về. Thế nhưng, mùa này, đi cả vườn điều rộng cả hecta, họ chỉ mót vỏn vẹn được 2 kg điều, mà chủ yếu là hạt lép. Ông Mạnh nói năm nay kỳ quá, người dân càng xịt thuốc cứu điều thì điều càng chết.

Dẫn chúng tôi lên vườn điều khoảng 5 sào mà ông K’Sáu (xã Phước Lộc) chặt bỏ làm củi, ông Mạnh thở dài thườn thượt: “Khu này điều bị táp hết lá, cháy hoa, còn cách nào nữa, để nó đứng choán đất đó chi, chặt trồng lại giống điều mới hoặc trồng cây ăn quả còn hơn”. Theo phán đoán của ông Mạnh thì có thể điều bị ảnh hưởng của mưa muối vào trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. “Lúc trời mưa, tôi sờ mặt lá điều rất nhớt. 3 ngày sau, lá khô hàng loạt không cách gì cứu chữa được” – ông Mạnh cho hay. May hơn các hộ dân khác, vài năm gần đây, ông Mạnh linh động trồng nhiều loại cây ăn quả khác như cà phê, sầu riêng, bơ… nên còn vớt vác được chút đỉnh. “Nhà cả 5 miệng ăn mà trồng mỗi điều thì không được” – ông Mạnh chia sẻ.

Cả vườn điều mênh mông, vắng lặng đến não nề. Chưa bao giờ tìm người dân ở vườn điều của mình khó như lúc này. May mắn lắm chúng tôi gặp được ông K’Nhũng (46 tuổi, thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc) đang loay hoay tưới mấy cây sầu riêng đang lớn bên vườn điều 600 cây. Số điều này ông K’Nhũng trồng được 5 năm. Mọi năm, ai đặt chân đến vườn điều của ông đều khen nức nở: “Trái đẹp và đều quá”. Hơn 50 triệu đồng là số tiền ông kiếm được mỗi mùa thu hoạch. Ông bảo chỉ cần một cuộc điện thoại, thương lái đã đến tận vườn điều của ông thu hạt và mua với giá 35 – 40 nghìn đồng/kg.

Còn giờ, cả 1 ha bên đường điều lá cháy trắng phết, không mót được hạt nào. Ông K’Nhũng thều thào: “Nhìn vườn điều mà đứt ruột chú ơi! Cả nguồn sống của gia đình đều dựa cả vào điều. Giờ không biết lấy gì ăn, trong khi điều đang tăng giá so với mọi năm”. Ông K’Nhũng cũng không biết khi nào điều phục hồi lại. Làm thuê thì biết làm ở đâu, việc gì, ông đành phải vào rừng bứt mây duy trì cuộc sống. Bà K’ Hiềm (ngụ thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc) cho biết: “Gia đình tôi trồng khoảng 3 hécta cây điều đã cho thu hoạch và là cây trồng chủ lực của gia đình. Hàng năm, vào thời điểm nay, gia đình tôi đã thu hoạch được gần cả tấn trái điều, với giá đầu mùa từ 30 – 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên hiện tại, do thời tiết thất thường, sâu bệnh và xuất hiện những trận mưa trái mùa khiến toàn bộ cây điều đang ra hoa, kết trái chết khô. Mùa điều năm nay coi như mất trắng”.

Theo thống kê của địa phương, năm nay, riêng xã Phước Lộc năng suất điều giảm tới trên 90%. Hầu hết các hộ dân trồng điều đều bị thiệt hại nặng. Cùng tình cảnh trên, nhiều hộ dân trồng điều trên địa bàn 3 huyện phía Nam Lâm Đồng và tỉnh Bình Phước đối diện với một mùa điều trắng tay. “Điều năm nay coi như chẳng thu được gì. Hiện, hoa trên cành đã khô và cháy đen hết, chúng tôi tập trung phun thuốc bảo vệ thực vật để diệt bọ-xít, muỗi và trị bệnh thán thư cho cây điều để chờ vụ mùa sau nhưng không biết khi nào điều mới phục hồi sức sống” – một hộ dân trồng điều cho biết.

Toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 20.000 ha điều, chủ yếu tập trung ở 3 huyện phía Nam là Đạ Huoai với hơn 9.000 ha, Đạ Tẻh khoảng 8.114 ha và Cát Tiên là 5.550 ha. Nhiều năm qua, cây điều trở thành cây chủ lực, giúp đồng bào dân tộc Mạ và người dân các tỉnh, thành đi kinh tế mới ổn định sinh kế. Tháng 3 là thời điểm người dân thu hoạch điều, nhưng khắp các vườn điều ở Lâm Đồng đều vắng như chùa Bà Đanh. Không ai “đủ tỉnh táo” ra thăm vườn điều của mình xem thế nào. Xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai) hiện có gần 800 ha điều, nhưng đâu đâu cũng thấy điều đứng xác xơ, lá cháy trắng, nụ chết queo. Hiếm hoi lắm mới bắt gặp một cây điều “chịu” đơm trái, nhưng chất lượng hạt cũng rất kém. Không khí rộn ràng bán mua điều cũng không hiện diện nơi này. Cảnh tượng này, theo người dân, chưa từng có trong hàng chục năm qua.

Người dân chặt bỏ một số diện tích điều, chuyển sang trồng cây trồng mới.

Nỗ lực cứu điều

Thực trạng người dân chặt bỏ điều để trồng lại giống điều mới hoặc các loại cây ăn quả khác cũng diễn ra khá phổ biến tại thị trấn Mađagui (huyện Đạ Huoai) và huyện Đạ Tẻh. Theo người dân tại các địa phương, cây điều không cần bỏ nhiều thời gian chăm sóc, giá cả được cải thiện theo từng năm nhưng niềm tin cây điều ổn định không còn vững chắc trong tâm trí nhiều người dân. Lý do họ chặt bỏ điều của họ cũng rất đơn giản: không để đất không một cách vô lý. Anh Trịnh Xuân Du (trú xã Hương Lâm, Đạ Tẻh) cho biết, trên địa bàn xã, nhiều gia đình dựa vào cây điều làm nguồn kinh tế chính. Tình trạng cây điều chết lá hàng loạt, nhiều gia đình đang đối mặt với nhiều khó khăn về cơm áo, gạo tiền. “Tôi mong muốn cơ quan chức năng cần thống kê, đánh giá thiệt hại và có chính sách hỗ trợ người trồng điều có điệu kiện phục hồi sản xuất” – anh Du chia sẻ.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), đến thời điểm này, toàn huyện đang có 7.104 ha/8.114 ha điều bị bọ xít muỗi và bệnh thán thư gây hại; trong đó, có 3.090 ha bị nhiễm bệnh trung bình từ 50 – 70%, 4.790 ha bị gây hại nặng trên 70% và 234 ha bị cháy khô không có khả năng hồi phục và trải đều ở 11/11 xã, thị trấn có cây điều bị sâu bệnh tấn công. Để giảm thiểu thiệt hại, UBND huyện Đạ Tẻh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh, đồng thời đề nghị Sở NNPTNT và Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật để diệt sâu bệnh.

Một cán bộ nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cho biết, nguyên nhân gây ảnh hưởng năng suất điều năm nay là do những đợt mưa trái mùa kèm theo sương muối xuất hiện tại nhiều địa phương đã làm hoa điều bị hư hại cháy khô không thể đậu trái. Đây là điều kiện để bọ xít muỗi và bệnh thán thư bùng phát gây hại trên cây điều. Ông Phạm Xuân Tiện – Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đạ Tẻh khẳng định mùa vụ năm nay, hàng ngàn người dân trồng điều trên địa bàn rất lo lắng trước một mùa vụ thất bát, người dân tích cực triển khai mọi biện pháp phòng trừ sâu bệnh để cứu cây điều khỏi chết, còn năng suất cây điều vụ năm nay coi như mất trắng. Huyện Đạ Tẻh bị thiệt hại ước tính khoảng 4.162 tấn, thiệt hại ước tính vào khoảng 166 tỷ đồng. Ông Trần Quang Trừng – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cát Tiên cho biết, toàn huyện đã có trên 80% diện tích điều bị bọ xít muỗi và bệnh thán thư gây hại.

GĐ Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn – cho biết đã nắm được thực trạng điều chết lá trên diện rộng xảy ra ở huyện. “Tình trạng này không riêng gì Lâm Đồng mà trên toàn quốc. Trước hết, chúng tôi đang triển khai các biện pháp ngăn chặn thiệt hại, bảo vệ cây cho sang năm ra quả. Tinh thần là cứu được cây nào hay cây đấy. Chúng tôi đang chỉ đạo các xã tiến hành thống kê thiệt hại và báo cáo lên sở. Sau đó sở sẽ đề xuất tỉnh mức hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh” – ông Sơn nói.

Thực trạng dịch bệnh của cây điều năm nay tại Lâm Đồng cho thấy, chưa bao giờ người nông dân được an tâm “sống khoẻ” trên mảnh đất, với những cây con quen thuộc. Nước mắt, mồ hôi người nông dân vẫn đẫm trên những luống cày.