Bão lũ “chặt đứt” con đường nông thôn mới

ThienNhien.Net – Chưa thoát khỏi ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, những trận “lũ chồng lũ” hồi tháng 10.2016 lại cuốn trôi không ít thành quả của Chương trình nông thôn mới (NTM) ở Quảng Bình. Lộ trình xây dựng NTM ở đây vốn đã khó khăn, giờ chặng đường đến đích lại càng xa vời…

Còn nhớ, năm 2013, khi siêu bão số 10 quét qua Quảng Bình gây ra hậu quả nặng nề, Chương trình xây dựng NTM của nhiều địa phương ở tỉnh này đã bị gián đoạn. Sau 3 năm, Đảng bộ, chính quyền và người dân nhiều địa phương ở Quảng Bình đang dốc toàn lực khắc phục hậu quả, đưa phong trào xây dựng NTM vượt qua khó khăn để rút ngắn khoảng cách về đích, thì 2 trận lũ lịch sử trung tuần tháng 10 và đầu tháng 11.2016 một lần nữa lại cuốn trôi đi không ít thành quả của chính quyền và người dân Quảng Bình.

Sau lũ, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ở Quảng Bình bị hư hỏng nặng.  Ảnh: P.P

Vừa thoát nghèo lại thành “tay trắng”

Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Bình, một trong những tiêu chí cam go nhất trong xây dựng NTM là thu nhập và xóa đói giảm nghèo. Sau những trận bão lũ, tiêu chí này càng trở nên khó khăn, con đường thoát nghèo của nhiều hộ dân vốn đã lắm trắc trở nay càng xa vời. Nhiều hộ nông dân đang làm ăn khá giả, chỉ sau một đêm bão lũ đã mất trắng toàn bộ nhà cửa, tài sản sau nhiều năm gây dựng. Từ những gia đình có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, họ bỗng chốc bị phá sản. Nhiều hộ khác sau nhiều năm phấn đấu, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội vừa thoát được cảnh nghèo thì nay lũ dữ lại làm cho họ tái nghèo…

Gia đình chị Nguyễn Thị Thành (thôn Xuân Canh) là một trong những hộ nghèo của xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa. Chồng mất sớm, một mình chị nuôi hai đứa con nhỏ. Không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống của mấy mẹ con chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Qua nhiều mùa mưa lũ, ngôi nhà của chị Thành đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Thấu hiểu hoàn cảnh chị Thành, Ủy ban MTTQ tỉnh đã quyết định hỗ trợ 30 triệu đồng để xây nhà tránh lũ cho gia đình chị. Ngôi nhà mới được đưa vào sử dụng tháng 6.2016. Niềm vui có nơi an cư chưa đầy 4 tháng thì cơn lũ dữ ập về đã cuốn trôi toàn bộ căn nhà của mẹ con chị Thành. “Có được ngôi nhà, lại được hỗ trợ thêm con bò giống để làm vốn, mẹ con tui đang phấn đấu năm nay xin xã cho ra khỏi hộ nghèo thế mà lũ ập về nhanh quá, mẹ con tui chỉ kịp chạy lấy người, còn nhà cửa, tài sản đã bị lũ cuốn trôi sạch. Chừ thì gia đình tui lại lâm phải cảnh nghèo” – chị Thành thở dài.

Không bị lũ cuốn trôi nhà như chị Thành, nhưng tổn thất mà gia đình anh Trần Quý Dương ở làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch) cũng nặng nề không kém. Cơn lũ dữ đêm 14.10 tràn về đã cuốn trôi, nhấn chìm chiếc tàu cá công suất 400CV là toàn bộ tài sản của gia đình anh Dương, đẩy gia đình anh vào cảnh trắng tay. “Gia đình tui mới mua lại chiếc tàu chỉ khoảng 1 tuần với giá gần 800 triệu đồng, chưa kịp đi chuyến biển nào kiếm tiền trả nợ ngân hàng thì tàu đã bị đánh chìm. Rồi đây không biết lấy gì mà trả nợ đây…” – ngư dân Trần Quý Dương nghẹn giọng.

Thiên tai chặn đường nông thôn mới

Thiên tai liên miên, người dân thiếu việc làm… khiến tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều xã của Quảng Bình hiện vẫn chiếm tới trên 50%, trong khi lộ trình để các xã này cán đích NTM là năm 2020. Ở những xã này, việc làm thế nào để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo thực sự là một bài toán nan giải khi điều kiện tự nhiên, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, hầu như năm nào cũng xảy ra bão lũ…

Đơn cử như xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch) – xã miền núi nằm cạnh di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng nhưng đây vẫn đang là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì huyện (47,9%). Ông Cao Thế Vĩnh – Chủ tịch UBND xã cho biết, đến thời điểm này, Xuân Trạch mới đạt 6/19 tiêu chí và trong 2 năm qua, xã không đạt thêm được tiêu chí nào.

Theo ông Vĩnh, một trong những tiêu chí khó khăn nhất, có quan hệ mật thiết nhất đến các tiêu chí khác chính là thu nhập. Những năm gần đây, vấn đề trồng cây gì, nuôi con gì đang là nỗi băn khoăn lớn của Xuân Trạch. Vụ đông xuân 2016, toàn xã gieo trồng được 23ha lúa, 210ha lạc và 170ha ngô; vụ hè thu, các cây trồng này lần lượt là 15ha, 160ha và 110ha. Với chừng ấy diện tích canh tác và với những loại cây nông nghiệp thuần túy, ngay cả những năm “mưa thuận gió hòa” cũng chưa thể nuôi sống gần 1.500 hộ với gần 6.000 khẩu của xã.

Những năm qua, Xuân Trạch đã xác định tiêu là cây chủ lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhưng 2 năm gần đây, đặc biệt là trận mưa lũ vừa qua đã làm cho nhiều diện tích tiêu của các hộ dân ngập úng, chết hàng loạt, dập tắt niềm hy vọng thoát nghèo của bà con.

Tại vườn nhà ông Nguyễn Đức Hòa (thôn 5 Khe Gát),  những cây tiêu hàng chục năm tuổi đang bị vàng úa và rụng lá. Ông Hòa cho biết, gia đình ông có trên 100 gốc tiêu. Những năm trước, cây tiêu cho thu nhập khá nên kinh tế gia đình ông khá ổn định. Hai năm gần đây, hạn hán, lũ lụt xảy ra liên miên đã làm cây tiêu không phát triển được, chết dần chết mòn, không có thu nhập, gia đình ông lại rơi vào ngưỡng nghèo…

Tương tự, Tân Hóa là xã miền núi của huyện Minh Hóa nhưng đây lại là vùng rốn lũ ngập sâu nhất của tỉnh Quảng Bình. Trận lũ dữ vừa qua, Tân Hóa là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.

Thiên tai liên miên, người dân thiếu việc làm… khiến tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều xã của Quảng Bình hiện vẫn chiếm tới trên 50%, trong khi lộ trình để các xã này cán đích NTM là năm 2020.

Theo chính quyền địa phương, sau lũ, có ít nhất 7% hộ cận nghèo của Tân Hóa bị tái nghèo và nhiều hộ khác đang đối mặt với nguy cơ tụt xuống hộ cận nghèo. Đa số các hộ này đều bị thiệt hại chuồng trại, hoa màu, gia súc, gia cầm. Nhiều hộ vừa thoát nghèo chưa được bao lâu thì sau thiên tai lại đứng vào đội ngũ hộ nghèo, trong đó hộ anh Trương Xuân Trổi ở thôn 1 là một trường hợp điển hình. Những năm trước, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, không có nghề phụ gì ngoài làm ruộng, lại phải nuôi 9 miệng ăn nên phải rất chật vật vợ chồng anh mới thoát nghèo. Thế nhưng chỉ vì thiên tai, nguy cơ tái nghèo lại đang hiện hữu với gia đình anh.

“Khi lũ đến, chúng tôi chỉ kịp bỏ của chạy lấy người, trong nhà có thứ gì nếu không bị lũ cuốn trôi thì cũng bị hư hỏng. Tiếc nhất là con trâu. Tích cóp mãi chúng tôi mới mua được nó, rứa mà lũ lụt cũng không tha. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng vất vả, thiếu thốn hơn” – anh Trỗi than thở.

Sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, Quảng Bình đã có 30 xã được công nhận đạt chuẩn. Theo dự kiến, đến cuối năm 2016 tỉnh sẽ có thêm 12 xã cán đích NTM. Tuy nhiên, sau mưa lũ, nhiều xã đã sắp sửa cán đích đều bị thiên tai tàn phá nặng nề, các công trình dân sinh, nhà cửa, đường sá, kênh mương thủy lợi… bị hư hỏng, khiến mục tiêu cán đích NTM bị “phá sản”.