Gieo nỗ lực nhỏ, gặt thành quả lớn

ThienNhien.Net – Bằng niềm đam mê và nhiệt huyết cháy bỏng đối với lĩnh vực bảo tồn, Margaret Southern đã có nhiều bài viết bàn về các chiến lược và dự án bảo tồn quốc tế dành cho Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (The Nature Conservancy – TNC). Cô cũng là tác giả có nhiều chia sẻ về lối sống xanh trên trang Blog của TNC, là thành viên của nhóm phát động chiến dịch All Hands on Earth với thông điệp: chỉ bằng những việc làm nhỏ bé, con người vẫn có thể làm thay đổi thế giới theo chiều hướng tích cực hơn.

– Xin chào Margaret, cô đã đến với công việc hiện nay như thế nào?

Margaret Southern: Hồi còn nhỏ, tôi rất thích đọc sách và chuyện viết lách đến với tôi như một điều hết sức tự nhiên. Tôi có thể làm thơ, viết truyện ngắn và viết bất cứ thứ gì nảy ra trong đầu mình. Khi lớn lên, tôi bắt đầu hứng thú với những chủ đề hiện thực. Tôi đã theo học báo chí ở trường Đại học Bắc Carolina và sớm nhận ra rằng để có thể trở thành phóng viên cần phải bỏ nhiều tâm sức và học rất nhiều thứ. Sau đó, tôi dành thời gian học cả biên tập, chỉnh sửa văn bản, việc mà tôi tin là nhà văn nào cũng sẽ cần.

– Cô hứng thú viết về vấn đề nào nhất trong lĩnh vực bảo tồn?

Margaret Southern: Quả thực rất khó để lựa chọn. Trên blog Cool Green Science của TNC, tôi thường viết xoay quanh chủ đề lối sống xanh. Có lẽ, điều khiến tôi thấy thú vị chính là hiểu được con người cảm nhận thế nào khi họ thay đổi lối sống của bản thân nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Đó có thể chỉ là việc thay đổi thói quen hàng ngày như thói quen ăn uống chẳng hạn. Có nhiều người gặp phải trở ngại tâm lý vì cho rằng thách thức môi trường rất to lớn và một chút cố gắng của mình sẽ chẳng ăn nhập vào đâu. Nắm bắt được điều này, chúng tôi đã khởi xướng một chiến dịch mới có tên gọi All Hands on Earth với mong muốn thay đổi cách nghĩ ấy.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất coi trọng vấn đề bảo tồn động vật hoang dã. Tôi trưởng thành trong một gia đình yêu chim chóc và việc dậy từ 5 giờ sáng để xem chim trong các kỳ nghỉ của gia đình dường như đã trở thành thông lệ.

– Cô có thể giải thích thêm về ý nghĩa chiến dịch All Hands of Earth?

Margaret Southern: Chiến dịch All hands on Earth là một cách để nối lại mối dây liên hệ giữa con người với thiên nhiên, đồng thời tạo cơ hội cho chúng ta tiếp tục bảo vệ cũng như khai thác nó một cách bền vững. Mục tiêu của chiến dịch không gì khác chính là biến những hành động bảo vệ môi trường trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.

Margaret Southern trong một chuyến thực địa tại Papua New Guinea (Ảnh: Mongabay.com)

– Với nhiều kinh nghiệm viết về môi trường, có bài học nào khiến cô thực sự thấy đáng suy nghĩ?

Margaret Southern: Nhìn lại khoảng thời gian qua, bất giác tôi đã hiểu ra rằng tất cả mọi việc đều xuất phát từ con người, chỉ bản thân con người mới có thể tự mình kết nối hay cảm thông với người khác. Thực tế đã chứng minh, người ta có thể bàn rất nhiều về việc phá hủy một dòng chảy nhưng rốt cục tất cả điều đó sẽ chẳng bao giờ có đủ sức lay động bằng một câu chuyện đời thực về một người phụ nữ ở vùng hạ lưu ngày ngày chật vật tìm kiếm nước sạch cho gia đình.

– Vậy còn những trải nghiệm thực tế của chính bản thân cô thì sao?

Margaret Southern: Vâng, tôi đã có cơ hội thăm một số cộng đồng ở Papua New Guinea mà Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên trực tiếp hỗ trợ. Tại vùng núi Adelbert, TNC tiến hành làm việc với một cộng đồng mong muốn bảo tồn lâu dài nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cùng với dân làng, chúng tôi đã đề ra và phát triển những kế hoạch quản lý việc sử dụng đất để vừa dành được quỹ đất cho bảo tồn, vừa tận dụng được đất trồng trọt, khu vực có thể săn bắn và xây dựng cơ sở hạ tầng. Người dân cũng được hỗ trợ để tiếp cận y tế, giáo dục và một số dịch vụ thiết yếu khác.

Năm 2008, khi tôi đến thăm Adelbert, bốn ngôi làng ở đó đã được cung cấp những bể tích nước mưa lớn từ tổ chức của chúng tôi. Những bể tích này sẽ đảm bảo đủ nước sạch cho người dân sử dụng trong mùa khô, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ khi họ phải đi bộ một quãng đường dài để mang nước sạch về.

Đây chính là ví dụ điển hình chứng tỏ nỗ lực bảo tồn sẽ đem lại lợi ích cho cả con người và tự nhiên mà bản thân tôi được chứng kiến. Nó còn chứng tỏ rằng trong khi bảo tồn nguyên vẹn rừng và các tài nguyên khác cho những thế hệ tiếp theo, các cộng đồng địa phương vẫn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

– Cô có lời khuyên gì dành cho những người có thiên hướng viết về môi trường không?

Margaret Southern: Tôi nghĩ kiến thức nền về khoa học rõ ràng sẽ là một lợi thế cho bất cứ ai muốn viết về chủ đề môi trường trên thế giới. Tuy nhiên, để có thể giải thích những vấn đề thuộc về khoa học có liên quan cho những người không am hiểu về nó chỉ bằng một vài câu thì không hề đơn giản chút nào.