Ô nhiễm nhựa biển gây thiệt hại 2,5 tỷ USD mỗi năm

Ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các hoạt động giải trí và phúc lợi toàn cầu đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi ô nhiễm nhựa, ước tính giảm 1-5% lợi ích con người nhận được từ đại dương. Chi phí tính theo những lợi ích như vậy, được gọi là giá trị hệ sinh thái biển, lên tới 2,5 tỷ USD mỗi năm.

Mỗi tấn chất thải nhựa cũng được cho là làm giảm giá trị môi trường tới 33.000 USD và ước tính có khoảng 8 triệu tấn ô nhiễm nhựa đổ vào các đại dương thế giới hàng năm.

Trên đây là các con số đáng lo ngại trong một nghiên cứu vừa được các nhà khoa học công bố trên Tạp chí Marine Pollution Bulletin.

Cua bị mắc kẹt trong túi nilon ở đảo Verde, thành phố Batangas, Philippines (Ảnh: Noel Guevara/Greenpeace/EPA)

Tiến sĩ Nicola Beaumont, nhà kinh tế môi trường thuộc Phòng thí nghiệm biển Plymouth, người đứng đầu nghiên cứu cho hay đây là cuộc điều tra đầu tiên tìm hiểu tác động kinh tế – xã hội của rác thải nhựa trên biển.

“Tính toán của chúng tôi là cố gắng đầu tiên để “áp giá cho nhựa”. Chúng tôi biết rằng phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để tinh chỉnh nhưng chúng tôi tin rằng người ta đã đánh giá thấp chi phí thực sự mà rác thải nhựa đã tác động tới toàn xã hội loài người”.

Các ước tính đã không tính đến tác động trực tiếp và gián tiếp của rác thải nhựa lên các ngành công nghiệp du lịch, vận tải và thủy sản, hoặc đối với sức khỏe con người.

Nghiên cứu cho thấy chất thải nhựa hiện diện khắp thế giới – từ vùng duyên hải đông dân nhất đến vùng hẻo lánh nhất – và đều tác động tiêu cực tới động vật phù du, động vật không xương sống, cá, rùa, chim và động vật có vú. Tuy nhiên, điều đáng ngại hơn là nhựa có thể vẫn nổi trong nhiều thập kỷ hoặc lâu hơn, vượt được quãng đường hơn 3.000 km từ nơi xuất phát, tạo môi trường sống mới cho vi khuẩn và tảo. Các “thuộc địa” này làm tăng phạm vi địa lý của vi khuẩn và tảo, do đó có nguy cơ lây lan các loài xâm lấn và bệnh tật.

Tiến sĩ Kayleigh Wyles, giảng viên tâm lý học môi trường thuộc Đại học Surrey cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy tác động “tổng thể của ô nhiễm nhựa.

“Ngoài tác dụng tàn phá đối với hệ thống sinh thái và biển của chúng ta, các loại nhựa cũng tác động trực tiếp và gián tiếp đến xã hội. Tuy nhiên, định lượng các chi phí hữu hình và vô hình khổng lồ liên quan đến chất thải nhựa ở biển chỉ có thể thu hút chú ý và nguồn lực của chúng ta để bảo vệ biển cho các thế hệ tương lai”. Do đó, Tiến sĩ Beaumont hy vọng nghiên cứu này sẽ tinh giản các dịch vụ để giải quyết ô nhiễm nhựa và “giúp chúng ta đưa ra quyết định sáng suốt.

“Tái chế một tấn nhựa tiêu tốn hàng trăm USD nhưng nếu chúng ta trút xuống biển thì chi phí sẽ lên đến hàng ngàn. Hiện tại, chúng ta kinh doanh carbon để giảm phát thải vào khí quyển, vì vậy chúng ta có thể làm điều tương tự với nhựa. Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ nêu bật thực tế của vấn đề nhựa theo khía cạnh con người”, Tiến sĩ Beaumont nhấn mạnh.

Nhật Anh (Theo theguardian.com)

Nguồn: