Cao Bằng quyết giữ mỏ sắt Ngườm Cháng

ThienNhien.Net – UBND tỉnh Cao Bằng chính thức đề nghị Chính phủ bỏ quy định khai thác quặng sắt ở Cao Bằng để cung cấp cho Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco), thay vào đó là dành cho các nhà máy chế biến quặng sắt hiện có tại địa phương.

Ngườm Cháng quá nhỏ so với Tisco

Trong tờ trình Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Hoàng Anh nhận xét, tới nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 32 mỏ, điểm mỏ và biểu hiện khoáng sản tập trung. Trữ lượng và tài nguyên được công nhận qua công tác thăm dò khoảng 20 triệu tấn, tập trung tại các mỏ Nà Rụa, Nà Lủng và Ngườm Cháng. Ngoài ra, lượng dự trữ tài nguyên dự báo còn khoảng 24,6 triệu tấn. Trong khi đó, theo báo cáo của các đơn vị được cấp phép khai thác, tới hết năm 2011, đã khai thác được 3,9 triệu tấn. Đồng nghĩa với việc còn lại khoảng 40,8 triệu tấn quặng sắt chưa được khai thác.

Đáng chú ý trong số các mỏ trên là mỏ sắt Ngườm Cháng đã được cấp phép khai thác khoáng sản cho Tisco với công suất 177.000 tấn/năm (thời gian khai thác 10 năm, kể từ tháng 7/2002).

Mỏ khoáng sản (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)
 (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, từ khi có sản lượng vào năm 2004 đến hết tháng 6/2012, Tisco đã khai thác 1,22 triệu tấn quặng tại mỏ Ngườm Cháng. Như vậy, trữ lượng được phép khai thác chỉ còn 548.000 tấn.

Tuy nhiên, tháng 6/2009, Tisco đã làm thủ tục chuyển đổi cấp trữ lượng và cấp tài nguyên mỏ Ngườm Cháng theo hướng tăng thêm và đã được Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản công nhận. Theo đó, tổng trữ lượng và tài nguyên quặng sắt ở mỏ Ngườm Cháng đến tháng 6/2009 là 2,279 triệu tấn, cao hơn trữ lượng đã cấp phép khai thác ban đầu (năm 2002). Việc gia tăng thêm trữ lượng này đã nâng phần chưa khai thác tại mỏ sắt Ngườm Cháng đến tháng 6/2012 lên 1,66 triệu tấn.

Theo Tisco, việc khai thác mỏ sắt Ngườm Cháng là nhằm đáp ứng nguyên liệu cho Dự án Mở rộng giai đoạn II Nhà máy Gang thép (công suất 500.000 tấn/năm). Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn chưa hoàn thành.

Ngoài ra, theo Quyết định 124/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngoài Ngườm Cháng, Dự án Gang thép Thái Nguyên còn được quy hoạch vùng nguyên liệu tại các mỏ sắt Trại Cau, Tiến Bộ (Thái Nguyên), Tân Tiến, Phúc Ninh (Tuyên Quang) với tổng công suất khai thác 1,03 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2007 – 2010.

Với thực tế trong thời gian 2008 – 2011, Tisco luôn khai thác vượt công suất cấp phép tại mỏ Ngườm Cháng và đang có ý định tận thu khi mới đây đã đề nghị nâng công suất khai thác mỏ Ngườm Cháng lên 370.000 tấn/năm. Tức là chỉ 4 năm nữa là hết phần trữ lượng còn lại, trong khi dự án mở rộng chưa biết lúc nào đi vào hoạt động sau khi đã chậm nhiều năm cũng khiến Cao Bằng cho rằng “vai trò của Ngườm Cháng với Dự án Gang thép Thái Nguyên là không quá quan trọng”.

Chưa kể, theo đánh giá của UBND tỉnh Cao Bằng, Tisco chưa quản lý chặt chẽ việc vận chuyển quặng sắt mỏ Ngườm Cháng, gây mất trật tự trị an và vệ sinh môi trường tại khu vực.

Giữ lại cho doanh nghiệp địa phương

Cũng từ năm 2005, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo, chấm dứt tình trạng xuất khẩu thô quặng sắt trên địa bàn và phải đầu tư chế biến sâu. Hiện toàn Cao Bằng có 6 dự án chế biến quặng sắt đã được cấp phép, với tổng sản lượng 400.000 tấn gang/năm, 421.000 tấn sắt xốp và phôi thép/năm. Trong đó, 3 dự án đã đi vào hoạt động, nhưng không ổn định vì thiếu nguyên liệu quặng sắt. Đó là các dự án Nhà máy Sản xuất sắt xốp và phôi thép tại huyện Hòa An của CTCP Khoáng sản và Luyện kim Việt Nam (Mirex), với năng lực 200.000 tấn sắt xốp và phôi thép hợp kim/năm, tương đương nhu cầu đầu vào 450.000 tấn nguyên liệu quặng sắt/năm; Dự án Nhà máy luyện gang của CTCP Khoáng sản xây dựng 30 – 4 (công suất 60.000 tấn gang/năm, sử dụng 150.000 tấn quặng nguyên liệu/năm); Dự án Nhà máy luyện gang Bản Gủn của CTCP Chế biến khoáng sản Cao Sơn Hà có công suất 70.000 tấn gang/năm, sử dụng 175.000 tấn quặng nguyên liệu/năm.

Theo lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, nhu cầu sử dụng quặng sắt trên địa bàn tỉnh là 1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, các khu vực được tỉnh Cao Bằng quy hoạch, cấp phép theo thẩm quyền mới chỉ được điều tra, đánh giá, chưa được Nhà nước đầu tư thăm dò, phê duyệt trữ lượng, bởi không có triển vọng, quy mô khai thác công nghiệp.