Áp lực giữ rừng Yók Đôn mùa lá rụng

ThienNhien.Net – Rừng khộp, loại rừng đặc trưng ở Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn vào mùa lá rụng chỉ còn thân cây trơ trọi giữa nền trời xanh ngắt. Len lỏi giữa rừng già Yók Đôn, chúng tôi nghe rõ những bước chân xào xạc vội vã của những người giữ rừng nơi đây, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí phải đổ cả máu để giữ những diện tích rừng già quý giá.

Lực lượng kiểm lâm VQG Yók Đôn xác định những “điểm nóng” phá rừng để tăng cường lực lượng QLBVR trong mùa khô.

“Mùa đi rừng”

Trên đường từ trụ sở Hạt Kiểm lâm VQG Yók Đôn vào thăm các cán bộ, nhân viên kiểm lâm đang ngày đêm làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) tại các trạm, chốt kiểm lâm giữa rừng sâu thẳm, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Yók Đôn Nguyễn Hữu Tạo, người đã gắn bó với núi rừng ở đây hơn 30 năm kể: Do đặc trưng rừng ở đây chủ yếu là rừng khộp nên đẹp nhất vào mùa khô. Nhưng với những người giữ rừng nơi đây, vất vả nhất cũng vào mùa này, khi những cánh rừng thay lá, những trảng cỏ khô úa có thể bùng cháy bất cứ lúc nào. Mùa này cũng là khi nương rẫy khô khốc, người dân sống quanh rừng không còn nguồn thu nào khác nên kéo nhau vào rừng kiếm kế sinh nhai. Người dân ở đây còn gọi là “mùa đi rừng”. Trong khi đó, VQG Yók Đôn trải rộng trên địa bàn bảy xã thuộc ba huyện Buôn Đôn, Ea Súp, tỉnh Đác Lắc và huyện Cư Giút, tỉnh Đác Nông, với diện tích 115.545 ha, trong đó có 72.751 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, 35.538 ha phân khu phục hồi sinh thái… Vườn có hiện trạng đa dạng sinh học cao.

Theo kết quả điều tra, thống kê chưa đầy đủ từ năm 1991 đến nay của VQG Yók Đôn, về thực vật tại VQG này có 858 loài thuộc 129 họ, 478 chi, trong đó có 28 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như Trắc, Cẩm lai, Cà te, Giáng hương… Về hệ động vật, đến nay đã ghi nhận được 489 loài động vật có xương sống, trong đó có 89 loài thú, 250 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư và 31 loài cá. Trong đó có nhiều loài thú nguy cấp, quý hiếm như voi châu Á, báo Hoa mai, bò rừng, bò tót…

Những cây cổ thụ quý hiếm hàng trăm năm tuổi ở VQG Yók Đôn luôn bị các đối tượng lâm tặc dòm ngó buộc lực lượng kiểm lâm của vườn ngày đêm canh giữ.

Bao quanh VQG Yók Đôn có gần 50.000 người dân của bảy xã sinh sống, đặc biệt có ba xã là Krông Na, Ea Huar và Ea Wer, huyện Buôn Đôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với tập tục từ ngàn đời nay là sống dựa vào rừng, làm nhà lấy gỗ từ rừng, ăn từ nguồn lợi của rừng… nên cứ đến mùa khô, mùa đi rừng của bà con là áp lực giữ rừng càng cao.

Sau gần một giờ băng qua những khu rừng khộp đang mùa thay lá, chúng tôi ghé thăm buôn Đrăng Phốc, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn nằm lọt thỏm giữa vùng lõi VQG Yók Đôn. Cả buôn có 108 hộ với hơn 500 khẩu, chủ yếu là đồng bào M’nông. Khi chúng tôi đến mới 10 giờ sáng nhưng cả buôn vắng lặng, chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở nhà. Già làng Y Khuông H’Wing cho biết: Bà con đã đi rừng cả rồi. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa này khi nương rẫy khô khốc không sản xuất được là bà con đi rừng lượm khúc gỗ, bắt con cá, bẫy con thú về bán kiếm sống qua ngày.

Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Yók Đôn Nguyễn Hữu Tạo lo lắng nói: Những năm gần đây, nhờ ngăn chặn từ vòng ngoài nên lâm tặc cộm cán đã giảm, bây giờ chính người dân là áp lực lớn nhất đối với những người giữ rừng. Những trường hợp lực lượng kiểm lâm phát hiện người dân đi xe máy, xe đạp vào rừng thồ gỗ, khi bắt được còn có cái để thu giữ, lập biên bản. Nhưng có những gia đình, cả vợ chồng con cái dắt díu nhau vào rừng, lúc trở ra mỗi người cõng một khúc gỗ bằng nửa thân người sau lưng, hoặc khúc nhỏ hơn thì bỏ vào gùi địu ra cửa rừng bán thì xử lý sao đây?

Nỗ lực bảo vệ “lá phổi xanh”

Lâm sản được người dân khai thác trong trong VQG Yók Đôn bị lực lượng kiểm lâm của vườn bắt giữ.

Dẫn chúng tôi vào bãi thu giữ phương tiện và lâm sản Trạm Kiểm lâm số 6 VQG Yók Đôn, bên dãy xe đạp thồ, xe máy cũ kỹ đã hoen gỉ phơi mưa nắng và hàng chục khối gỗ ngổn ngang, Trạm phó Trạm kiểm lâm số 6 Phạm Ngọc Hùng cho biết: Đây là những phương tiện và tang vật thu giữ được từ những lần kiểm lâm vườn bắt giữ lâm tặc. Mà “lâm tặc” ở đây chủ yếu lại là những người dân sống ở vùng lõi và vùng ven vườn quốc gia.

Nhìn những thân cây hàng trăm năm tuổi vươn mình giữa trời xanh, Hạt phó Hạt kiểm lâm VQG Yók Đôn Nguyễn Hữu Tạo chia sẻ: Để giữ những cánh rừng già quý hiếm còn lại này, VQG Yók Đôn đã thành lập 15 trạm kiểm lâm và một đội kiểm lâm cơ động bố trí ở những khu vực xung yếu nhất trong VQG để ngày đêm canh giữ rừng. Do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nhiều trạm nằm cách xa khu dân cư và cách trụ sở của vườn gần 100 km đường rừng, núi. Thời tiết ở đây hết sức khắc nghiệt, vào mùa khô hầu hết các suối, khe nước nhỏ trong rừng đều cạn kiệt nguồn nước. Nguồn nước giếng thì nhiễm vôi, phèn không thể uống được. Vì vậy, lâu nay các trạm đều phải xây bể để chứa nước mưa sinh hoạt. Đối với những trạm chưa có nơi trữ nước, hàng ngày đơn vị phải sử dụng xe công nông chở từng thùng nước vào phục vụ sinh hoạt cho anh em.

Trạm phó Trạm kiểm lâm Đrăng Phốc Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự: Địa bàn do trạm quản lý rộng và hết sức phức tạp, nên mỗi chuyến tuần tra, canh gác phải mất cả tuần mới về trạm. Mỗi chuyến đi, các cán bộ, nhân viên phải mang theo đầy đủ gạo, thức ăn, mùng, mền, võng, thuốc và các dụng cụ y tế… Bất kể ngày hay đêm đều đi tuần tra, đến đâu mệt thì mắc võng nghỉ rồi tiếp tục đi. Khổ nhất trong mỗi chuyến tuần tra là bị muỗi, vắt, rết, côn trùng cắn, thậm chí bị lâm tặc tấn công. Mặc dù vậy, hầu hết cán bộ, nhân viên trong trạm đều gắn bó với nghề, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh nỗ lực của lực lượng kiểm lâm, xác định tầm quan trọng của người dân vùng đệm về công tác QLBVR và bảo tồn đa dạng sinh học, trong thời gian qua VQG Yók Đôn còn tổ chức cho đồng bào DTTS và lực lượng vũ trang tham gia nhận khoán QLBVR ở các phân khu phục hồi sinh thái. Phó Giám đốc VQG Yók Đôn Phạm Tuấn Linh cho biết: Đến thời điểm hiện tại VQG Yók Đôn đã giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 35.000 ha tại 39 tiểu khu cho 19 cộng đồng thôn, buôn vùng đệm giáp ranh với vườn và chín đơn vị vũ trang tham gia nhận khoán. Bên cạnh đó, từ năm 2013, VQG Yók Đôn đã hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, buôn/năm cho 40 thôn, buôn ở bảy xã vùng đệm. Số tiền này được cộng đồng thôn, buôn sử dụng vào việc mua giống cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất và trích một phần sửa nhà cộng đồng…

Lực lượng kiểm lâm VQG Yók Đôn tuyên truyền, vận động đồng bào buôn Đrăng Phốc, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn không vào rừng cưa gỗ, bẫy thú trong mùa khô.

Gắn với các hoạt động phát triển cộng đồng, VQG Yók Đôn còn phối hợp với chính quyền và các đoàn thể các địa phương vùng đệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cho nhân dân. Kết quả việc giữ rừng dựa vào cộng đồng đã có tác dụng đáng kể. Mỗi thôn, buôn giờ đây đã thành lập các tổ QLBVR, đi tuần tra hàng ngày với lực lượng kiểm lâm. Riêng đồng bào DTTS ở buôn Đrăng Phốc nằm ngay trong vùng lõi VQG Yók Đôn một thời nổi danh phá rừng, nhưng nay người dân trong buôn đã tích cực QLBVR. Toàn buôn nhận khoán bảo vệ gần 500 ha rừng. Những năm gần đây buôn luôn dẫn đầu trong công tác bảo vệ rừng. Diện tích rừng do buôn quản lý không xảy ra tình trạng phá rừng để lấy gỗ, lấn chiếm để làm nương rẫy, không có tình trạng rừng bị xâm hại từ bên ngoài. Từ việc nhận khoán bảo vệ rừng, cuối năm gia đình nào cũng có thêm một khoản tiền để mua sắm, chi tiêu trong những ngày Tết nên bà con phấn khởi lắm.

Phó Giám đốc VQG Yók Đôn Phạm Tuấn Linh khẳng định, trong những năm qua, sự tác động từ bên ngoài đến VQG Yók Đôn giảm dần. Trong năm 2016, lực lượng kiểm lâm VQG Yók Đôn đã phát hiện 424 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 52 vụ khai thác rừng trái phép, tịch thu và tạm giữ 450 phương tiện phá rừng; 144.811 m3 gỗ các loại… giảm nhiều so với năm 2015. Theo quy định, mỗi kiểm lâm viên chỉ quản lý 500 ha rừng đặc dụng, nhưng ở đây các kiểm lâm viên phải quản lý gần gấp đôi do địa hình rộng, trải dài hai tỉnh. Vì vậy, VQG Yók Đôn vẫn đang đứng trước nhiều mối đe dọa lớn.

Chiều về ở VQG Yók Đôn, mặt trời lặn dần trên đất bạn Cam-pu-chia.Ở phía xa xa, những mái nhà dài các buôn làng M’nông đã lên khói lo bữa cơm chiều. Trên bầu trời xanh ngắt, đàn chim én bay về báo hiệu một mùa xuân mới đang đến. Dưới những tán rừng khộp, những bước chân xào xạc vội vã của những người giữ rừng nơi đây vẫn âm thầm ngày đêm tuần tra canh giữ cho những cánh rừng già Yók Đôn mãi xanh.