Bảo tồn biển vịnh Nha Trang: S.O.S!

Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang (trước đây gọi là Khu Bảo tồn biển Hòn Mun) có vùng lõi là khu vực Hòn Mun gần đây tiêu điều, xác xơ đến lạ! Điều gì đang xảy ra ở khu bảo tồn biển quan trọng bậc nhất Việt Nam này?

Trong những ngày đầu tháng 6-2022, phóng viên Báo Người Lao Động đã thuê tàu và hướng dẫn viên hỗ trợ lặn biển để làm rõ thực trạng nêu trên.

Hệ sinh thái biển, san hô… chết trắng, tiêu điều

Xơ xác, hoang tàn

Là người sống và làm việc ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hơn 15 năm nay, tôi thật sự không tin khi nghe một vài thợ lặn bảo rằng “tan hoang hết rồi Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang”. Sau 2 năm dịch Covid-19, du lịch với các tour biển đảo, lặn ngắm san hồ đều dừng lại. Đây là thời gian để phục hồi và phát triển mạnh các rạn san hô, hệ sinh thái biển. Không lẽ nào mọi chuyện xảy ra ngược lại ở Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang? Thế là, tôi quyết định chi tiền thuê tàu và hướng dẫn viên lặn biển hỗ trợ để tận mục sở thị đáy biển.

Và, khi tự mình lặn ở nhiều điểm khác nhau ở Hòn Mun để tận mắt chứng kiến, tôi thấy Hòn Mun đã xơ xác, quả không sai!

Ghi nhận tại điểm lặn ở Bắc Hòn Mun, khu vực này có chiều sâu trung bình 2-10 m. Nhiều tour đang đưa khách đến đây lặn trải nghiệm. Với đồ lặn chuyên nghiệp, chúng tôi tiến sát các rạn san hô trước đây. Thế nhưng, tôi chỉ thấy ở đây rải rác cụm san hô mềm, hình não, nấm và khá ít san hô sừng. Sinh vật biển đa số cũng chỉ dạng nhỏ, ít sắc màu. Đặc biệt, ở đây xuất hiện rác thải một số mảnh lưới bám vào san hô, dù đây là vùng cấm đánh bắt.

Nghiêm trọng hơn, tại khu vực Đông Bắc Hòn Mun mà giới lặn biển gọi là bãi Mama Hạnh, lượng sinh vật biển, bãi san hô hoang tàn đến mức ngỡ ngàng, san hô gãy đổ hàng loạt. “Khu vực này là điểm được phép lặn ngắm ở Hòn Mun. Trước đây rạn san hô rất đẹp, phong phú bao nhiêu thì giờ đây tan hoang bấy nhiêu. Sinh vật biển mất đi ngôi nhà nên cũng không còn. Đáy biển chỉ còn màu xám xịt. Nhìn mà đau lòng quá, như kiểu bát cơm của mình bị ai đó đổ cát vào. Tụi mình đã ứa nước mắt” – hướng dẫn viên lặn cùng tôi vừa ngoi lên mặt nước, rút ống hơi, xót xa nói.

Chúng tôi tiếp tục khảo sát khu vực phía Tây Nam Hòn Mun. Càng về phía Tây, san hô chết càng nhiều. Chúng tôi nhiều lúc phải tròn mắt trước cảnh toàn bộ thảm san hô đều bị đánh gãy, trắng xóa cả vùng biển ở phía Đông cầu cảng. Hàng tấn san hô chết trắng bị sóng đánh tấp thành lớp dày trên đảo. Tại đây, tôi gặp anh Đỗ Thành Quân, một hướng dẫn viên lặn chuyên nghiệp cho khách du lịch 20 năm qua ở Nha Trang. Anh bàng hoàng nói: “Chúng tôi từng gọi nơi đây là thiên đường dưới biển vì lượng san hô, sinh vật biển hết sức phong phú. Tôi lặn biển nhiều nơi nhưng chưa từng thấy nơi nào đẹp như nơi này. Vậy mà bây giờ san hô chết trắng, nhìn như một nghĩa địa!”.

Tiếp tục khảo sát tại Hòn Tằm, tình trạng san hô bị đánh gãy, chết hàng loạt cũng diễn ra tương tự. Đáy biển khu vực này cũng xơ xác, lượng cá biển, sinh vật biển hầu như rất ít. Khó khăn lắm chúng tôi mới thấy được một con cá to cỡ bàn tay.

Phóng viên Báo Người Lao Động khảo sát đáy biển khu vực Tây Nam Hòn Mun thuộc Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang

Tỉ lệ phủ san hô sụt giảm nghiêm trọng

Theo thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa, vịnh Nha Trang là một trong những khu vực có tầm quan trọng bậc nhất về bảo tồn biển và du lịch biển. Rạn san hô có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam gồm hơn 220 loài cá rạn, trên 350 loài san hô (chiếm 40% loài san hô trên thế giới), 120 loài thân mềm, 70 loài giáp xác, 30 loài da gai, 70 loài rong biển và 7 loài cỏ biển… Các rạn san hô tại khu bảo tồn biển này có diện tích khoảng 252 ha với độ phủ rất cao và tập trung phân bố ở các khu vực Hòn Mun (22 ha), Hòn Tằm (20 ha), Hòn Rơm (3,2 ha), Hòn Vung (4,6 ha)… Trong đó, Hòn Mun và Hòn Rơm có rạn san hô tương đối ổn định.

Thế nhưng, qua khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động thì ngay cả các rạn san hô ở khu vực Hòn Mun và Hòn Rơm hiện cũng xơ xác, hoang tàn. Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang, đánh giá đây là tình trạng báo động.

Theo ông Thái, giữa tháng 6-2020, ở khu bảo tồn biển này có độ phủ san hô sống lên đến 61%. Nhiều nhóm cá gia tăng về kích thước và số lượng. Thậm chí, khi lặn biển có thể bắt gặp những con cá mú nặng đến 7-8 kg; những con cá chình dài 3-4 m. Nay thì hoàn toàn khác biệt.

Đợt khảo sát mới đây của BQL cho thấy chất lượng san hô ở Hòn Mun dưới mức trung bình. Đặc biệt, khu vực Tây Nam của Hòn Mun có tình trạng rạn san hô rất kém, tỉ lệ bao phủ chỉ còn 7,8%. Rạn san hô bị chết, sóng đánh lên bờ kéo dài một bãi rộng đến 600 m2. Ở khu vực Đông Nam, độ bao phủ san hô cũng chỉ còn 14,5%; trên bờ, một bãi san hô chết rộng 300 m2.

Ông Thái cho biết so sánh với năm 2015 thì rạn san hô ở Hòn Mun có độ phủ trung bình giảm nghiêm trọng, đặc biệt ở khu vực Đông Nam – Tây Nam từ 52,2% nay chỉ còn 11,1%.

Trong những ngày chúng tôi lặn khảo sát ở khu bảo tồn biển này, được biết một người từ TP HCM ra cũng có chuyến lặn tại đây. Khi về, ông đã viết trên trang cá nhân những lời đau đớn: “Hơn một năm rưỡi mình quay lại lặn ở Hòn Mun kể từ tháng 10-2020. Những tưởng phải nhìn thấy biển hồi sinh và đẹp, phong phú hơn trước dịch nhiều lần. Nhưng không! Dưới đáy biển giờ tan hoang…, đen ngòm, xơ xác. Chẳng hiểu BQL Khu Bảo tồn biển Hòn Mun làm gì để biển xơ xác đến vậy?”.

Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt

Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như: Hòn Mun, Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh. Tổng diện tích khoảng 160 km² gồm 122 km² vùng nước xung quanh các đảo. Trong đó, Hòn Mun là vùng bảo vệ nghiêm ngặt vì ở đây có hệ sinh thái phong phú đa dạng bậc nhất Việt Nam. Vịnh Nha Trang hiện có khoảng 15 bãi lặn, trong đó đẹp nhất và đa dạng nhất là quanh khu vực Hòn Mun – vùng lõi của khu bảo tồn biển – nên hoạt động lặn biển phải được BQL vịnh Nha Trang cho phép.