Số phận bi đát của loài hổ hoang dã

ThienNhien.Net – Trong 30 năm qua, số lượng hổ hoang dã đã bị giảm sút hơn 50% và hiện chỉ còn khoảng 3.200 cá thể sống rải rác ở châu Á. Điều này đã khiến không ít nhà khoa học lo ngại rằng, loài mèo lớn này có thể sẽ bị tuyệt chủng trong tương lai gần.

Theo tờ National Geographic, ở thế kỷ trước, trên thế giới có khoảng 100.000 con hổ sinh sống rộng rãi trên khắp châu Á. Thế nhưng ngày nay, số lượng hổ hoang dã chỉ còn lại khoảng 3.200 con. Điều này cho thấy, số lượng của loài mèo lớn này đang bị sụt giảm một cách cực kỳ nghiêm trọng.
Đáng chú ý, vào thế kỷ 18, hổ đã được xem là một loài thú cưng và chúng được con người thuần dưỡng rất nhiều để phục vụ cho các gánh xiếc.
Bên cạnh đó, “Chúa tể sơn lâm” cũng là mục tiêu hàng đầu của giới quý tộc Ấn Độ và Anh trong các cuộc đi săn. Phải mãi đến năm 1971, loài hổ mới được Ấn Độ nghiêm cấm săn bắn vì số lượng của chúng trong thiên nhiên hoang dã đã bị sụt giảm quá nhiều.
Cho đến ngày nay, số lượng hổ trong tự nhiên chỉ còn khoảng 3.200 con thuộc 6 loài (hổ Bengal, hổ Đông Dương, hổ Mã Lai, hổ Siberia, hổ Hoa Nam và hổ Sumatra) và chúng phân bố rải rác trên 13 quốc gia khác nhau ở châu Á. Điều đáng lo ngại là, con số này chỉ bằng 7% số lượng cá thể “Ông ba mươi” ở thế kỷ trước.
Trong đó, hổ Bengal là loài có số lượng đông nhất khi chúng chiếm khoảng 50% số lượng hổ hoang dã trên toàn thế giới. Hiện nay, loài hổ này sinh sống chủ yếu ở một số khu rừng và đầm lầy ngập mặn ở Ấn Độ, Nepal, Bhutan và Bangladesh.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính khiến loài hổ bị sụt giảm số lượng là do nạn săn bắn trái phép, môi trường sống ngày càng bị thu hẹp và việc cạnh tranh thức ăn trong tự nhiên. Trong vòng 30 năm qua, số lượng hổ trên toàn thế giới đã bị giảm sút hơn 50% và hiện vẫn đang còn nguy cơ tiếp tục giảm.
Đồng thời, một số chuyên gia cũng khẳng định rằng, hiện nay, ngoài các đề án bảo tồn thì việc triển khai du lịch, chiêm ngưỡng hổ cũng là một cách bảo vệ loài mèo lớn này rất tốt. Bởi vì, điều này không chỉ làm cho con người ngày càng yêu quý loài hổ hơn, mà còn giúp theo dõi số lượng của chúng sát sao hơn, tránh được nạn săn trộm đang hoành hành.
Bên cạnh đó, việc đặt bẫy ảnh ở những khu vực hay xuất hiện hổ cũng là một cách để kiểm tra số lượng hổ có trong tự nhiên. Bởi vì, nó sẽ giúp các nhà khoa học theo dõi được tình trạng sức khỏe, cũng như các vấn đề liên quan đến quá trình sinh trưởng và phát triển của nhiều các thể hổ.
Thế nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là phải tìm cách khắc phục được nạn săn bắn trái phép. Hiện nay, tất cả các bộ phận trong cơ thể loài hổ đều rất quý hiếm và chúng luôn là mục tiêu số 1 cho bọn săn trộm “hám tiền”. Thậm chí, chúng sẵn sàng liều mình để bắn chết một con hổ để kiếm về một món tiền khá lớn.
Bên cạnh đó, vấn đề bẫy rập cũng khiến loài hổ gặp phải nhiều rắc rối. Bởi vì, hàng năm, có đến hàng chục con hổ bị mất mạng vì dính bẫy. Chưa kể, bẫy rập cũng khiến rất nhiều “Ông ba mươi” bị tật nguyền suốt đời, khiến chúng gặp vô vàn khó khăn trong việc săn mồi.
Mặc dù việc nuôi nhốt và nhân giống hổ nhân tạo cũng giúp số lượng hổ được bảo toàn và gia tăng, song những con hổ đã sống trong tình trạng được con người chăm sóc đều đã đánh mất đi bản năng hoang dã. Nếu thả chúng lại tự nhiên, chúng vẫn bị chết vì không thể tự kiếm được thức ăn.