Xây dựng thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên: Hệ lụy người dân phải gánh chịu

ThienNhien.Net – Vì sự phát triển thủy điện bền vững cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, sáng ngày 6/12, tại Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội cùng với Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Đối thoại đa chiều với các bên liên quan để tìm hướng phát triển chung, sao cho vừa mang lại hiệu quả kinh tế trong phát triển năng lượng, vừa đảm bảo môi trường và lợi ích của bộ phận dân cư liên quan.

Miền Trung và Tây Nguyên được xem là nơi xây dựng nhiều nhà máy thủy điện. Trong suốt thời gian dài vừa qua, các dự án thủy điện ở khu vực này đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Tình trạng thiếu nước ở hạ lưu dẫn đến xâm nhập mặn, sạt lở đất, cho quá tải dòng chảy thay đổi, lũ chồng lũ khi mùa mưa, động đất. Các dự án thủy điện khi đầu tư chỉ hướng đến một mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà bỏ quên nguyên tắc công bằng xã hội và bền vững về môi trường.

Cái được từ nguồn năng lượng của các dự án thủy điện cung cấp chỉ là một phần nhỏ so với những vấn đề nghiêm trọng khác mà các dự án thủy điện trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng tới đời sống của cộng đồng. Những tổn thương mà thủy điện gây ra vẫn chưa được hàn gắn sau hàng chục năm, thậm chí vài chục năm.

Khi xây dựng nhà máy thủy điện buộc phải phá rừng. Trong báo cáo của các nhà đầu tư thủy điện thì khi phá rừng sẽ trồng bù lại nhưng thực tế hơn 10 năm qua, một diện tích lớn rừng lâu năm bị phá đi không được các nhà đầu tư trồng bù lại như theo cam kết ban đầu. Chính vì thế, đã có những trận lũ đến một cách đột ngột khiến người dân không kịp trở tay.

Theo ông Đặng Ngọc Quang, thành viên của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, chỉ cần một cơn lũ lớn kéo dài từ 5-10 ngày thì tất cả những thành quả xây dựng bao năm sẽ đưa về trạng thái ban đầu.

Đối với những tác động khác của thủy điện, đại diện cho cộng đồng tại xã Đại Hồng (Quảng Nam), ông Nguyễn Khánh Tâm Anh cho biết: Từ năm 2010 đến nay khi các nhà máy thủy điện hoạt động thì tại địa phương, đất thổ cư bị sạt lở hơn 10ha khiến hơn 679 hộ phải di dời. Đất sản xuất bị sạt lở hết 10ha làm ảnh hưởng đến 130 hộ dân. Đất bồi cát chỉ riêng khu vực thôn Đông Phước đã bị 12,6ha, ảnh hưởng đến 138 hộ dân. Diện tích đất bồi cát bị ảnh hưởng đã làm giảm năng suất canh tác trầm trọng, có diện tích phải bỏ hoang. Khi đất chưa bị bồi cát, cây trồng phát triển tốt, năng suất cao, bây giờ muốn đạt năng suất như trước phải đầu tư phương tiện tưới, phân bón. Mực nước sông thấp đi, mực nước ngầm cũng thấp, trước đây đóng giếng nước chỉ cần khoan từ 7-8m là đã có nước, giờ phải khoan 10-12m thì mới có nước.

Ông Nguyễn Khánh Tâm Anh, đại diện cho cộng đồng tại xã Đại Hồng (Quảng Nam) đưa ra hình ảnh mới nhất mà thủy điện đã ảnh hưởng đến cộng đồng người dân khu vực này.
Ông Nguyễn Khánh Tâm Anh, đại diện cho cộng đồng tại xã Đại Hồng (Quảng Nam) đưa ra hình ảnh mới nhất mà thủy điện đã ảnh hưởng đến cộng đồng người dân khu vực này.

Mặt khác, các nhà máy thủy điện đã chặn đi dòng sông, chặn đi nguồn phù sa, chặn đi nguồn sống vốn có của cộng đồng dân cư chung quanh. Nhiều dạng tổn thất tài sản thiên nhiên mà người dân bị mất không được tính đến, làm sinh kế của người dân sa sút.

Thêm vào đó, khi xây dựng thủy điện thì người dân tại vùng bị ảnh hưởng sẽ di dời đến nơi tái định cư mới. Ông Đặng Ngọc Quang đặt câu hỏi “Quá trình ổn định cuộc sống của người dân như thế nào?” – Theo cam kết của các nhà đầu tư và cơ quan phê duyệt dự án thì cuộc sống nơi ở mới sẽ bằng hoặc sẽ hơn ban đầu. Ông Quang cho rằng sự bằng và hơn ấy là khi nào, 10 năm hay 15 năm sau. “Chúng tôi khẳng định rằng trong thời gian 10 năm, 15 năm vẫn chưa giải quyết được vấn đề ổn định tái định cư hay tạo kế sinh nhai cho người dân bị ảnh hưởng. Đó là một thực trạng chung đối với các dự án thủy điện hiện nay” – ông Đặng Ngọc Quang khẳng định.

Theo khảo sát, nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội đối về tác động của các dự án thủy điện đối với cộng đồng thì: Nhiều khu tái định cư lại được xây dựng không phù hợp với lối sống của người dân nông thôn miền núi, không có đủ diện tích vườn để trồng rau theo truyền thống và nhiều khi không có khu vực dành cho chăn nuôi.

Một thực tế nữa đó là đất đai được đền bù không đầy đủ. Ở rất nhiều cộng đồng, cam kết về đền bù đất đai không được nhà đầu tư và chính quyền thực hiện. Có những cộng đồng, sau hàng chục năm, chính quyền mới chỉ cấp được một nửa diện tích cam kết. Giá cả đền bù đất đai được tính không đầy đủ và không đủ để người dân mua lại đất đai có giá trị tương đương với phần đất đã bị mất vì thủy điện.

Việc trả tiền đền bù làm nhiều đợt cũng gây tác động xấu. Các hộ gia đình sau khi mất đất canh tác đã sử dụng số tiền đền bù mưu sinh nên không có đủ lượng tiền mặt để mua đất thay thế phần bị mất. Cuộc sống của những người dân đã khó khăn nay lại tiếp tục khó khăn hơn.