Bộ Tài Nguyên & Môi trường lý giải nguyên nhân cá chết hàng loạt

ThienNhien.Net – Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường cho biết, có 2 nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt: Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là thủy triều đỏ.

Tối ngày 27-4, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tổ chức họp báo thông tin về vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Tại buổi họp báo, ông Nhân khẳng định: “Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt”.

Theo ông Nhân: Qua số liệu quan trắc và đánh giá của cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước liên quan môi trường biển hiện chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy định. Để xác định rõ nguyên nhân cụ thể về hiện tượng cá chết hàng loạt và giải pháp ứng phó về lâu dài với các thảm họa tương tự cần tổ chức nghiên cứu làm rõ hai nhóm nguyên nhân nói trên. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học để thực hiện nghiên cứu nói trên, nếu cần thiết, sẽ huy động các tổ chức khoa học quốc tế để kiểm chứng trong thời gian sớm nhất.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh ĐH.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh ĐH.

Trong thời gian sớm nhất, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn sẽ cung cấp các kết quả phân tích, các độc tố và sẽ khuyến về việc tiếp tục hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ hải sản. Các địa phương tổ chức quan trắc chất lượng nước biển ven bờ và có khuyến cáo hoạt động du lịch, tắm biển trên địa bàn.

Theo Thứ trưởng Nhân: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Tài nguyên- Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân cá chết để có các biện pháp sớm ổn định đời sống nhân dân.

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã thành lập nhiều đoàn công tác làm việc tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng đã làm việc tại Hà Tĩnh. “Đây là vấn đề phức tạp đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới đòi hỏi phải có thời gian để xác định nguyên nhân. Những trường hợp này đã xảy ra nhiều nước trên thế giới, nhiều nước phải mất nhiều năm để tìm ra nguyên nhân. Mặc dù, người dân và cả xã hội hết sức quan tâm, tuy nhiên để xác định được cần thiết phải nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản, dựa trên các chứng cứ khoa học”, ông Nhân khẳng định.

Vào 14 giờ ngày 27-4, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ, ngành có liên quan, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, các cơ quan khoa học trong và ngoài nước để thảo luận kết quả điều tra. Đây là cuộc họp đầu tiên giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương. Các cơ quan, nhà khoa học đã báo cáo kết quả nghiên cứu bước đầu về việc cá chết từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.

Vụ việc cá chết hàng loạt diễn ra tại các tỉnh ven biển miền Trung bắt đầu từ ngày 6-4, tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã thuộc thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Đến khoảng ngày 10-4, hiện tượng cá chết tiếp diễn tại vùng biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Sau đó, tình trạng cá chết được phát hiện tại vùng biển Quảng Trị và tiếp tục lan rộng vào Thừa Thiên – Huế. Đến thời điểm này, một số ngư dân tại bờ biển Đà Nẵng cũng đã phát hiện cá chết trôi dạt vào bờ.

Thứ trưởng Nhân cho biết: Hiện tượng cá chết hàng loạt, trên diện rộng trong những ngày qua khiến dư luận đặc biệt quan tâm, có khả năng gây nên các yếu tố mất an ninh trật tự. Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần khách quan và có trách nhiệm, đồng thời cùng các cơ quan quản lý nhà nước tìm ra nguyên nhân, biện pháp xử lý.