Thêm nhiều loài ở Việt Nam bị đe dọa tuyệt chủng

Trào lưu nuôi thú cưng đẩy nhiều loài quý hiếm ở Việt Nam đến bờ vực tuyệt chủng.

Vooc Cát Bà

Việt Nam muốn tăng cường bảo vệ cho 13 loài thạch sùng, 13 loài cá cóc và nhiều loài cá sần mà hiện là những loài mục tiêu cho trào lưu nuôi thú cưng khởi đầu từ những năm 1990. Nhu cầu tăng nhanh từ các nước Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đối với các loài hiếm này cộng với lợi nhuận khổng lồ đã và đang tạo ra động lực cho những kẻ săn trộm và đẩy các loài này đến bờ vực tuyệt chủng.

Việt Nam đã đệ trình các đề xuất lên hội nghị các nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nhằm tìm kiếm sự ủng hộ trong việc tăng cường bảo vệ một số loài rùa, cá cóc, thạch sùng một mí và cá cóc sần-hiện đang bị đe doạ do nạn buôn bán quốc tế thú cưng tăng cao và đáp ứng thị trường tiêu thụ thực phẩm “độc, lạ” của dân Châu Á.

Hội nghị các nước thành viên CITES sẽ diễn ra tại thủ đô Colombo của Sri Lanka từ 23.5 đến 3.6.2019. Các đề xuất của Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đấu tranh với nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã.

Các nước thành viên trên toàn thế giới cũng đã đệ trình nhiều đề xuất nhằm tăng cường hoặc nới lỏng việc bảo vệ 152 loài động vật hoang dã bị ảnh hưởng nặng nề từ vấn nạn buôn bán thương mại quốc tế.

Một đề xuất đáng chú ý của Israel tìm kiếm sự bảo vệ đối với loài voi ma mút – loài đã bị tuyệt chủng cách đây cả 10.000 năm – nhằm ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của loài anh em họ của voi ma mút- Voi Châu phi.

Bà Thẩm Thị Hồng Phượng, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Quốc tế Đối xử Nhân đạo với Động vật (HSI) tại Việt nam cho hay: “Buôn bán quốc tế bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã trong đó có voi, tê giác, tê tê đe doạ sự sinh tồn của loài;  khiến nhiều quần thể voi, tê giác, tê tê  tại Châu Phi và Châu Á bị suy giảm nghiêm trọng,  đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ việc tăng cường bảo vệ các loài nguy cấp và thúc đẩy nỗ lực của các quốc gia nhằm xoá bỏ nạn buôn lậu động vật hoang dã. Sáu đề xuất của Việt Nam nhằm bảo vệ các loài bò sát và lưỡng cư tự nhiên khỏi vấn nạn nuôi thú cưng và nhu cầu sử dụng thực phẩm” độc lạ”, là một tín hiệu cho thấy Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo tồn loài và muốn đóng một vai trò quan trọng cùng các nước khác đấu tranh với nạn buôn lậu các loài hoang dã.”

Một số loài khác gây được sự chú ý trong chương trình nghị sự của hội nghị CITES lần này bao gồm hươu cao cổ mà  quần thể hoang dã của chúng đã giảm tới 40% trong 30 năm qua do mất đi môi trường sống và nạn săn trộm; cá mập Mako bị đe dọa bởi nạn buôn bán vây cá mập ở Châu  Á, kỳ đà Sri Lan ca bị đe dọa bởi trào lưu nuôi thứ cưng “đẹp” và “độc”, cá Guitar khổng lồ và 10 loài cá đuối đang suy giảm do nạn đánh bắt quá mức, và đề xuất của Namibia về việc nới lỏng việc buôn bán  tê giác trắng Phương Nam  và Eswatini (trước đây là  Swaziland) lại tiếp tục đề nghị cho pháp buôn bán sừng tê giác.