Ghi nhận quần thể Voi châu Á ở huyện Bắc Trà My và Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam

Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ghi nhận 1 quần thể Voi với 2 cá thể gồm: 1 cá thể cái trưởng thành khoảng 40–45 tuổi và 1 cá thể cái bán trưởng thành khoảng 20–25 tuổi tại khu vực giáp ranh giữa 2 xã Phước Trà và Phước Gia huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.

Voi châu Á Elephas maximus Linnaeus, 1758 phân bố ở 13 quốc gia trên khắp Nam Á và Đông Nam Á, trải rộng trên diện tích khoảng 486.800 km2 với số lượng khoảng 48.323–51.680 cá thể trong tự nhiên. Mặc dù quần thể Voi châu Á nói chung có mức giảm nhẹ trong khoảng 20 năm, nhưng đã giảm mạnh ở Việt Nam, In-đô-nê-xi-a và Mi-an-ma. Các mối đe dọa chính đối với sự tồn tại của loài là sự thu hẹp và chia cắt môi trường sống, xung đột giữa Người và Voi, săn trộm và buôn bán bất hợp pháp các bộ phận cơ thể Voi. Voi châu Á được phân hạng ở mức Nguy cấp (EN) trong Danh lục Đỏ IUCN (2021) và thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES, 2019).

Tại Việt Nam, các quần thể Voi châu Á đang bị đe dọa nghiêm trọng khi chỉ còn khoảng 104–132 cá thể ngoài tự nhiên, loài Voi châu Á được phân hạng ở mức Cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và thuộc phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ và thuộc nhóm IB, Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Các quần thể Voi rừng hiện nay chỉ phân bố rải rác ở 6 tỉnh Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk và Đồng Nai. UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tỉnh Quảng Nam năm 2017, trong nghiên cứu công bố năm 2020 của Dự án Trường Sơn Xanh đã xác định quần thể Voi ở Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tỉnh Quảng Nam có 08 cá thể Voi.

Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã thực hiện đề tài khoa học với mục tiêu: Xác định số đàn, số cá thể, cấu trúc tuổi và giới tính; Xác định vùng hoạt động, sinh cảnh sống của quần thể Voi ở huyện Bắc Trà My và Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam làm cơ sở khoa học đưa ra định hướng bảo tồn quần thể Voi tại chỗ (in-situ) hoặc chuyển chỗ (ex-situ).

Kết quả nghiên cứu đã quan sát trực tiếp, ghi nhận hình ảnh và đo đếm nhiều thông số tại thực địa (dấu chân, phân (cũ và mới), sinh cảnh, thức ăn…) của Voi. Tại khu vực giáp ranh giữa 2 xã Phước Trà và Phước Gia huyện Hiệp Đức có tọa độ (535608/1713256), các nhà khoa học đã ghi nhận 1 quần thể Voi với 2 cá thể. Kết quả phân tích ban đầu cho thấy quần thể Voi chỉ có 2 cá thể cái, không có cá thể đực, gồm: 1 cá thể cái trưởng thành khoảng 40–45 tuổi và 1 cá thể cái bán trưởng thành khoảng 20–25 tuổi.

Đoàn khảo sát tại Bắc Trà My, Hiệp Đức. Ảnh: Nguyễn Đình Duy
Cá thể Voi ghi nhận tại khu vực nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Đình Duy

Vùng hoạt động hiện nay của quần thể Voi gồm những mảnh rừng bị tác động mạnh và phân tán, nằm trên ranh giới của 04 xã: Trà Đốc (Bắc Trà My), Phước Trà, Phước Gia và Quế Lưu (Hiệp Đức). Tổng diện tích vùng hoạt động hiện nay của đàn voi khoảng 3.500 ha, trong đó có 3.000 ha (chiếm 85,7 %) là rừng tự nhiên bị tác động, phần còn lại (500ha) là rừng trồng và đất canh tác của người dân địa phương. Các khu vực này có địa hình và sinh cảnh phù hợp với đặc tính sinh thái của loài voi: địa hình không quá dốc, rừng thứ sinh cây gỗ và rừng hỗn giao tre nứa – gỗ, xen các trảng cỏ, có nguồn thức ăn và gần nguồn nước.

Kết quả khảo sát này là cơ sở khoa học quan trọng để xây dựng phương án bảo tồn tại chỗ (in-situ) quần thể Voi tại huyện Bắc Trà My và Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam hoặc bảo tồn chuyển chỗ (ex-situ) quần thể Voi này đến Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi Quảng Nam, góp phần bảo tồn lâu dài đàn Voi, ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam.