Rừng Yên Bái “chảy máu“: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

ThienNhien.Net – Nhằm đi tới tận cùng sự phi lý, tôi quyết định tiến sâu hơn nữa về phía rừng, đến tận bản Tà Ghênh – nơi được cho là khởi nguồn của “dòng” gỗ lậu vẫn ngày ngày “chảy” qua Trạm Tấu để gặp gỡ, chứng kiến và lắng nghe những câu chuyện tưởng chừng chẳng bao giờ có cơ hội tồn tại.

Các xe máy chở gỗ từ Tà Gênh về Bản Mù phải đi trên cung đường vô cùng hiểm trở (ảnh chụp tháng 10.2016)
Các xe máy chở gỗ từ Tà Gênh về Bản Mù phải đi trên cung đường vô cùng hiểm trở (ảnh chụp tháng 10.2016)

Đi về phía rừng

Qua các mối quan hệ, tôi quen với anh Lò Văn Hưởng – một người Mông ở Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Anh Hưởng đồng ý chở tôi bằng xe máy vào bản Tà Ghênh (xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu) nhưng “mặc cả” trước: khi ra tôi phải đi bộ, vì xe đã bận chở đầy gỗ.

Hướng tay chỉ về phía bản Tà Ghênh chon von trên đỉnh dốc, anh Hưởng nói bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ: “Mình mua gỗ trên kia. Ai cũng phải mua gỗ trên kia. Cũng không biết bao xa, nhưng hết đúng 1 lít xăng”.

Đưa tôi đi trên con đường đất đá lởm chởm, sóc như muốn rớt cả ruột gan ra ngoài, anh Hưởng khoe, vì có tới 5 năm kinh nghiệm chở gỗ bằng xe máy, nên mọi việc diễn ra ở khu vực này, anh đều tường tận như trong lòng bàn tay. Trên hành trình của mình, chúng tôi liên tục bắt gặp những tốp xe máy chở pơ mu đi ngược chiều về Bản Mù.

Đường lên Tà Ghênh xấu và vô cùng khó đi, tuy nhiên vẫn có rất nhiều xe chở gỗ qua lại (Ảnh cắt từ clip)
Đường lên Tà Ghênh xấu và vô cùng khó đi, tuy nhiên vẫn có rất nhiều xe chở gỗ qua lại (Ảnh cắt từ clip)

Người thanh niên cho biết, những người hành nghề chở gỗ ở đây rất đông, dễ đến hàng trăm người. Họ không chỉ chở gỗ lấy công đơn thuần, mà còn góp mặt ở nhiều khâu trong đường dây chặt phá và vận chuyển pơ mu.

Theo đó, với những người chỉ muốn làm vận chuyển, thì chủ gỗ sẽ ứng tiền để họ tự vào Tà Ghênh mua gỗ rồi chở về “nghỉ tạm” ở bản mù trước khi về Trạm Tấu. Còn với những người ở Tà Ghênh vì gần rừng, thì chủ gỗ sẽ hỗ trợ tiền bạc và máy móc rồi “xúi” bà con vào rừng xẻ gỗ mang ra chợ bán. Nói một cách khác, chủ gỗ không bao giờ ra mặt trực tiếp nhưng lại dùng tiền để chi phối hầu hết các hoạt động.

Quá trình để mang một phách gỗ ra khỏi rừng rất vất vả, dân bản phải vào rừng từ 4h sáng, đến 18h mới mang được gỗ ra. Mỗi chuyến xe trót lọt chở khoảng 5 phách gỗ từ rừng về đến tận Trạm Tấu có thể lãi từ 3 đến 4 triệu đồng. Còn nếu không muốn lấy tiền của chủ thì người dân cũng có thể tự bỏ tiền ra để mua gỗ và chở về Trạm Tấu bán, chắc chắn sẽ có người mua gom. Mỗi chuyến lãi từ 4 đến 500.000 đồng.

 Anh Lò Văn Hưởng khẳng định, ở Trạm Tấu có hàng trăm người làm nghề chở gỗ (Ảnh cắt từ clip)
Anh Lò Văn Hưởng khẳng định, ở Trạm Tấu có hàng trăm người làm nghề chở gỗ (Ảnh cắt từ clip)

“Gỗ mình mua được từ Tà Ghênh thì mang xuống thị trấn Trạm Tấu bán lại. Trừ tiền gốc trả họ thì tiền lãi là của mình. Trừ tiếp các chi phí (chủ yếu là tiền sửa xe) thì còn khoảng 200.000 – 300.000 đồng mỗi chuyến”, anh Hưởng cho biết.

Ở thị trấn Trạm Tấu, tất cả số gỗ từ Tà Ghênh sẽ được bán về cho các đầu mối khét tiếng như: ông C., ông H., ông D., bà O. hay bà N… Mặc dù nhiều chủ nhưng theo anh Hưởng, phần lớn số pơ mu quý hiếm này sau đó đều được đưa về xưởng gỗ T.H. dưới thị xã Nghĩa Lộ.

Những ghi chép ở Tà Ghênh

Ở Tà Ghênh, thời gian nhộn nhịp nhất trong ngày có lẽ là lúc chạng vạng tối. Lúc này, từng tốp người từ rừng ra mang theo gỗ, bao gồm cả người vác, ngựa thồ và xe máy chở…

Một lái xe chở gỗ khác là anh Lò Văn Khểnh cũng kể tôi nghe những câu chuyện tương tự. Tóm lại ở khu vực này, những “ông chủ” sẽ không bao giờ ra mặt để tổ chức thành một đường dây phá rừng như những nơi khác mà chủ yếu cung cấp tài chính, máy móc cho dân bản tự hoạt động. Sau đó tất nhiên, gỗ vẫn sẽ gom về một vài mốt lớn.

 Một chiếc ô tô chở gỗ chạy từ Trạm Tấu về Nghĩa Lộ (Ảnh cắt từ clip)
Một chiếc ô tô chở gỗ chạy từ Trạm Tấu về Nghĩa Lộ (Ảnh cắt từ clip)

Khi được hỏi có bao giờ bị bắt gỗ không, anh Khểnh thực thà cho biết là nếu bị bắt thì lại được chủ gỗ mang tiền lên bù, nhưng rất hiếm xảy ra vì khi có “động” sẽ được thông báo trước. Cũng theo lời người đàn ông này, hiện tại rừng Yên Bái đã bắt đầu khan hiếm gỗ lớn. Do đó, dân bản Tà Ghênh phải đi xa hơn, có khi còn phải sang cả rừng Bắc Yên (Sơn La) để xẻ gỗ.

Tại đây, việc mua bán gỗ gỗ pơ mu diễn ra rất công khai và đơn giản. Trẻ con và người già thì lên những khu rừng gần hơn để tận thu các đầu mẩu và những cành ngọn có đường kính khoảng từ 20 đến 40 cm do trước đây đã khai thác còn tồn lại.

Một người khoảng 40 tuổi, có tên là Phàng A Sáo cho biết, gỗ kiểu này sẽ bán theo cân với giá bán là 1.000 đồng/1kg. Còn đối với thanh niên – những người có sức khoẻ thì thường đi xa hơn vào tận trong những khu rừng già để khai thác và vận chuyển thuê những phách gỗ lớn có giá trị cao hơn nhiều.

Nghề sửa xe làm ở Trạm Tấu làm ăn rất phát đạt vì chủ yếu sửa cho cánh "phu" chở gỗ
Nghề sửa xe làm ở Trạm Tấu làm ăn rất phát đạt vì chủ yếu sửa cho cánh “phu” chở gỗ

Bên cạnh đó, theo quan sát của PV, việc chở gỗ phục vụ các “ông chủ” dưới núi ở khu vực này phổ biến đến nỗi dịch vụ sửa xe làm ăn rất phát đạt. Nắm bắt được nhu cầu thực tế, nhiều người ở tận nơi xa cũng đến đây để mở cửa hàng sửa xe.

“Mỗi ngày có đến hàng chục chiếc xe của dân chở gỗ xếp hàng để được sửa xe, những người thợ nơi đây làm mãi không ngơi việc. Xe nào tốt lắm thì 3 ngày cũng phải sửa một lần, còn không trung bình ngày nào cũng sửa”, một người thợ tiết lộ.

Liên quan đến thực trạng nhức nhối này, trả lời PV Báo Lao Động, ông Vũ Trọng Huân – Hạt phó Hạt kiểm lâm Trạm Tấu tỏ ra băn khoăn rồi cho biết, khoảng thời gian từ Tết 2016 đổ về trước thì đúng là có hiện tượng này, tuy nhiên cách đây khoảng 1 – 2 tháng đã giảm bớt nhiều bởi Hạt đã triển khai cho lực lượng chốt đêm để kiểm tra.

Ông Huân thừa nhận, gỗ của “lâm tặc” chỉ có 1 con đường độc đạo về Nghĩa Lộ như PV đã miêu tả nhưng nói khó kiểm soát, mặc dù hạt của ông có tới 3 trạm thành viên, bởi: “Ở trạm km14 có 6-7 anh em. khi vẫy xe có thể xe nó dừng hoặc không dừng vì bọn tôi không có phương tiện ở đấy và cũng không có thông tin chắc chắn. Không phải đơn giản đâu” (?!).

281016-pharung6
Trạm kiểm lâm km14 nằm trên cung đường độc đạo nối Trạm Tấu với Nghĩa Lộ luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, kể cả vào ban ngày.

Vị Hạt phó kiểm lâm cũng cho biết thêm, từ trên bản Mù về Trạm Tấu tuy không có trạm kiểm lâm, nhưng có những anh em phụ trách trên đấy và thời gian qua cũng đã bắt được “một vài xe gỗ”. “Tôi cũng họp và quán triệt anh em nếu để say ra tình trạng như trước thì chúng tôi kiên quyết xử lý”, ông Huân tuyên bố.

Còn ông Nguyễn Văn Xa – Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu thì cho rằng: “Các trạm kiểm lâm trên địa bàn chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy, quản lý xã. Trước đây mình làm chặt không thấy họ vận chuyển, giờ tôi đang cho anh em họp, tăng cường quản lý chắc là họ im thôi”.

Ông Xa cũng lập tức “đẩy” trách nhiệm cho địa phương bên cạnh bằng cách khẳng định rằng ở Trạm Tấu không còn pơ mu, số lượng gỗ PV nghi nhận được là do người dân chặt ở bên Sơn La và vận chuyển qua địa phương.

(Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)