Xâm nhập vùng gỗ nghiến cổ thụ bị lâm tặc “xẻ thịt” ở tỉnh Hà Giang

ThienNhien.Net – Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng, nhưng liên tiếp những tháng gần đây, rừng đặc dụng Phong Quang trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn đang ngày đêm bị “đội quân lâm tặc” vào chặt phá, băm nát từng cây nghiến cổ thụ rồi vận chuyển theo đường mòn, đưa qua biên giới tiêu thụ.

Điều đáng nói là, mặc dù đơn vị bảo tồn và cơ quan chức năng địa phương nắm rất rõ tình trạng lâm tặc lộng hành, nhưng vẫn không thể xử lý triệt để. Thậm chí, gần đây, một số nơi còn tiếp tục trở thành “điểm nóng” khi lâm tặc chặt phá rầm rộ và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng rơi vào bế tắc.

Lý giải thực trạng nêu trên, ông Đặng Văn Công, cán bộ pháp chế Hạt kiểm lâm Phong Quang cho biết, sở dĩ quá trình đấu tranh phòng chống khai thác rừng trái phép tại khu rừng đặc dung Phong Quang gặp quá nhiều khó khăn là do địa hình phức tạp, độc đường núi đá. Muốn vào rừng chỉ có một đường mòn duy nhất bắt qua núi đá, trong khi các đối tượng theo dõi rất kỹ.

Lâm tặc xẻ gỗ nghiến thành dạng thớt tuồn bán sang bên kia biên giới Trung Quốc (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Lâm tặc xẻ gỗ nghiến thành dạng thớt tuồn bán sang bên kia biên giới Trung Quốc (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Ông Công cũng khẳng định, thời gian qua, ngành kiểm lâm cũng đã làm hết các công tác tuyên truyền và ký cam kết với từng hộ dân, nhưng nhiều cây gỗ nghiến cổ thị trong rừng vẫn bị “khai tử.” Nguyên nhân là do xuất hiện cưa xăng, đây được coi là một công cụ phá rừng không thể thiếu của lâm tặc.

“Hiện nay cưa xăng là tài sản riêng của dân nên không thể bắt người dân mang về được, chỉ cách có vận động, nhưng vận động được một thời gian rồi người dân lại không nộp nữa. Còn việc tổ chức mật phục để bắt thì gặp rất nhiều khó khăn, đến giờ phút này thì quá khó, không thể bắt hết được tận gốc,” ông Công nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý, kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâmrừng đặc dụng Phong Quang, cho biết: Lý do công tác bảo vệ rừng ở đây “chưa được như ý muốn” là do diện tích rừng rộng, lực lượng mỏng, địa hình hiểm trở. Đặc biệt, do rừng nằm ở vị trí giáp biên giới với Trung Quốc, thuận lợi cho việc tiêu thụ lâm sản trái phép nên rất khó kiểm soát.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang cũng khẳng định, tình trạng khai thác nghiến trái phép ở đây xuất hiện chủ yếu về ban đêm, không có ban ngày. Về đêm, công tác truy quét gặp rất nhiều khó khăn vì không thể đi mà không bật đèn được, còn bật đèn thì bị các đối tượng phát hiện ra.

“Rừng chúng tôi quản lý gặp thêm khó khăn nữa là không thể giáp mặt các đối tượng được, nếu giáp mặt thì sẽ nhận ra mặt, nên các đối tượng chỉ nấp ở những hang đá để ném đá cơ quan chức năng. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đổ máu để giữ rừng…”, ông Hưng nói.