ĐBSCL sẽ… thiếu nước

ThienNhien.Net – Ngày 26/9 tại Cà Mau, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, BCĐ Tây Nam bộ Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị chuyên đề thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL. Hội nghị đưa ra một dự báo không vui, mùa khô năm nay dù không khốc liệt bằng năm 2015 nhưng khả năng “tàn phá” của nó không thua kém gì năm vừa qua.

Thiệt hại đã rõ ràng

Báo cáo của Bộ NNPTNT đưa ra con số rất cụ thể, thiệt hại do ảnh hưởng xâm ngập mặn và khô hạn nùa khô năm 2015 -2016 tại các tỉnh ĐBSCL lên đến gần 8.000 tỉ đồng. Đó là những thiệt hại được tính bằng tiền. có đến 11/13 tỉnh ĐBSCL công bố mức độ thiên tai do hạn hán xâm nhập mặn. Riêng tại Cà Mau thiệt hại trên 51.000 ha lúa, 15.000 ha hoa màu cây ăn trái trên 158.000 ha thủy sản tổng số hộ dân ảnh hưởng lên đến 162.000.

Ấy vậy mà theo Tổng cục Thủy – Bộ NNPTNT, tình hình lũ năm nay phụ thuộc rất nhiều vào hạ tầng của các nước thượng nguồn sông Mekong, khả năng có sự thay đổi về lũ tại ĐBSCL.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên Môi trường đem đến hội nghị những công bố mới nhất về kịch bản biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Dù có thay đổi về mức độ “nhấn chìm”, thay vì Cà Mau thì Kiên Giang và Hậu Giang mới chịu thiệt hại nặng nề nhất, nhưng những kết quả quang trắc về môi trường, thời tiết cho thấy ĐBSCL khó có thể trở lại thời “hoàn kim” của hai mùa mưa nắng; hàng năm có một màu…lũ đẹp.

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng diễn biến mặn trong khu vực ĐBSCL khá phức tạp. Độ mặn ảnh hưởng của thủy truyền biển Đông và biển Tây. Ngoài ra, do lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông MeKong đổ về ít cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến xâm nhập mặn ĐBSCL.

Yếu tố khí hậu, môi trường với diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng đến đời sống và hoạch định cho phát triển của ĐBSCL. Khả năng sạt lở bờ biển, bờ sông do BĐKH, thay đổi dòng chảy và tình trạng khai thác cát quá mức tại các dòng sông cùng góp phần làm cho môi trường ĐBSCL thêm trầm trọng.

ĐBSCL sẽ… thiếu nước

Đó không phải là chuyện khôi hài giữa vùng sông nước Miền tây mà bằng những luận chứng khoa học đã đươch nghiên cứu và tại hội nghị này, Tổng cục thủy lợi Miền nam đã cảnh báo, người dân taij một số nơi bị xâm nhập mặn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Cơ quan này đề nghị giải pháp cho mùa khô năm 2016 -2017 này TƯ cần hỗ trợ trên 240 tỉ đồng để hỗ trợ nước ngọt cho các địa phương; trong khi đó các địa phương cần có phương án tích trữ nước ngọt, hỗ trợ mua dụng cụ trữ nước để người dân sinh hoạt.

Chuyên gia nguyên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện khuyến cáo, ngay từ bây giờ cần tính đến phương án trữ lũ tại vùng Đồng Tháp mười, Tứ giác Long Xuyên cho việc sử dụng hợp lý nguồn nước. Thay vì xả lũ trước đây, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cần tính toán đến chuyện tích nước, “ nhốt lũ” để sử dụng nguồn nước này.

TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng cần phải xem xét lại những quy hoạch sử dụng nguồn nước tránh chồng chéo; hài hòa quản lý nước.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Huy Ngọ cho rằng 30 năm qua chính chuyện kiểm soát lũ, sống chung với lũ đã thay đổi diện mạo, đời sống của người dân ĐBSCL. Hiện nay biến đổi khí hậu, thì cần tiếp theo giai đoạn của chương trình sống chung với lũ trong điều kiện BĐKH.

Phát biểu tại hội nghị Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến ĐBSCL là rất rõ ràng. Vấn đề là các Bộ, ngành, địa phương cần nhìn nhận một cách cụ thể, tính toán cụ thể. Xâm nhập mặn vừa là thách thức vừa là cơ hội. Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ NNPTNT cần thông báo kịp thời diễn biến của thời tiết. Về lâu dài các Bộ, ngành cùng với địa phương nghiêm cứu thích ứng các loại cây trồng, vật nuôi, quy hoạch thủy lợi, sử dụng hợp lý nguồn nước từng tiểu vùng cụ thể sao cho hợp lý, hiệu quả nhất.