Nguyên nhân lũ lụt kinh hoàng 500 năm mới có 1 lần ở Mỹ, Canada

Lũ lụt 500 năm mới có một lần và lở đất đã tàn phá phía Tây Canada và Mỹ, vài tháng sau khi khu vực này hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục.

Điều gì đang xảy ra?

Tờ The Guardian cho hay, một cơn bão đã đổ lượng mưa lớn kỷ lục xuống các vùng đầm lầy của tỉnh British Columbia ở Canada và bang Washington ở Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến 15.11.

Hàng nghìn người buộc phải rời bỏ nhà cửa, những người khác bị mắc kẹt trên những con đường bị cắt, và một số thị trấn bị cắt điện hoàn toàn. Bùn đất và lở đất đã phá hủy nhiều đường cao tốc chính. Thủ hiến British Columbia ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 17.11 và triển khai quân đội để cứu giúp những người còn mắc kẹt.

Nước lũ và lở đất phá hủy đường sá, cầu cống và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác ở British Columbia, Canada. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải và Cơ sở hạ tầng British Columbia

Cảng Vancouver, cảng lớn nhất ở Canada, buộc phải đình chỉ tất cả các tuyến đường, và bản thân thành phố này đã bị cắt đứt với phần còn lại của Canada. Ít nhất một người đã được xác nhận đã chết và những người khác đang mất tích.

Tại thị trấn Abbotsford, những người nông dân đã phớt lờ lệnh sơ tán và cố gắng cứu vật nuôi khỏi vùng nước dâng trong tuyệt vọng, nhiều người buộc dây thừng quanh cổ bò và kéo chúng lên vùng đất cao hơn.

Cảnh quay trên không cho thấy một đoạn của đường cao tốc Coquihalla ở British Columbia bị sập xuống con sông liền kề sau những trận mưa xối xả ở miền tây Canada. (Ảnh: AFP)

Tại sao lũ lụt lại tồi tệ như vậy?

Khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đã hứng chịu đợt mưa bão lớn bất thường – điều mà một nhà khí tượng học gọi là “cuộc diễu hành của các cơn bão” – kể từ tháng 9. Chỉ trong ba ngày từ 13-15.11, lượng mưa trút xuống Bellingham, bang Washington nhiều hơn lượng mưa cả tháng ở khu vực này.

Lượng mưa lớn được cho là có liên quan đến hiện tượng “dòng sông khí quyển” (atmospheric river) – một hành lang hẹp có độ độ ẩm cao trong khí quyển. Nhà khoa học về bão Jeff Masters mô tả hiện tượng này giống như “một dòng sông trên bầu trời hoạt động giống như đường ống vận chuyển lượng lớn hơi nước ra khỏi vùng nhiệt đới”.

Ngập lụt ở Sedro-Woolley, bang Washington, Mỹ vào ngày 17.11. Ảnh: AFP

Tình trạng ngập lụt trở nên trầm trọng hơn do khai thác rừng, vì ảnh hưởng đến độ dốc, tốc độ nước hấp thụ vào lòng đất và khả năng giữ đất trong hệ thống rễ. Không có cây cối, mưa lớn có thể cuốn trôi một lượng lớn phù sa vào các hệ thống nước gần đó, gây tắc nghẽn các con lạch và suối, khiến nước nhanh chóng tràn vào.

Nguy cơ sạt lở đất cũng tăng cao do cháy rừng ở khu vực này trong mùa hè vừa qua. “Có mối liên hệ rất rõ ràng giữa cháy rừng và nguy cơ lở đất. Nếu nhiều cây cối, cỏ và cây bụi bị cháy sẽ có ít sinh vật sống hơn để chặn nước. Nước sẽ chảy trực tiếp ra khỏi các khu rừng. Và hỏa hoạn có thể làm cho đất kị nước nên lượng nước chảy ra càng nhiều hơn” – Thomas Martin, một nhân viên kiểm lâm ở tỉnh British Columbia cho hay.

Ngập lụt ở Sedro-Woolley, bang Washington, Mỹ vào ngày 17.11. Ảnh: AFP

Lũ lụt và sạt lở đất ở Canada. Ảnh: AFP

 Điều gì đã xảy ra trong khu vực này vào mùa hè?

Mưa bão đổ bộ vào cùng một khu vực mà năm tháng trước đã hứng chịu một đợt nắng nóng khắc nghiệt, gây ra những đám cháy rừng hủy diệt. Vào tháng 6, thị trấn miền núi nhỏ Lytton đã ghi nhận nhiệt độ 49,6 độ, phá kỷ lục nhiệt quốc gia của Canada.

Các trạm cảnh sát và bệnh viện báo cáo số người chết vì nắng nóng tăng vọt – 486 người ở British Columbia và hàng chục người khác ở phía nam biên giới. Những con đường nhựa bị biến dạng do nắng nóng. Ít nhất một thành phố bị cắt điện.

Thời tiết khắc nghiệt là do hiện tượng “vòm nhiệt” mở rộng ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Mặc dù không phải là một thuật ngữ chính thức, “vòm nhiệt” được tạo ra khi áp suất cao trong bầu khí quyển hoạt động như một loại nắp, ngăn không khí nóng thoát ra ngoài. Kết hợp với nhiệt độ cao, điều này làm cho không khí nóng chìm xuống bề mặt, gây ra hiện tượng nóng lên, khí càng nén mạnh thì nhiệt độ càng tăng.

Mối liên hệ với cuộc khủng hoảng khí hậu

Các nhà khoa học sau khi phân tích đợt nắng nóng trong khu vực đã phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra có nguy cơ khiến thời tiết khắc nghiệt xảy ra cao hơn ít nhất 150 lần. Đề cập đến cả đợt nắng nóng và các cơn bão, Joe Boomgard-Zagrodnik, nhà khí tượng học nông nghiệp tại Đại học Bang Washington, nói với NBC: “Khu vực này rất nóng, khô vào mùa hè, và công tắc này bị đảo lộn. Điều đó chắc chắn phù hợp với những gì mà các dự đoán về mô hình khí hậu ở khu vực này trong tương lai: Mùa hè nóng hơn, khô hơn và mùa đông ẩm ướt hơn”.

Nước lũ từ sông Skagit làm ngập vùng đất nông nghiệp bên ngoài Burlington, bang Washington, Mỹ, vào ngày 17.11.2021. Ảnh: AFP

Khi khí hậu ấm lên, các nhà khoa học dự đoán rằng các “dòng sông khí quyển” sẽ hình thành liên tiếp và nhanh hơn, phát triển dữ dội hơn, trở nên dài hơn, ẩm ướt hơn và rộng hơn. Theo Cơ quan Môi trường Canada, đã có 5 “dòng sông khí quyển” trong mùa này và điều này là rất bất thường.

Theo các nhà nghiên cứu, các vụ cháy rừng vào mùa hè làm trầm trọng thêm lũ lụt vào mùa đông là một ví dụ về thảm họa khí hậu hỗn hợp.