Tái tạo nguồn lợi thủy sản sau sự cố biển miền Trung

ThienNhien.Net – Sự cố môi trường do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã làm cho hệ sinh thái vùng biển miền Trung bị phá hủy nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần có những giải pháp bảo vệ nguồn lợi biển, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội và chính sách hỗ trợ các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Đây là nhận định của Tiến sĩ Lê Thanh Lựu – Giám Đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS).

Tương lai của những ngư dân ven biển miền Trung biết đi về đâu (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Tương lai của những ngư dân ven biển miền Trung biết đi về đâu (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Những giải pháp cần thực hiện

Tiến sĩ Lê Thanh Lựu cho rằng ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh Miền Trung đã làm suy thoái nguồn lợi thủy sản. Để tái tạo, trước tiên các nguồn gây ô nhiễm phải được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, giám sát thường xuyên môi trường nước biển đối với các chỉ số như xyanua, phenol, sắt…; nghiên cứu khu hệ động, thực vật ở vùng biển 4 tỉnh trên. Lựa chọn một số loài quan trọng (cá, giáp xác, nhuyễn thể, san hô), nghiên cứu kỹ thuật tái tạo nhân giống các loài đó và thả vào môi trường tự nhiên.

Hiện nay, vùng biển Miền Trung có 2 hệ sinh thái rất quan trọng là hệ đầm phá và hệ sinh cảnh san hô, tập trung các nguồn giống thủy sinh vật, nên cần xây dựng các vùng san hô nhân tạo để thu hút các loài cá, tôm và sinh vật khác. Tại các đầm phá, tăng cường trồng rừng ngập mặn ven biển để bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các bãi sinh sản. Đồng thời duy trì, phát triển các hình thức nuôi hữu cơ (nuôi sinh thái), nuôi quảng canh cải tiến ở các vùng bãi bồi, đầm phá, rừng ngập mặn nhằm tạo sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản.

Kéo thuyền vào bãi sau một ngày đánh bắt ngoài khơi (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Kéo thuyền vào bãi sau một ngày đánh bắt ngoài khơi (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Mặt khác, cần xây dựng, phát triển các Khu bảo tồn biển, mô hình đồng quản lý nghề cá, quản lý dựa vào cộng đồng để bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. Có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn biển, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân, đặc biệt là ngư dân sống chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lợi tự nhiên của khu vực biển 4 tỉnh Miền Trung. Đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư để phục vụ có hiệu quả hoạt động thủy sản, tiếp tục thực hiện các đề án, dự án bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản phục vụ phát triển nghề cá bền vững. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn tài trợ về tài chính và kỹ thuật để điều tra, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, để học hỏi kinh nghiệm quản lý, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản của các nước.

Trên thế giới có một số mô hình về bảo vệ cũng như tái tạo nguồn lợi tự nhiên có thể nghiên cứu và áp dụng vào Việt Nam. Đó là mô hình đồng quản lý nghề cá ở Nhật Bản là một trong những mô hình thành công nhất trên thế giới, được thực hiện vào năm 1901. Theo đó, toàn bộ vùng biển ven bờ được phân khu và giao quyền sử dụng cho các tổ chức cộng đồng ngư dân hoặc các Hợp tác xã (HTX). Các ngư dân họp bàn xây dựng nội quy đánh bắt trong vùng, trong đó quy định về kích cỡ loài khai thác, sản lượng, ngư cụ khai thác nhằm duy trì sản lượng và có khả năng tái tạo nguồn lợi. Hàng năm, các ngư dân có kế hoạch cụ thể để thả các con giống về tự nhiên…

Về tài chính, Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi cho các tổ chức cộng đồng ngư dân hoặc các HTX như chợ đấu giá, cầu lên cá, kho lạnh…Các tổ chức ngư dân hay HTX chủ động thực hiện thuê các Viện nghiên cứu để sản xuất giống tái tạo vào tự nhiên và nuôi trồng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, khoanh vùng bảo vệ; xác định sản lượng đánh bắt từng thời kỳ đối với một số loài nhất định.

Ở Việt Nam, các mô hình đồng quản lý đã được các dự án ODA hỗ trợ đưa vào thử nghiệm trong ngành thủy sản bước đầu đã đạt những kết quả nhất định. Tiêu biểu là một số mô hình đồng quản lý nghề cá ở Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế), Bình Đại (Bến Tre), Buôn Triết (Đắc Lắc)… Trong thời gian tới, nên triển khai các mô hình này tại các tỉnh Miền Trung để công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản được thực hiện hiệu quả.

Vận dụng chính sách của Nhà nước

Tiến sĩ Lê Thanh Lựu cho biết: Các văn bản, chính sách Nhà nước ban hành làm cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, có thể kể đến Luật Thủy sản năm 2003 có hiệu lực ngày 1/7/2004. Điều 8 của Luật Thủy sản đã quy định rõ, Nhà nước có chính sách bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản đang có nguy cơ tuyệt chủng, loài quý hiếm, loài có giá trị kinh tế cao và ý nghĩa khoa học; khuyến khích nghiên cứu khoa học để có các biện pháp phù hợp, đầu tư sản xuất giống thủy sản để thả vào môi trường sống tự nhiên và tạo ra các vùng cư trú nhân tạo nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Nhằm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngày 13/10/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1479 phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020. Với mục tiêu từng bước hình thành hệ thống các khu bảo tồn nhằm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi, bảo đảm cân bằng sinh thái, giữ gìn đa dạng sinh học các vùng nước nội địa ở mức độ cao; giám sát, kiểm soát các biến động về đa dạng sinh học, hệ sinh thái, các loài thủy sinh quý hiếm tại từng khu bảo tồn, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài ra, Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 188 ngày 13/2/2012. Mục tiêu của Chương trình nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển Việt Nam. Đến năm 2020, cơ bản phục hồi nguồn lợi hải sản vùng ven bờ, đặc biệt là một số loài hải sản làm nguyên liệu chế biến cho các sản phẩm thủy sản gắn với làng nghề truyền thống có thương hiệu tại Việt Nam.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1445 ngày 16/8/2013 cũng nêu rõ, phát triển thủy sản theo các vùng sinh thái. Cụ thể phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ khu vực cửa sông, ven biển, đầm phá (các loài tôm sú, tôm chân trắng, tôm hùm, nhuyễn thể, cá cảnh biển, các loài hải đặc sản, rong biển…) theo phương thức thâm canh và bán thâm canh. Phát triển nuôi trồng các loài cá biển, rong biển… tại các vùng khu vực quanh các đảo, quần đảo.

Đồng thời hình thành 6 Trung tâm nghề cá lớn, trong đó 5 Trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm là Trung tâm nghề cá Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ; Trung tâm nghề cá Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa; Trung tâm nghề cá Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa; Trung tâm nghề cá Bà Rịa – Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam Bộ; Trung tâm nghề cá Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam Bộ; Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành và đặc biệt là 4 tỉnh ở Miền Trung có thể vận dụng vào thực tế hiện nay, để nhanh chóng tái tạo nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra.