5 lưu vực sông bị ô nhiễm nghiêm trọng

ThienNhien.Net – Qua kết quả điều tra, phân tích và đánh giá của Cục Quản lý tài nguyên nước, có 5/16 lưu vực sông ở nước ta xếp vào loại kém nhất (bị ô nhiễm nghiêm trọng, có mầu đỏ), 5 lưu vực sông loại khá vì có mầu xanh, còn lại là trung bình có mầu trắng. Điều quan trọng là chất lượng nước ở các lưu vực sông đang bị suy thoái và trở nên nghiêm trọng ở một số điểm.

Các lưu vực sông bị ô nhiễm nghiêm trọng xếp theo thứ tự là lưu vực sông đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng – sông Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Vu Gia – Thu Bồn và lưu vực sông Cả. Các lưu vực sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, có nhiều điểm nóng là sông Đồng Nai -Thị Vải, sông Trà Khúc, sông Hồng (có cả sông Cầu, sông Nhuệ – sông Đáy).

Đối với lưu vực sông ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước quốc tế (95%) nhưng lại sử dụng nước nhiều nhất, tỷ lệ trữ nước nhỏ nhất (gần như không có), mật độ dân số cao nhất, số hộ nghèo cao thứ hai trong cả nước. Do vậy, điều kiện vệ sinh đô thị kém, giá trị sử dụng nước tưới thấp. Ở nơi đây độ che phủ rừng thấp nhất và ô nhiễm, xâm nhập mặn lại ở mức cao dẫn đến suy giảm nguồn nước dưới đất.

Đối với lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình phụ thuộc đến 40% lượng nước từ Trung Quốc chảy về, lượng nước bình quân đầu người thấp, mật độ dân số và số hộ nghèo cũng cao cho nên ô nhiễm nguồn nước cao, nước dưới đất ở hạ lưu suy giảm. Lưu vực sông Đồng Nai tập trung chủ yếu vào tài nguyên nước và môi trường (lượng nước/đầu người thấp, sử dụng nhiều). Đặc biệt, nước ở sông Đồng Nai lưu chuyển mạnh đến các nơi khác, trong khi đó độ che phủ rừng và dòng chảy tự nhiên ở đây cũng thấp, mức độ ô nhiễm rất cao.

Về mùa khô thường khan hiếm nước và có nguy cơ đe dọa đến điều kiện sống, nước dưới đất vùng hạ lưu cũng bị suy giảm. Nguồn nước ở lưu sông Cả cũng phụ thuộc vào nguồn nước quốc tế, tỷ lệ người nghèo cao, điều kiện cấp nước đô thị, giá trị sử dụng nước công nghiệp và độ che phủ rừng thấp. Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn lượng nước sử dụng tính trên đầu người cao, thường xảy ra thiên tai, giá trị sử dụng nước trong nông nghiệp thấp, thường có nguy cơ thiếu nước vào mùa khô.

Để khắc phục ô nhiễm môi trường ở các lưu vực sông này, Cục Quản lý tài nguyên nước đã đưa ra các giải pháp chính như: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của mọi người về các chủ trương, chính sách và pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái thủy sinh; Xây dựng cơ chế thích hợp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoặc hỗ trợ đắc lực cho việc bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái thủy sinh; Đưa nội dung giáo dục bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái thủy sinh vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân./.