Hải quan lên tiếng về chênh lệch số liệu xuất khẩu khoáng sản

ThienNhien.Net – Sự chênh lệch về số liệu xuất khẩu khoáng sản lên đến 5 tỷ USD vào Trung Quốc mỗi năm là không có, đó là khẳng định của lãnh đạo Cục CNTT và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) khi trao đổi với Báo Hải quan ngày 3/8.

Công chức Hải quan Quảng Ninh phối hợp kiểm tra hoạt động xuất khẩu than (Ảnh: Thu Trang)
Công chức Hải quan Quảng Ninh phối hợp kiểm tra hoạt động xuất khẩu than (Ảnh: Thu Trang)

Kim ngạch chỉ vài trăm triệu USD

Theo Cục CNTT và Thống kê Hải quan các mặt hàng khoáng sản (than, quặng, khoáng sản) xuất khẩu có mã HS thuộc các Chương 25, 26 và từ nhóm 2701 đến 2704 của Chương 27.

Tuy nhiên, các mặt hàng này xuất khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc chỉ có trị giá kim ngạch vài trăm triệu USD/năm. Lãnh đạo Cục CNTT và Thống kê Hải quan dẫn chứng từ con số thống kê của Hải quan Việt Nam và nguồn dữ liệu “Cơ sở dữ liệu thương mại của cơ quan thống kê Liên hợp quốc (UNCOMTRADE)” khẳng định. Đáng chú ý, số liệu thống kê của UNCOMTRADE do chính Hải quan Trung Quốc báo cáo.

Theo đó, năm 2015, Hải quan Việt Nam thống kê xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc là 120 triệu USD và số liệu thống kê của Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam là 253 triệu USD, chênh lệch 133 triệu USD. Năm 2014 Việt Nam thống kê xuất khẩu khoáng sản sang trung Quốc 394 triệu USD và Trung Quốc thống kê nhập khẩu từ Việt Nam 781 triệu USD, chênh lệch 386 triệu USD.

Như vậy, số liệu cả phía Việt Nam và Trung Quốc cho thấy trị giá kim ngạch xuất khẩu khoáng sản từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ dừng ở mức vài trăm triệu USD/năm, dù có sự chênh lệch nhưng không lên đến hàng tỷ USD/năm như thông tin được đăng tải của một số cơ quan báo chí gần đây.

Vì sao chênh lệch?

Lý giải về sự chênh lệch về số liệu thống kê giữa Việt Nam và Trung Quốc, đại diện Cục CNTT và Thống kê Hải quan cho biết, đây là hiện tượng phổ biến trên thế giới trong hoạt động thống kê song phương giữa 2 nước. 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này do phương pháp luận thông kê và vấn nạn buôn lậu.

Trong đó, đáng chú ý trị giá hàng hóa thống kê của nước xuất khẩu thường căn cứ vào giá FOB (không có chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hoá) trong khi nước nhập khẩu căn cứ giá CIF (bao gồm cả chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hóa). Như vậy, có thể thấy theo cách thống kê này trị giá của nước xuất khẩu sẽ thấp hơn ở nước nhập khẩu.

Ngoài ra, vấn nạn buôn lậu cũng làm ảnh hưởng đến thống kê trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu. Thực tế ở Việt Nam và khu vực biên giới với Trung Quốc nói riêng (cả trên bộ, trên biển) tình hình buôn lậu luôn diễn biến phức tạp, bao gồm cả buôn lậu khoáng sản. Thời gian qua, Hải quan Việt Nam và lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, trong đó có các vụ xuất lậu than.

Đơn cử như tại Quảng Ninh- địa bàn nóng về vấn nạn buôn lậu than, trong 6 tháng đầu năm 2016, địa phương này đã bắt giữ, xử lý 77 (khởi tố 2 vụ, 15 đối tượng); tịch thu 6.519,1 tấn than các loại.

Liên quan đến thông tin một số cơ quan báo chí đăng tải “Xuất khẩu khoáng sản đến 5 tỷ USD mà Hải quan không biết” dẫn nguồn phát biểu của TS. Lê Đăng Doanh tại  hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản, các bất cập và khuyến nghị” tổ chức ngày 29-7, tại Hà Nội, lãnh đạo Cục CNTT và Thống kê Hải quan cho biết, sau khi có thông tin, đơn vị đã liên hệ với TS Lê Đăng Doanh để trao đổi về thông tin này. Theo tài liệu được TS Lê Đăng Doanh chuyển cho Cục CNTT và Thống kê Hải quan, bài phát biểu của ông tại Hội thảo này không có chi tiết nào đề cập đến việc “xuất khẩu khoáng sản 5 tỷ USD/năm mà hải quan không biết”.

“Cục CNTT và Thống kê Hải quan sẽ tiếp tục liên hệ với cá nhân, tổ chức liên quan để xác minh, làm rõ thông tin”- đại diện Cục CNTT và Thống kê Hải quan cho biết thêm.

Về thực hiện nhiệm vụ thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu, Cục CNTT và Thống kê Hải quan thực hiện đúng các quy định hiện hành và công bố công khai theo định kỳ 2 lần/tháng (15 ngày một lần).