Cần chấm dứt cuộc chiến giữa con người với thế giới vi sinh

Vi sinh vật là các loài sinh vật có kích thước rất nhỏ như vi khuẩn, virus, vi nấm, vi tảo… ta không thấy được chúng bằng mắt  thường mà phải dùng kính hiển vi để quan sát.

Kiểm nghiệm vi sinh vật.

Vi sinh vật có ở khắp nơi trên thế giới. Chúng sống trong đất, nước, không khí, trên núi cao, trong rừng sâu… trong và trên cơ thể của con người, tạo nên một môi trường sinh thái liên kết cả bên trong lẫn  bên ngoài tất cả loài thực vật, động vật. So sánh về mặt sinh khối thì sinh khối của toàn bộ giới vi sinh vật trên trái đất bằng sinh khối của toàn bộ động, thực vật trên thế giới cộng lại. Số lượng của chúng đông đảo như thế có thể bắt nguồn từ vai trò và chức năng quan trọng của chúng trong quá trình phát triển của sinh giới mà mẹ thiên nhiên quy định cho tế bào đầu tiên của sự sống. Một là, đảm bảo sự tương thích giữa  hệ vi sinh vật bên trong  với hệ vi sinh vật bên ngoài cơ thể của động, thực vật làm cho động, thực vật có thể tồn tại được trong môi trường đất, nước, không khí trên trái đất. Mà nếu không có sự tương thích đó thì khó có một cơ thể sinh học nào có thể tồn tại và phát triển bền vững được. Hai là, động, thực vật nào muốn sống và phát triển được thì đều phải thu nhận thức ăn từ bên ngoài vào cơ thể. Thực vật thì thông qua bộ rễ, động vật phải nhai rồi qua miệng, đưa xuống dạ dày, ruột, Nhưng tất cả loại thức ăn đó chỉ có thể được tiếp nhận thông qua hệ thống vi sinh bên trong để chuyển hóa thành các loại dinh dưỡng phù hợp với cơ thể.

Vi khuẩn và virus

Vi khuẩn là tế bào đầu tiên của sự sống trên Trái đất, xuất hiện cách đây 3,5 tỉ năm, sau Trái đất chừng khoảng 1 tỉ năm. Sự tiến hóa của vi khuẩn đã hình thành nên toàn bộ sinh giới như chúng ta  đã biết ngày  nay, cho nên vi khuẩn được ví như viên gạch xây lên lâu đài của sự sống trên Trái đất.

Trong  con người có hơn 40.000 tỉ tế bào vi khuẩn chiếm hơn 60% tổng số tế bào của cơ thể. Và không phải ngẫu nhiên mà  2/3 số lượng vi khuẩn đó (khoảng 2kg) cùng  80% số lượng tế bào miễn dịch trong cơ thể đều tập trung trong hệ thống tiêu hóa. Nhiệm vụ chủ yếu của chúng là lên men, khử độc tố và chuyển hóa thức ăn thành dạng năng lượng phù hợp và an toàn cho cơ thể.

Trẻ con còn trong bụng mẹ chưa có vi khuẩn. Vi khuẩn chỉ được nạp vào cơ thể đứa trẻ sau sinh và mãi cho đến năm 12 tuổi thì chủng loại và số lượng vi khuẩn về cơ bản mới được nạp xong và đạt ở mức như người trưởng thành. Điều quan trọng là sau sinh, trẻ rất cần được bú sữa mẹ vì trong sữa mẹ có tới 700 loại vi khuẩn. Tự bản thân, không có vi khuẩn nào tốt hoặc xấu, bởi vì bất kỳ vi khuẩn nào được tạo ra đều có ý nghĩa mà tự nhiên cần đến. Tuy nhiên, đối với cơ thể con người thì có vi khuẩn có lợi, có vi khuẩn có hại và vi khuẩn trung gian không hại mà cũng không lợi. Tình trạng sức khỏe của con người sẽ tùy thuộc vào tương quan giữa ba “loại” vi khuẩn này. Bệnh do vi khuẩn gây ra có thể dùng kháng sinh để chữa nhưng kháng sinh cũng là con dao hai lưỡi. Kháng sinh có thể tiêu diệt hết các loại khuẩn mà nó gặp, tốt hay xấu hay trung gian, cũng đều bị tiêu diệt. Đây được gọi là phương châm “giết sạch còn hơn bỏ sót”. Thế nhưng, dùng kháng sinh tùy tiện và lâu dài cũng gây ra hiện tượng “nhờn kháng sinh” của vi khuẩn hay được gọi là kháng kháng sinh tức là các bệnh viêm nhiễm không thể dùng kháng sinh để chữa được, một vết xước nhỏ nếu bị nhiễm trùng cũng có thể dẫn đến cái chết. Đây sẽ là một thảm họa lớn cho loài người. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc năm 2016, mỗi năm thế giới có hơn 200.000 trẻ em sơ sinh bị tử vong do hậu quả của kháng kháng sinh; kháng kháng sinh cũng đang lan rộng trong điều trị HIV/AIDS, lao, sốt rét, dịch thương hàn… Xu hướng này đang phá hủy đi những thành tựu mà nhân loại phải khó khăn lắm mới đạt được.

Virus là loài vi sinh vật chủ yêu gây ra bệnh tật cho thực vật, động vật và con người. Virus được coi là một dạng sống bởi vì chúng có mang vật chất di truyền, có thể sinh sản và tiến hóa, thế nhưng chúng lại không có cấu trúc tế bào – một tiêu chuẩn cơ bản nên không sống độc lập được mà phải ký sinh vào một tế bào chủ nào đó. Có kích thước vô cùng nhỏ, với những giác gai bên ngoài chúng xâm nhập và bám chặt  dễ dàng vào các tế bào chủ, di chuyển giữa các tế bào chủ và gây bệnh. Ngoài ra virus còn lây truyền qua côn trùng hút máu, qua tiếp xúc hoặc qua quan hệ tình dục.

Nhân tố vi sinh

Để hiểu biết được vấn đề vi sinh, có một cuốn sách rất quan trọng chúng ta nên đọc. Đó là cuốn sách “Nhân tố vi sinh” của Giáo sư-bác sĩ Nhật Bản Shinya Hiromi – một bác sĩ có hơn 40 năm chuyên chữa bệnh tiêu hóa ở Mỹ và điều đáng nói trong hàng nghìn bệnh nhân của ông chưa ai bị chết cả. Ông chữa khỏi bệnh nhờ chú ý đến vấn đề tiêu hóa và vi sinh. Dưới đây là một vài đoạn trích ra từ cuốn sách của ông:

“Cách duy nhất để chiến thắng bệnh tật là tăng cường hệ miễn dịch của chúng ta. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ làm giảm nguy cơ mắc tất cả loại bệnh… Cơ thể của chúng ta cũng là một hệ sinh thái…  nhờ vào các vi sinh vật là những sinh thể ban đầu được tìm thấy ở khắp nơi…tạo thành một lớp liên kết của sự sống trên bề mặt hành tinh… đường ruột con người không chỉ là những cái ống dài, hẹp mà là nơi kết nối của chúng ta với các vi sinh vật này. Môi trường và trong đất trồng rau cũng có nhiều vi sinh vật… ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực phẩm được tạo ra từ môi trường đất. Việc tiêu thụ những thưc phẩm này quyết định tình trạng đường ruột và sau cùng là sức khỏe của mỗi chúng ta. Thực phẩm ta ăn hàng ngày phải được chuyển hóa thành năng lượng… để cơ thể hấp thụ được… đó là nhiệm vụ của đường ruột. Đường ruột cũng là nơi sản sinh ra enzyme, những enzyme này thúc đẩy mọi hoạt động diễn ra trong tế bào. Thường thì bác sĩ và bệnh nhân chỉ bận tâm với việc loại bỏ những triệu chứng tức thời mà không hiểu rõ nguyên nhân thực sự của căn bệnh. Nhưng tôi cho rằng, việc chăm sóc sức khỏe nên bắt đầu từ hệ thống tiêu hóa và thực phẩm chúng ta ăn”.

Về hệ thống y học hiện đại, BS Hiromi nhân định: “Hơn 100 năm qua, việc chăm sóc y tế và sức khỏe đang ở trong cuộc chiến chống lại tự nhiên… Ngành Y tế giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh sinh tử bằng chiến thuật lùng và diệt mang tính khoa học: Các nhà nghiên cứu tìm ra các vi sinh vật và tiêu diệt chúng…”. Đó là cuộc chiến mà Hiromi gọi là cuộc chiến chống lại tự nhiên. Thế giới vi sinh vật đã nổi dậy và đe dọa toàn bộ những cái gọi là thành tựu y tế hiện đại. Cuộc chiến chống lại bệnh tật đã thay đổi, đi theo lời nói của nhân vật trong chuyện tranh Pogo của Walt Kelly mà Hiromi dẫn lại: “Chúng ta đã gặp được kẻ thù và nó là chính chúng ta”.

Quyển sách của Hiromi làm chúng ta hiểu, chúng ta đau yếu, bệnh tật là do hệ vi sinh của chúng ta bị thiếu hụt hoặc thương tổn trầm trọng. Cuộc chiến chống lại vi sinh là cuộc chiến chống lại chính mình. Cần chấm dứt cuộc chiến này và thiết lập một nền hòa bình bền vững giữa vi sinh và con người.

Có thể là nhờ quyển sách này của Hiromi, người ta đã bổ sung thêm các vi khuẩn đường ruột vào sữa chua cho trẻ em, bán rộng rãi các loại men tiêu hóa (Probiotics) nhập khẩu trong các hiệu thuốc tây. Các phương tiện  thông tin đại chúng đã không còn chê bai các loại thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối, kim chi, tương… như là các tác nhân gây ra bệnh ung thư.

Xin đừng ruồng rẫy và sợ hãi vi sinh vật! Chúng có quan hệ ruột thịt với con người, thế giới thực vật, động vật. Nước ta có nhiều loại hoa quả nhiệt đới, cây thuốc quý báu tại sao Việt Nam mới chỉ phát triển dưa muối, cà muối, kim chi… Tại sao chúng ta không  nghiên cứu sản xuất các loại nước hoa quả lên men, các loại thảo dược lên men để phục vụ cho nhu cầu của nhân dân thay vì chỉ cho nhập khẩu Probiotics với loại vi khuẩn tiêu hóa cũng là nhập khẩu? Khi nào sẽ có khẩu hiệu “người Việt Nam dùng vi sinh Việt Nam? “Cách duy nhất để chiến thắng bệnh tật là tăng cường hệ miễn dịch của mỗi chính chúng ta”.

Chống lại vi sinh là chống lại chính bản thân mình

Bạn sẽ không có cách nào khác để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể mà không cần tới vi sinh. Vi sinh là chúng ta, chống lại vi sinh là chống lại chính bản thân mình. Có một vài kinh nghiệm thực tế có thể minh chứng cho giả thuyết trên.

Đối với cây trồng: Trong những năm 2017-2018, cây hồ tiêu ở Tây Nguyên bị chết hàng loạt do một loại  nấm gây lở cổ rễ ở gốc cây. Nhiều người bị vỡ nợ và phá sản. Bà con nông dân dù  đã dùng rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phun cho cây nhưng không cứu được và cây vẫn bị chết cả loạt. Hỏi ra mới biết, các thuốc BVTV dù được gọi là thuốc BVTV sinh học nhưng vẫn là hóa chất. Vậy lý do cây chết là do hệ vi sinh vật đất ở các khu vực trồng tiêu bị tổn thương nặng nề do nhiều năm bà con dùng nhiều phân hóa học và thuốc BVTV để chăm sóc. Giải pháp hóa ra rất đơn giản và rẻ tiền, chỉ sau hai, ba lần phun cây bằng dinh dưỡng vi sinh, cây hết bệnh và trở lại phát triển tươi tốt.

Đối với gia súc, gia cầm: Những bệnh ở gia súc như tai xanh, tai đỏ, lở mồm long móng… hóa ra chỉ dùng vi sinh là xong. Có gia đình nuôi lợn, chỉ dùng giải pháp vi sinh mà đàn lợn vượt qua dịch bệnh, trong khi đàn lợn của hàng xóm lân cận bị hủy hết vì dính dịch tả lợn Châu Phi. Hay nuôi gà, nhờ giải pháp vi sinh mà đàn gà lớn nhanh, trứng nhiều lòng đỏ, thịt gà chắc, ngon như gà đồi mà dịch cúm gà không có ảnh hưởng gì.

Đối với con người: Năm 2016 khi nghiên cứu phiếu kết quả kiểm nghiệm của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho một loại thảo dược lên men do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Công nghệ ETC thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KHKT) Việt Nam đề xuất, chúng tôi thấy trong chế phẩm không có các kim loại nặng, không có các vi khuẩn có hại… thành phần còn lại thấy có đủ protein, Gluxit, 6 loại Vitamin, 8 loại khoáng chất và 18 Axit Amin trong đó có đủ 9 Axit Amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được. Xét thấy thành phần chế phẩm này có phần vượt trội so với một vài thực phẩm chức năng ngoại nhập và an toàn cho người sử dụng bổ sung vi khuẩn và dinh dưỡng và có thể cho người dùng thử, trước hết, cho những người tình nguyện. Qua khảo nghiệm cho thấy, một số tác dụng kỳ diệu của chế phẩm: Một là phục hồi và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể; hai là thải độc rất mạnh; ba là có thể có một số kháng sinh thực vật chống viêm nhiễm. Cơ chế tác động của chế phẩm thế nào lên cơ thể thì chưa giải thích được đầy đủ, nhưng hiện tượng khỏi bệnh một cách kỳ diệu thì có, kể cả những bệnh được coi là nan y, khiến ta không thể nhắm mắt làm ngơ được.

Để có hệ miễn dịch tốt cho mọi người tốt nhất ở nước ta, trước hết, chúng ta cần chấm dứt cuộc chiến sinh tử và thiết lập một nền hòa bình với hệ thống vi sinh vật trong cây cối, động vật, cá nhân mỗi con người và môi trường xung quanh là đất, nước và không khí. Đó chính là một hàng rào sinh học hữu hiệu bảo vệ con người. Hãy bắt tay xây dựng hàng rào đó trước hết  bằng việc vận hành một nền nông nghiệp hữu cơ bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi, một nền y học hữu cơ và bảo vệ môi trường bằng các phương tiện hữu cơ.

Trong khi nền nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn là một nền nông nghiệp hóa chất: Trong rau, củ, quả còn tồn dư rất nhiều loại hóa chất từ phân bón, thuốc BVTV, chất bảo quản…: Thịt, tôm, cá còn chứa nhiều kháng sinh từ thức ăn công nghiệp, thuốc thú y, hóc môn tăng trưởng… Ăn những loại thực phẩm đó chắc chắn sẽ làm tổn hại hệ thống miễn dịch của cơ thể. Chúng ta cần lợi dụng tính chất thải và đẩy độc trong thực phẩm ra ngoài của các loại enzym sinh học (biozym) mà theo một số nghiên cứu có thể đẩy tới  hơn 70% độc tố, hóa chất ra khỏi thực phẩm.

Khi được hỏi: “Thế giới sẽ như thế nào khi vi khuẩn  biến mất khỏi Trái đất”, hai giáo sư sinh học Hoa Kỳ Jack Gilbet và Josh Neufeld đã trả lời mặt tích cực của kịch bản trên là mọi bệnh truyền nhiễm không còn tồn tại và nhiều sâu bọ gây hại sẽ biến mất. Nhưng “chúng tôi dự đoán sự sụp đổ hoàn toàn của xã hội sẽ xảy ra chỉ trong vòng một năm do chuỗi cung ứng thực phẩm bị phá vỡ hoàn toàn. Hầu hết loài trên Trái đất sẽ bị tuyệt chủng và dân số các loài sống sót sẽ sụt giảm mạnh”. Con người vẫn có thể sống sót qua nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Tuy nhiên, loài người sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách về sức khỏe.

Tôi đồng ý với kết luận như thế! Suy giảm tính bền vững sinh học có nguyên nhân sâu sa ở sự suy giảm khả năng miễn dịch trong cơ thể sống của con người, động vật, thực vật và môi trường. Trong điều kiện hiện nay, đó là căn bệnh thiếu vi sinh. Hãy bổ xung vi sinh cho cơ thể dù đó là người, cây cối, động vật hay đất, nước và không khí – đó là giải pháp hiệu quả nhất: Tốt, rẻ và an toàn nhất. Vi sinh vật chính là hàng rào sinh học tốt nhất  bảo vệ cho chúng ta. Chúng ta hãy trân trọng vi sinh. Có như thế, cuộc chiến con người với vi sinh vật mới kết thúc và có hòa bình.

TS. Nguyễn Minh Việt (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam)

Nguồn: