Để các đại dương không trở thành thùng rác của thế giới

ThienNhien.Net – Nhựa là chất liệu có nhiều lợi thế không thể phủ nhận vì giá thành rẻ, bền và cực kỳ linh hoạt, tuy nhiên rác thải nhựa lại đang khiến sức khỏe các đại dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Báo cáo mới đây của Tổ chức Ocean Conservancy (OC) đã đưa ra những phân tích cụ thể và gợi ý một số giải pháp để giải quyết thực trạng này.

Theo thống kê của các chuyên gia, các đại dương đang phải hứng chịu khoảng 5 -14 triệu tấn nhựa thải xuống mỗi năm, gần gấp đôi tổng trọng lượng của tất cả các xe ô tô ở Los Angeles.

Trong nghiên cứu của mình, các chuyên gia của OC đã chuyển trọng tâm nghiên cứu từ biển về đất liền để tìm hướng giải quyết vấn đề và đã đưa ra một số giải pháp toàn diện nhằm giảm lượng phát thải nhựa từ năm nguồn thải lớn nhất ra đại dương là Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam. Theo một báo cáo khác công bố mới đây trên Tạp chí Science thì năm quốc gia kể trên chiếm đến 60% lượng nhựa thải ra hàng năm trên toàn cầu.

Ông Nick Mallos, Giám đốc Chương trình Đại dương Không rác (Trash Free Oceans Program) của OC cảnh báo, khi dân số và thu nhập của khu vực châu Á và nhiều quốc gia châu Phi tăng lên trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc quản lý chất thải trên thế giới. Từ đó, ông cho rằng việc xác định các giải pháp cho vấn đề rác thải tại khu vực Đông Nam Á có thể trở thành mô hình mẫu để nhân rộng, chuyển giao cho các quốc gia khác.

Báo cáo của OC lưu ý rằng hơn 80% rác nhựa ở các đại dương đều đến từ các nguồn trên đất liền. Trong số này, 75 % là từ rác không được thu gom và 25% còn lại là túi nilon, nắp nhựa hoặc tấm bọc nilon bị rò rỉ từ các bãi tập kết phế thải.

Rác không được thu gom ở các vùng nông thôn của Trung Quốc, Indonesia,  Philippines, Thái Lan và Việt Nam chiếm tới 2,1 triệu tấn nhựa thải ra các đại dương. Trong khi đó, các trung tâm đô thị ở các nước này cũng thải ra đến 2,4 triệu tấn mỗi năm. Do đó các quốc gia châu Á này được các nhóm nghiên cứu chọn làm “điểm thử nghiệm” nhằm tìm giải pháp quản lý chất thải nhựa cho toàn thế giới.

Nhóm nghiên cứu dự đoán có thể giảm lượng rác nhựa trong các đại dương trong15 năm tới. Tuy nhiên, chỉ giảm sử dụng chất dẻo trên toàn cầu hay khuyến khích tái chế vẫn chưa phải là một giải pháp khả thi trong dài hạn. Hầu hết các chất thải nhựa đều có giá trị quá thấp để chiết xuất bất kỳ nguyên liệu nào và thậm chí khi có các thiết bị phân loại tiên tiến thì cũng chỉ xử lý được 30% rác thải nhựa có thể tái chế.

Ảnh minh họa: Rhett Butler/Mongabay
Ảnh minh họa: Rhett Butler/Mongabay

Tuy nhiên, Báo cáo đã đề cập đến việc có thể đạt được hiệu quả tối đa bằng cách sử dụng kết hợp cải tiến công nghệ với các sáng kiến do doanh nghiệp hay chính phủ tiến hành. Nhóm tác giả báo cáo đề xuất sáu giải pháp gồm: mở rộng dịch vụ thu gom, ngăn chặn hoàn toàn các điểm rò rỉ trong hệ thống thu gom, tăng giá trị của chất thải nhựa, chuyển đổi chất thải nhựa thành nhiên liệu hoặc điện, tự phân loại chất thải và chuyển đổi nhựa giá trị thấp thành nhiên liệu.

Việc chấm dứt các điểm rò rỉ trong hệ thống thu gom hướng tới tất cả các bãi tập kết rác bất hợp pháp trên đất liền và các bãi rác tự phát trên các tuyến đường thủy của thế giới. Các bãi rác tự phát hiện thải ra 1,1-1.3 triệu tấn nhựa mỗi năm.

Công nghệ hiện đại cũng có thể cách mạng hóa cách thức xử lý chất thải. Biến chất thải nhựa thành dầu, khí hoặc năng lượng cũng là giải pháp tiềm năng cao góp phần ngăn chặn các mảnh vụn nhựa trong đại dương. Một chiến lược như vậy thường đi kèm với rất nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề chi phí cao, đòi hỏi nhiều về chuyên môn cùng với những rủi ro về môi trường và xã hội khó có thể lường trước. Tuy nhiên, những kỹ thuật như nhiệt phân, biến cất thải thành dầu và nhiên liệu từ rác nhựa (RDF) sẽ khả thi khi nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ và doanh nghiệp.

Nhóm chuyên gia tin rằng phải mất đến năm năm mới có thể giảm 30% chi phí của các công nghệ như nhiệt phân để có một lựa chọn khả thi về mặt kinh tế cho năm quốc gia trọng tâm của Nghiên cứu. Song, các công nghệ như nhiệt phân có tiềm năng rất lớn trong việc giảm chất thải nhựa ra các đại dương. Nếu được triển khai, các giải pháp này có thể giảm đáng kể lượng rò rỉ chất thải nhựa trong hệ thống chất thải hiện tại, mở rộng thu gom chất thải và phát triển thị trường cho chất dẻo đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, kể cả nếu có thể thu gom 98% chất thải nhựa, sự rò rỉ nhựa phế thải vẫn chưa hoàn toàn được xóa bỏ. Việc đưa tỷ lệ rò rỉ chất thải nhựa về 0% chỉ khả thi khi việc cắt giảm đi kèm với sự đổi mới trong sử dụng nhựa và lựa chọn vật liệu hay công nghệ xử lý đồ nhựa đã qua sử dụng.

Quan trọng nhất là các chiến lược quản lý chất thải được thiết kế riêng cho từng nước phải dựa trên các thiết chế văn hóa, chính trị và kinh tế đặc thù từng quốc gia. Ví dụ, đặc điểm địa lý ảnh hưởng rất lớn đối với việc thu gom rác thải bên cạnh thái độ văn hóa đối với xử lý rác của người dân.

Do đó, các chuyên gia cho rằng một chính sách về nhựa trên toàn cầu là không lý tưởng và khả thi vì thực tế là tỷ lệ thu gom và mật độ chất thải rất khác nhau tại mỗi quốc gia. Ngoài ra, các điểm phát thải và các phương thức xử lý cũng khác nhau theo quan điểm của chính phủ mỗi nước.

Theo ông Mallos, nhận thức về rác thải, hành vi ứng xử trong quá khứ và hiện tại, các yếu tố kinh tế xã hội phải được đưa vào nền tảng của bất kỳ một đề xuất giải pháp nào.

Báo cáo cho hay, nếu muốn thực hiện các giải pháp nêu trên trước năm 2020 thì cần có những cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng thu gom rác thông qua tài trợ của doanh nghiệp và chính phủ. Những cải tiến này có thể đến từ hệ thống “đại dương thông minh” với việc đóng cửa tất cả các bãi rác nằm gần các tuyến đường thủy hoặc thiết lập cơ chế giám sát nhằm ngăn chất thải rò rỉ ra ngoài bãi chôn lấp.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng quản lý chất thải hiệu quả “là một công cụ tăng trưởng việc làm tiềm năng có thể tạo ra hàng trăm ngàn việc làm và các ngành công nghiệp phụ trợ để xử lý chất thải, đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực phát triển một ngành năng lượng tái tạo mạnh mẽ.”

Cũng theo ông Mallos, một hệ thống quản lý chất thải hiệu quả sẽ có nhiều đóng góp tích cực: “Việc quản lý chất thải yếu kém hiện tại đang ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng. Ít nhất 20 dịch bệnh được biết đến hiện nay có liên quan đến rác thải và yếu kém trong xử lý chất thải là nguyên nhân cướp đi hơn 4 triệu sinh mạng mỗi năm, cũng như làm giảm tuổi thọ của 6-8 triệu người nhặt rác hoạt động tại năm quốc gia nói trên.”

Tương lai của việc quản lý tái chế chất thải cũng đòi hỏi sự gắn kết quốc tế. Báo cáo nhấn mạnh rằng để giải quyết vấn đề rò rỉ chất thải ra các đại dương cần có một cam kết mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo quốc tế và các chính phủ. Giải pháp đưa ra phải được dựa trên các bằng chứng cụ thể về việc tích hợp thành công các chính sách về quản lý chất thải công tại các thành phố. Cuối cùng, các chuyên gia khẳng định quản lý chất thải là ưu tiên hàng đầu và là nghĩa vụ quan trọng mang tầm quốc tế.

Đối với những người đang sống trong đất liền, ông Mallos cho rằng mỗi người đều có một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa trên đại dương: “Chúng ta phải quản lý chất thải nhựa để giảm thiểu lượng rác thải vào hệ thống. Nhiều người có thể cho rằng hành động của một cá nhân là không đáng kể so với thế giới rộng lớn, hàng triệu suy nghĩ như vậy lại có tác động rất lớn đến sức khỏe của các đại dương. ”

Ly Đặng/ Mongabay.com