Thu hồi 1.000ha đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng bị lấn chiếm trái phép

ThienNhien.Net – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh vừa có văn bản đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh thu hồi trên 1.000 ha đất lâm nghiệp, thuộc 2 dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu) và Khu rừng văn hóa, lịch sử Chàng Riệc (huyện Tân Biên) để trồng lại rừng. Đây là diện tích đất bị người dân bao lấn, chiếm để sản xuất nông nghiệp sai mục đích.

Từ năm 2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định số 875/QĐ-UBND để giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích tại các dự án rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn và đã thu hồi 3.974 ha/4.114 ha để trồng lại rừng.

Những gốc cây rừng bị người dân đốt cho chết dần để lấy đất sản xuất. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)
Những gốc cây rừng bị người dân đốt cho chết dần để lấy đất sản xuất. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Tuy nhiên, qua quá trình rà soát, cơ quan chức năng phát hiện tại 2 dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng và Khu rừng văn hóa, lịch sử Chàng Riệc vẫn còn 1.152 ha đất quy hoạch lâm nghiệp đang bị người dân địa phương bao chiếm trồng cao su, sắn, cây ăn quả.

Trong số này, rừng phòng hộ Dầu Tiếng còn 1.046ha bị bao lấn chiếm, tập trung nhiều nhất tại các tiểu khu 37, 43, 44, 48, 49 khu vực ấp Con Trăn, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu (gần 450 ha); khu rừng văn hóa, lịch sử Chàng Riệc là 106ha còn bị bao lấn chiếm.

Xử lý các tồn tại này, ngành nông nghiệp yêu cầu đối với diện tích rừng tự nhiên và rừng khoanh nuôi tái sinh cần tiếp tục lập hồ sơ, xác định đối tượng vi phạm, xử lý theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; thu hồi lại đất, giao cho các ban quản lý rừng trồng lại rừng theo quy định.

Các trường hợp không có người nhận (do đối tượng cố tình né tránh), lực lượng chức năng sẽ kiên quyết cưỡng chế, hủy bỏ cây trồng để phục hồi lại rừng.

Đối với diện tích hiện đang trồng cây cao su, cây ăn quả, ngành buộc người vi phạm phải chặt bớt để thực hiện mô hình kết hợp trồng dầu, sao, cao su hoặc dầu, sao với cây ăn quả nhằm giải quyết hài hòa lợi ích giữa sản xuất, bảo vệ môi trường và giảm bớt thiệt hại cho người dân.

Diện tích đất đang trồng lúa (khu vực bàu, trũng khoảng 44 ha, không trồng lại được rừng) được đề nghị điều chỉnh quy hoạch, giao cho người dân nghèo nhận khoán, tiếp tục trồng lúa để ổn định cuộc sống.