Ngư dân miền trung sau thảm họa cá chết: “Trả lại chúng tôi ngư trường như xưa!”

ThienNhien.Net – Dự kiến trong cuộc họp báo sẽ dành nhiều thời gian để công bố nguyên nhân dẫn đến thảm họa cá chết hàng loạt cũng như cùng các bộ, ngành trả lời cơ quan báo chí về những vấn đề dư luận quan tâm xung quanh sự kiện này. Phóng viên Báo Lao Động đã có mặt ở những vùng biển cá chết ở bắc miền Trung, lắng nghe ngư dân ngậm ngùi nói trong nước mắt “bao giờ mới có lại ngư trường xưa”…

Tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung phải nằm bờ sau hiện tượng cá chết. Ảnh: H.THƠ
Tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung phải nằm bờ sau hiện tượng cá chết. Ảnh: H.THƠ

Sau 4 tháng từ khi xảy ra hiện tượng cá chết, cảng cá Cửa Tùng – nơi hoạt động buôn bán cá khá sầm uất ở huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) vẫn yên ả lạ thường. Cả buổi sáng 28.6, ở cảng cá này chỉ dăm chiếc thuyền chở cá ôi nhập cho nhà máy sản xuất bột thức ăn gia súc, ngư dân và thương lái hầu như vắng bóng.

Ngư dân Phan Thành An (49 tuổi, khu phố An Đức 1, thị trấn Cửa Tùng) đang thấp thỏm từng ngày sau khi có thông tin chuẩn bị công bố nguyên nhân cá chết. Gia đình anh An có một thuyền 135CV đã nằm bờ 4 tháng nay. Tàu nằm bờ đồng nghĩa với việc không có đồng vào, nhưng mỗi tháng anh An vẫn phải chạy đây chạy đó để trả lãi vay ngân hàng. Hôm rồi, anh An có xem thông tin Đài Loan đăng phóng sự, trong đó chỉ đích danh thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung. “Nếu nguyên nhân đúng như phóng sự của Đài Loan, khi ta xác định được thủ phạm rồi, thì có bắt họ trả lại ngư trường như xưa không?” – anh An đặt câu hỏi, rồi nói thêm rằng, ngư dân không thể sống nhờ vài cân gạo, đồng tiền trợ cấp của Nhà nước mãi được. Anh An mong muốn rằng: “Tiền bạc ăn mấy cũng hết, ngư dân như tôi chỉ mong ngư trường được trở lại để ra khơi, chứ không trông mong vào các khoản đền bù, trợ cấp. Biển được an toàn, cá sạch là chúng tôi yên tâm ra khơi, không làm gánh nặng cho Nhà nước nữa”.

Trước tình hình khó khăn về nghề biển, nhiều ngư dân Quảng Trị tạm thời chuyển sang làm nghề nông để kiếm kế sinh nhai. Anh Nguyễn Thanh Phấn (50 tuổi, trú tại thôn 7, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã quyết định úp chiếc thuyền nan gắn động cơ 15CV để lên bờ chuyển nghề sau 3 tháng tay trắng với biển. Với 5 sào đậu đen xanh lòng và 2 sào dưa trồng cách đây hơn 2 tháng, anh Phấn thu được ít tiền, đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. “Trồng dưa, trồng đậu chỉ là phương án trước mắt, chứ về lâu dài chúng tôi không thể trụ được. Tới đây nghe nói chính quyền sẽ hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề, nhưng tôi chỉ mong biển bình thường trở lại để ra khơi”.

Hôm nay đã là hơn hai tháng, ngư dân Trần Khanh (xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) úp chiếc thuyền 24CV bên mép sóng. Chuỗi ngày không được ra khơi, cứ vào mỗi sớm tinh mơ ông Khanh cùng nhiều ngư dân trong thôn Cự Lại Đông vẫn hay ngồi ngóng ánh bình minh ló trên đầu sóng mà lòng dạ buồn như xát muối. Ông bảo rằng không cam được cảnh ngồi nhà ăn gạo Nhà nước hỗ trợ như bấy lâu. “Đã có nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, ngư dân chúng tôi vô cùng biết ơn. Tôi nghe người ta nói cuối tháng 6 này cấp trên sẽ công bố nguyên nhân cá chết. Tôi chờ đợi ngày đó lắm. Là để nếu biển an toàn, cá không độc, ngư dân và cả những người dân trở lại sử dụng cá. Là để ngư dân vươn khơi trở lại để kiếm sống chứ không mong muốn sống nhờ sự hỗ trợ”, ông Khanh nói. Hôm nhận 5 triệu đồng tiền hỗ trợ, cộng với số tiền tích cóp được, ông Khanh sắm 2 trộ lưới mới tinh để chờ đến ngày biển dã. Ông nói: “Vườn không, ruộng không, ngoài nghề biển không có nghề nào nữa. Sống chết cũng biển thôi. Thời gian này, trong đầu tôi vẫn nghĩ hay là tìm cách nào đó để vươn khơi xa. Tiền tỉ đóng tàu, mua ngư lưới cụ lấy ở đâu ra? Tất cả đều chưa có lời giải”.

Với những người nuôi cá lồng ở Thừa Thiên – Huế, những thiệt hại do đợt cá chết vừa qua là vô cùng lớn. Con số thống kê chính thức của Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế thì đã có 1.703 lồng, bè với hơn 160 tấn cá trong thời gian sinh trưởng bị chết, thiệt hại trên 31 tỉ đồng. Ông Nguyễn Châm (thôn 3, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) cho biết, 80% số cá lồng nuôi ở cửa biển Thuận An bị chết trắng, thiệt hại hơn 120 triệu đồng và được Nhà nước hỗ trợ chỉ chưa tới 20 triệu. Ông Châm nói rằng nếu cá chết nguyên nhân là do Nhà máy Formosa xả thải gây ra như lâu nay ông được nghe đồn đoán thì cá nhân ông không biết phải yêu cầu bồi thường như thế nào cả. Bởi đây là chuyện của “cả làng” và ông chỉ mong: “Nhà nước hỗ trợ thêm cho phần nào. Quan trọng nhất là sau này làm sao trả lại biển sạch, tạo điều kiện về vốn để người dân đầu tư nuôi trồng. Mong mỏi của tôi như thế thôi”, ông Châm nói.

Ngư dân Nguyễn Cò và Trần Khanh, xã Phú Hải (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mong ngóng ngày được ra khơi. Ảnh: Đ.K
Ngư dân Nguyễn Cò và Trần Khanh, xã Phú Hải (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) mong ngóng ngày được ra khơi. Ảnh: Đ.K
Ngư dân Nguyễn Thanh Phấn tạm thời phải chuyển sang nghề nông để kiếm kế sinh nhai.
Ngư dân Nguyễn Thanh Phấn tạm thời phải chuyển sang nghề nông để kiếm kế sinh nhai.

Nóng lòng muốn biết nguyên nhân cá chết

Âu thuyền phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chiều 28.6 rất vắng vẻ, nơi này chỉ cách Nhà máy Formosa Hà Tĩnh vài trăm mét. Tại âu thuyền chỉ có rất ít ngư dân đang loay hoay trên những thuyền công suất lớn chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Số đông thuyền nhỏ đang nằm trên bờ, được bịt kín bạt.

Đang giặt những tấm lưới đục ngầu, lão ngư Nguyễn Văn Mại (66 tuổi, trú ở khu tái định cư thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương) nhễ nhãi mồ hôi, khuôn mặt buồn bã lên tiếng: “Nản lắm. Sáng nay mới đi về mà không có chi cả. Cá, tôm giờ chết rồi chớ có chi mà bắt nữa”. Ông Mại kể, trước khi cá chết, mỗi ngày ông ra khơi cùng 4 bạn thuyền khác, về chia nhau bình quân mỗi người một ngày cũng được hơn triệu bạc. Nhưng từ khi cá chết đến nay thuyền nằm bờ là chính. Sốt ruột quá thi thoảng kéo thuyền ra khơi thì cũng chỉ được 50 – 70 ngàn đồng, không bù nổi tiền dầu. Nhưng không đi thì chẳng biết làm gì khác nên ra biển cho khuây khỏa. “Tui là trụ cột gia đình sống bám biển nuôi 8 người con, 3 người đã lập gia đình, nay còn phải nuôi 5 đứa ăn học. Từ khi cá chết, tui phải vay tiền cho các con ăn học. Tình hình gay go lắm”, – ngư dân Mại thở dài. Ông Mại nói những ngư dân như ông rất nóng lòng muốn biết nguyên nhân khiến cá chết. “Nếu nguyên nhân là do tác động của con người, thì tôi nghĩ phải bắt đền bù, hỗ trợ cho chúng tôi vì đã cướp mất miếng cơm manh áo” – ông Mại bày tỏ.

Tại các xã biển bãi ngang ở Quảng Bình, hơn 80% số người dân sống phụ thuộc vào nghề biển, nhưng mấy tháng trở lại đây cuộc sống của họ có rất nhiều thay đổi với khó khăn chồng chất khó khăn. Dẫn chúng tôi ra biển, với kinh nghiệm hơn 40 năm ra khơi, ngư dân Lê Cáo (ở thôn Bắc, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch) buồn bã nói: “Biển lâu nay là nguồn sống, nhưng những ngày qua “biển đắng” lắm”. Cá biển chết, kéo theo một loạt các nghề khác cũng chết theo như nghề nuôi cá lóc, nuôi tôm.

Tại các chợ ở các xã biển cũng vắng bóng cá biển. Hỏi, ai cũng trả lời là bán không ai mua. Hơn ai hết, ngư dân cũng sợ… ăn cá vì họ chưa nhận được câu trả lời chính xác từ các cơ quan chức năng sau hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt vừa qua. Theo ông Nguyễn Khắc Tân – Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) thì toàn xã có 100% ngư dân đánh bắt gần bờ với 270 phương tiện. Những ngày “cấm biển”, ngư dân vẫn lén ra khơi vì không có cách gì để mưu sinh. Còn bây giờ, việc đánh bắt đã trở lại nhưng không còn được như trước vì hải sản đánh bắt về rất khó tiêu thụ, giá thì giảm hơn một nửa.

Ông Lê Cáo nói, vừa rồi Nhà nước có trợ cấp gạo, cũng nhờ vậy mà gia đình ổn định được cuộc sống trong một thời gian. Nhưng tui và các ngư dân cũng xác định, răng mà ăn gạo trợ cấp mãi được, tui lao động trên biển quen rồi. Mong muốn lớn nhất là phải cho ngư dân chúng tôi biết nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết và hình thức xử lý thế nào chứ ngư dân chúng tôi khổ lắm rồi”.

Theo các ngư dân, “nguyên nhân cá chết càng lâu công bố thì ngư dân càng hoang mang; càng lâu công bố phương án xử lý thì ngư dân càng lo lắng. Nhưng ra khơi thì vẫn phải ra khơi, dù cá về bán không được như xưa. Ngư dân Trần Dóng (ở thôn Bắc, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch) nói, khoảng thời gian này năm ngoái, chỉ cần ra khơi là một ngày đã có 1-2 triệu, có khi trúng lớn một thuyền nhỏ cũng 5-7 triệu. Vậy nên thiệt hại thời gian qua là không thể bù đắp nổi, cũng không thể có báo cáo cụ thể được. Chúng tôi cũng mong muốn có đền bù, mặc dù không thể đền bù hết được, nhưng khi công bố, ai sai thì phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình.

Ngày 30.6, Chính phủ họp báo thông tin nguyên nhân và thủ phạm gây ra cá chết ở miền Trung

Tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, chiều 30.6, Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì họp báo công bố thông tin nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết ở biển miền Trung.

Tại cuộc họp báo, Văn phòng Chính phủ cùng với các bộ ngành sẽ công bố rõ nguyên nhân, thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết . Được biết, một trong những nội dung quan trọng, Chính phủ cũng sẽ chỉ rõ tại sao lại chậm trễ công bố thông tin cũng như các bước xử lý, khắc phục và thông tin về môi trường biển hiện nay tại miền Trung.

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn cho rằng: “Thông tin từ cuộc họp báo, trả lời của các bộ ngành và cơ quan chức năng sẽ giúp người dân hiểu rõ và hiểu đúng vấn đề, giúp ổn định cuộc sống cho nhân dân miền Trung”.

P.V