“Vỡ trận” các dự án trồng rừng thay thế: Rừng mất, lộ diện cơ chế sai (Kỳ cuối)

Kỳ cuối: Quảng Nam ì ạch trả nợ rừng

ThienNhien.Net – Dù UBND tỉnh Quảng Nam nhiều lần buộc các chủ dự án nhà máy thủy điện phải trồng rừng thay thế (trồng rừng thay thế) theo đúng quy định nhưng hàng chục nhà máy thủy điện, các công trình khai khoáng… vẫn ỳ ạch trồng rừng thay thế. Thậm chí, không ít dự án lấy đi hàng trăm hécta rừng qua nhiều năm vẫn chưa xong hồ sơ thủ tục “trả nợ” rừng.

Các thủy điện chây ì

Theo thống kê của Chi cục Lâm nghiệp Quảng Nam, tổng diện tích rừng chuyển mục đích sang làm các công trình, phải trồng rừng thay thế là 1.651ha, trong đó chủ yếu là diện tích chuyển sang làm thủy điện hơn 1.408ha. Đến nay, diện tích đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế là hơn 995ha. Tổng diện tích trồng rừng thay thế tính đến nay mới thực hiện hơn 837ha (đạt hơn 50% tổng diện tích). Riêng năm 2014, theo kế hoạch, diện tích trồng rừng thay thế trên toàn tỉnh hơn 770ha, nhưng chỉ thực hiện được 23,8ha (đạt 3,4% kế hoạch). Vì mùa trồng rừng chỉ diễn ra từ tháng 9-12 hằng năm, nên từ đầu năm đến nay chỉ mới hoàn tất công tác lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế, chuẩn bị cây giống, phát dọn thực bì. Dự kiến, năm 2015 sẽ tiếp tục trồng rừng thay thế 631ha. Trong đó, công trình thủy điện Sông Bung 2 là 444,66ha, Sông Tranh 3 là 1,76ha, Sông Tranh là 259,8ha, Sông Côn là 70ha…

Thực tế hàng loạt nhà máy thủy điện hiện chây ì việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ rừng hoặc không thực hiện trồng rừng thay thế theo phương án được phê duyệt, phải điều chỉnh phương án nên chậm tiến độ. Điển hình, Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 thời điểm này không trồng rừng thay thế gần 60ha vì vướng vùng quy hoạch trồng rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ nhưng là đất nương rẫy cũ của đồng bào. Vì không có nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân, làm ảnh hưởng đến thu hồi đất nên chậm triển khai trồng rừng. Các nhà máy thủy điện Geruco Sông Côn, Tr’Hy dù phê duyệt phương án từ năm 2010 nhưng vẫn tìm mọi cách lần lữa, viện cớ gặp khó khăn về tài chính để không triển khai thực hiện, đến nay vẫn còn nợ trồng rừng thay thế hơn 90ha. Hiện tại, quỹ đất cho trồng rừng thay thế của 2 thủy điện này bị biến động, lại không thực hiện trồng rừng thay thế được.

Theo Sở NNPTNT, việc trồng rừng thay thế chậm vì nhiều chủ dự án chưa lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án để thực hiện. Trong quá trình xây dựng phương án không đề cập việc bồi thường đất và tài sản trên đất của người dân, nên khi triển khai không có nguồn kinh phí hỗ trợ người dân, ảnh hưởng đến việc thu hồi đất để trồng rừng thay thế. Đối với các dự án phát triển kinh tế dân sinh, trong quá trình xây dựng dự án lại không có nguồn vốn cho việc trồng rừng thay thế. Một nguyên nhân khác là năm 2014, việc trồng rừng thay thế tổ chức thực hiện theo Quyết định 73 của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị thi công được chỉ định thầu. Tuy nhiên, hiện nay, Luật Đấu thầu số 43/2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2014 quy định, đối với các công trình có tổng vốn đầu tư trên 1 tỉ đồng phải tổ chức đấu thầu. Việc tổ chức đấu thầu lần đầu tiên thực hiện trong lĩnh vực trồng rừng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thời gian trồng rừng thay thế. Sở NNPTNT vì thế kiến nghị T.Ư cho phép các công trình trồng rừng thay thế được chỉ định thầu như Quyết định số 73/2010 của Thủ tướng Chính phủ để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện, đặc biệt đối với các diện tích thực hiện trong năm 2015. Đồng thời cần hướng dẫn quản lý và thủ tục giải ngân đối với phần kinh phí nộp tiền về quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.

Các thủy điện lấy đi cả ngàn hécta rừng nhưng trây ỳ trồng rừng thay thế (Ảnh: T.T.THƯ)
Các thủy điện lấy đi cả ngàn hécta rừng nhưng chây ì trồng rừng thay thế (Ảnh: T.T.Thư)

Mất đa dạng sinh học

Trong những năm qua, mặc dù UBND tỉnh nhiều lần đôn đốc, lãnh đạo Sở NNPTNT tuyên bố nếu chủ đầu tư không trồng lại rừng mà còn dây dưa không chuyển tiền trồng lại rừng mới, tỉnh sẽ trích quỹ ký cược của các doanh nghiệp đó để trồng bù lại diện tích rừng bị lấy mất. Nếu địa bàn nào trong tỉnh không còn đất để trồng rừng thay thế có thể chuyển cho địa bàn khác trong tỉnh để trồng. Tuy nhiên, mọi việc đâu lại hoàn đấy, các cơ quan chức năng chỉ mới dừng lại ở hình thức nhắc nhở chủ dự án, chứ chưa có chế tài xử lý. Quan điểm của ngành nông nghiệp tỉnh từ nay đến cuối năm là chỉ đạo, giải quyết dứt điểm việc trồng rừng thay thế. Đối với các dự án thủy điện đã nộp tiền về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, phải gấp rút trồng, tuyệt đối không để tồn tiền, thực hiện nghiêm Chỉ thị 02 ngày 24.1.2014 của Thủ tướng về trồng rừng thay thế.

Việc các thủy điện vừa lấy mất rừng vừa không chịu trồng rừng thay thế rõ ràng là gây hậu quả nặng cho hạ du, vì hầu hết rừng bị mất là rừng đầu nguồn, phòng hộ. Thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư thủy điện thời gian qua chỉ chăm chăm vào việc xây dựng công trình và thu lợi nhuận, mà vô trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế. Hệ lụy của việc vừa mất rừng vừa không trồng rừng thay thế kịp thời đã khiến tình hình lũ lụt, sạt lở đất ngày càng nặng nề hơn xảy ra ở tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là các vùng hạ du các thủy điện. Chưa kể, tính đa dạng sinh học trong rừng trồng không cao, khi trồng thông thường chỉ trồng 1 loại cây, không tạo thành các quần thể sinh thái. Do vậy, dù các chủ đầu tư có trồng rừng thay thế theo kiểu “một đổi một” vẫn không thể giữ được giá trị rừng, vẫn không thể nào “thay thế” được những diện tích rừng nguyên sinh, tự nhiên được hình thành qua hàng trăm năm.