Lượng mưa tác động đến sự lây lan dịch hạch

ThienNhien.Net – Sự bùng nổ của dịch hạch – một căn bệnh tương đối hiếm nhưng lại hiểm nghèo – có liên quan tới lượng mưa và có thể trở nên phổ biến hơn ở một số khu vực khi mà biến đổi khí hậu làm thay đổi các xu hướng thời tiết. Đó là kết quả từ công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Na Uy và Trung Quốc.

Mưa càng nhiều, càng nhiều loài gặm nhấm?

Trong một dự án nghiên cứu, các nhà khoa học Na Uy và Trung Quốc đã phân tích dữ liệu từ trận dịch hạch lớn gần đây nhất có xuất phát điểm từ Trung quốc năm 1855 và kéo dài hơn 100 năm. Các nhà nghiên cứu đã so sánh số các ca bệnh mỗi năm giữa giai đoạn 1850 và 1964 trên tương quan với lượng mưa trong các năm đó và năm trước đó.

“Chúng tôi tìm thấy mối liên hệ rất rõ ràng giữa lượng mưa và các trận dịch hạch”, Nils Stenseth, đồng tác giả của nghiên cứu, chủ tịch của Trung tâm Phân tích Sinh thái học và Tiến hóa thuộc Đại học Oslo cho biết.

Mặc dù vậy, kết quả cũng rất khác nhau theo khu vực. Ở khu vực phía Bắc của Trung Quốc, lượng mưa lớn hơn dẫn đến nhiều ca bệnh dịch hạch hơn, còn ở khu vực phía nam lượng mưa nhiều hơn lại có nghĩa sẽ có ít ca bệnh hơn. Bởi vì mối tương quan này khá phức tạp, Stenseth cảnh báo mối nguy hiểm của việc ngoại suy kết quả dựa trên sự khái quát hóa.

Theo ông, trong khi một dịch hạch không có vẻ sẽ xảy ra ở thời điểm hiện tại do những tiến bộ trong y học, thì những thay đổi lâu dài về khí hậu có thể bùng phát những đợt dịch dịch hạch trong một vài thập kỷ tới.

Các nhà nghiên cứu đã đặt ra giả thuyết rằng thời tiết ẩm hơn sẽ tạo ra nhiều thức ăn hơn cho loài gặm nhấm, tạo sự gia tăng về số lượng với hậu quả là sự lan truyền bệnh dịch hạch cho con người.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Eric Bertherat, một chuyên gia về dịch hạch của Tổ chức Y tế thế giới, lại bày tỏ nghi ngờ về kết quả nghiên cứu nói trên. Theo ông, không có bất cứ liên hệ đáng tin cậy nào giữa bệnh dịch hạch và khí hậu: “Không ai có thể nói rằng biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến sự phân bố của dịch hạch trên thế giới. Khí hậu có lẽ không phải là nhân tố chính gây nên dịch hạch ở con người. Các yếu tố như di cư, trao đổi hàng hóa, du lịch, hoạt động của con người, nghèo đói mới là những tác nhân qua trọng hơn nhiều”.

Tiến sĩ Bertherat cũng cho rằng việc sử dụng các ca bệnh của con người để đánh giá tình trạng dịch hạch toàn cầu có thể là một sai lầm, bởi vì dịch hạch được lây truyền sang con người một cách ngẫu nhiên, và số ca dịch bệnh ở người không thể cho biết có bao nhiêu động vật bị nhiễm bệnh. Thêm nữa, số ca dịch bệnh ở người trên thực tế đã giảm xuống từ khoảng 2000 ca ba năm trước xuống còn 900 ca hồi năm ngoái.

Cái chết đen và dịch bệnh thời biến đổi khí hậu

Trong lịch sử, dịch bệnh đã từng hoành hành và cướp đi mạng sống của ít nhất 30% dân số của Châu Âu trong một đại dịch được mệnh danh là Cái chết Đen giữa thế kỷ 14. Dịch bệnh này vô cùng nguy hiểm bởi diễn biến rất nhanh của nó, nếu không được chữa trị, phần lớn nạn nhân sẽ chết chỉ sau vài ngày nhiễm bệnh. Dịch hạch đã truyền từ vật chủ là động vật, điển hình là các loài gặm nhấm tới con người do bị loài bọ chét mang mầm bệnh cắn.

Dịch hạnh là một căn bệnh hiểm nghèo (Ảnh minh họa: Whitecivilrights.com)

Các nhà nghiên cứu khắp thế giới đang nỗ lực dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người, bao gồm cả ảnh hưởng của nó lên sự lây lan của các căn bệnh như sốt rét, bệnh Lyme và virus miền Tây sông Nile. Một bản báo cáo năm ngoái của Nhóm công tác về biến đổi khí hậu và sức khỏe của Mỹ đã phân tích những tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu lên sức khỏe con người.

Mặc dù tập trung chủ yếu vào khu vực Hoa Kỳ, báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu về các thách thức mới mà biến đổi khí hậu mang lại trên toàn thế giới.

”Dân số dễ bị mắc trực tiếp những căn bệnh lan truyền trong một nền khí hậu ấm hơn trong điều kiện phát triển của du lịch và thương mại toàn cầu. Trong khi đó khả năng ứng phó của chúng ta ở cấp quốc gia và quốc tế hiện vẫn còn hạn chế”, báo cáo nói trên ghi nhận.

Báo cáo cũng cho biết, về lâu dài, biến đổi khí hậu có thể gây ra những biến động về xã hội và tình trạng di cư có thể tạo điều kiện thuận lợi để bùng phát một số dịch bệnh như sốt rét, sốt phát ban, dịch hạch và sốt da vàng…