Liên hiệp quốc quan ngại về tác động của thủy điện Don Sahong

ThienNhien.Net – Nhóm Cơ chế đặc biệt của Liên hiệp quốc về nhân quyền (The United Nations Special Procedures) vừa đệ trình một bản báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động của dự án thủy điện Don Sahong tới quyền con người. Vấn đề này được đưa ra xem xét tại kỳ họp thứ 32 của Hội đồng khai mạc ngày 13/6.

Đánh bắt thủy sản trên dòng Mê Kông (Ảnh: voa)
Đánh bắt thủy sản trên dòng Mê Kông (Ảnh: voa)

Báo cáo nhấn mạnh những tác động xuyên biên giới tiềm tàng của dự án đối với hàng triệu người dân sống trên lưu vực sông Mê Kông ở cả Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam bởi lẽ thủy sản và tài nguyên ven bờ chính là nguồn cung cấp lương thực, kế sinh nhai của các cộng đồng dân cư dọc con sông.

Báo cáo cáo buộc dự án thủy điện Don Sahong đe dọa nghiêm trọng tới đời sống người dân địa phương, đặc biệt là tới quyền được hưởng và duy trì một tiêu chuẩn sống thỏa đáng, trong đó bao gồm quyền có đầy đủ lương thực và nơi ở; quyền được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe thể chất và tinh thần; các quyền về văn hóa; quyền về thông tin và sự tham gia cũng như những quyền lợi đối với người dân bản địa.

Bất chấp những quyền này, dự án thủy điện Don Sahong đang được tiến hành mà không có đánh giá đầy đủ về tác động tới môi trường và quyền con người cũng như không có sự tham vấn ý kiến một cách có ý nghĩa đối với những người dân có liên quan.

Theo bà Maureen Harris, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers): “Sông Mê Kông không chỉ có lợi ích về năng lượng mà dòng sông còn giúp duy trì các nhu cầu cơ bản của hàng triệu người. Đập Don Sahong là mối quan tâm về nhân quyền của cả khu vực bởi tiềm ẩn những tác động xuyên biên giới ảnh hưởng đến các cộng đồng địa phương sống ở lưu vực sông Mê Kông.”

Bà Harris cũng cho rằng với mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ mà con đập này gây ra, các nhà phát triển dự án phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định dự án và phải chứng minh cách thức vận hành các giải pháp giảm nhẹ tác động của dự án (bao gồm cả thiệt hại của việc mất luồng di cư của các loài cá), trước khi tiếp tục xây dựng dự án”.

Tháng 2/2016 và sau đó là tháng 3/2016, Nhóm Cơ chế Đặc biệt của Liên hợp quốc về nhân quyền cũng đã gửi thư cho Ủy ban sông Mê Kông, Chính phủ Lào, chính phủ Myanmar và chủ đầu tư phát triển dự án Malaysia Mega First Corporation Berhad để bày tỏ quan ngại với dự án nhưng tới giờ họ vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào.

Hoạt động xây dựng thủy điện Don Sahong vẫn đang được tiến hành và dòng nhánh Hou Sahong, đường di cư chính của các loài cá đã bị chặn, khiến những quan ngại càng trở nên cấp bách. Cá là nguồn lương thực và sinh kế cho người dân hạ lưu. Mùa di cư của cá chính thức bắt đầu vào mùa mưa giữa tháng Sáu, cộng đồng địa phương hiện đã nhận thấy những thay đổi của dòng sông và hoạt động đánh bắt cá của họ.

“Báo cáo đã phản ánh việc thiếu một cơ chế khu vực phù hợp để giải quyết các tác động tới quyền con người của các hoạt động đầu tư xuyên biên giới. Chúng tôi hy vọng báo cáo sẽ giúp Hội đồng Nhân quyền có những hành động quốc tế quyết liệt hơn”- Bà Tanja Venisnik, điều phối viên pháp lý của Tổ chức Earth Rights khu vực Mê Kông chia sẻ.