Khổ cảnh của những người dân “chạy nước” từng ngày (Kỳ 1)

Ngày ngày, từng đoàn người rồng rắn xếp hàng để chờ đến lượt mình lấy nước. Một ngày chỉ được lấy một can nhựa 20 lít mà thôi – đó là khổ cảnh của người dân xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Một “vú sữa”, ba xã dùng chung

Một cái giếng nhỏ trong khuôn viên trường Tiểu học Hải Thành (xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) là điểm tập kết mà hộ dân nào trong xã cũng phải đến mỗi ngày. “Giếng nước nhỏ, đường kính chừng 1 mét, sâu tầm 4 – 5 mét, mực nước trong giếng chưa đến 30 cm bởi vì nó chảy ra được tí nào là bà con múc lên tí ấy ngay lập tức”, chị Hồ Thị Mãnh, một người dân làng Trung Đơn (xã Hải Thành) đến giếng lấy nước nói.

Vì mực nước trong giếng chưa ngập cái gàu, nên mọi người phải chờ nhau mới lấy được nước. 6 cái gàu cùng thả xuống giếng một lần, chờ chừng 5 – 10 phút, tùy lúc, rồi họ lại cùng kéo lên, nước trong gàu chỉ được khoảng 1/3. Tức là, để đổ đầy một can nhựa 20 lít, mỗi người dân cần đến hơn 1 tiếng đồng hồ.

Giếng không lúc nào ngớt người, từ sáng sớm, hay giữa trưa cho đến đêm khuya. Đây là cái cảnh mà hơn 550 hộ dân xã Hải Thành phải trải qua mỗi ngày trong suốt hàng chục năm qua.

Không chỉ người dân trong xã Hải Thành, người dân ở hai xã kế cận là Hải Quế, Hải Thiện cũng tay gàu tay can nhựa sang đây múc nước. “Khổ lắm chú ạ! Ngày mô cũng như ri, mất cả tiếng đồng hồ để lấy nước. Mà không lấy thì biết nước mô mà ăn uống”, chị Hồ Thị Hiền phải đi gần 3km mới đến giếng nói.

Nhiều người dân ở hai xã Hải Thiện, Hải Quế phải đạp xe hơn 5km mới đến giếng.

 
Phèn đặc quánh, vàng khè.

“Cơ khổ! Nước ở đây bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, không dùng được. Phèn đặc quánh, vàng khè, dẻo như kẹo. Nhờ trời, duy chỉ có cái giếng ở trường Tiểu học Hải Thành là không bị nhiễm phèn, mặn nên mọi người mới phải tập trung đến giếng như thế này”, mệ Nhàn, 63 tuổi đi lấy nước tâm sự.

Nước ở đây vô cùng quý và hiếm, ba xã chỉ có duy nhất một cái giếng. Thế nên mới có câu: “Một vú sữa, ba xã dùng chung”.

“Vạn khổ” vì nước

Hải Thành là xã thấp trũng của huyện Hải Lăng. Nguồn nước của cả xã bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng, không thể dùng để ăn uống được. Anh Ngô Ngọc Song, thôn Phước Điền, xã Hải Thành cho biết: “Gia đình anh đã cố công đào giếng nhưng đều vô ích. Giếng nào đào lên đều nhiễm phèn, nhiễm mặn hết”. Mọi việc trong nhà cần dùng đến nước đều phải tính toán kỹ lưỡng, dè xẻn từng ca nước một.

2 ngày gia đình anh đi lấy nước một lần, 4 can nhựa 20 lít chia làm 2 chuyến. “Coi như là mất một buổi chiều”, anh Song nói.

Anh Phan Thanh Nhạn, Chánh Văn phòng UBND xã Hải Thành cho biết: “Phần lớn dân nơi đây đều có giếng khoan, tầm 10 – 20 mét. Nhưng khoan sâu thì gặp mặn, cạn thì nhiễm phèn”.

Gặp hôm nào may mắn có mưa, người dân ở đây như gặp hội. Tất cả xô, chậu, nồi niêu đều được huy động để hứng nước. Vào những tháng trời mưa, người dân tích nước mưa đổ vào bể, còn “những tháng hạn thì phải chầu chực mà lấy nước chứ biết làm sao. Tính ra, mỗi năm, người dân ở đây phải gần 8 tháng đi lấy nước”, anh Song buồn rầu nói.

Người dân ở vùng này nhà nào cũng cố gắng xây được một bể lọc nước bằng đá, cát và than. Bể dùng được vài bữa lại phải thay lớp cát đá khác vì phèn dính vàng trong bể. Nguồn nước qua bể lọc này được dùng để sinh hoạt, tắm rửa hàng ngày. Lượng nước sạch lấy ở giếng về chỉ được dùng cho việc ăn uống.

Có đến ngàn vạn cái khổ vì dùng nước phèn. Nguồn nước không vệ sinh, bệnh tật là điều khó tránh khỏi. Nhiều người dân ở xã Hải Thành đã bị đau mắt, bệnh da liễu, đường ruột, thận…

Nhiều hộ ở xa phải dùng nước phèn để sinh hoạt. Người dân cho biết dùng nước phèn nấu cơm làm cơm có mùi khó chịu, nấu nước chè thì nước màu đỏ quạch, giặt áo quần vàng khè như nghệ.

Chính quyền xã Hải Thành cho hay, đã có nhiều công trình lọc nước được đầu tư ở xã, nhưng rồi cuối cùng không sử dụng được, phải bỏ hoang. Năm 1996, Trung tâm Nước sạch Nông thôn Quảng Trị đầu tư tại thôn Trung Đơn một công trình lọc nước gần 180 triệu nhưng chỉ chạy thử một lần rồi bỏ hoang. Đến nay, hơn 8km đường ống dẫn nước của công trình trên cũng đã hư hỏng hoàn toàn.

Mới đây nhất là 2 công trình nước sạch quy mô nhỏ được xây dựng phục vụ cho 2 xóm ở xã Hải Thành. Tuy nhiên, giá của công trình trên hơn 100 triệu đồng, bản thân người dân cũng như chính quyền xã không đủ kinh phí để xây dựng đại trà.

Mong muốn lớn nhất và cũng là duy nhất của người dân Hải Thành bây giờ là có hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch cho bà con dùng. “Tụi tui cơ cực với chuyện chạy khát từng ngày lắm rồi!”, một người dân nói.