Ông Trương Đình Tuyển: “Nếu trong cam kết mà không làm được thì thay cán bộ”

ThienNhien.Net – “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU tạo điều kiện để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch có tính cạnh tranh cao không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác”, ông Trương Đình Tuyển nói.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại. Ảnh Zing
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại. Ảnh Zing

Tại Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU cơ hội cho doanh nghiệp Việt” diễn ra hôm nay (31/5), ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết, Hiệp định TPP và FTA với EU có những điểm rất khác cần chú ý khai thác.

Theo ông, FTA với EU tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam vì EU là nền kinh tế đứng đầu thế giới, có những năm như 2013 xuất khẩu sang EU đứng đầu của Việt Nam, một số điểm trong FTA với EU linh hoạt hơn so với TPP…

Tuy nhiên, có một số lĩnh vực “nặng” hơn TPP như việc doanh nghiệp nhà nước phải cam kết nhiều hơn hay vấn đề an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng ở Việt Nam còn hạn chế… do đó cần sẵn sàng trải qua những khó khăn kể trên để đón nhận cơ hội từ Hiệp định với EU.

“Cần cải tiến quản trị doanh nghiệp, cải tạo năng lực cạnh tranh, chủ yếu là năng lực cạnh tranh sản phẩm, đây có thể là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Tuyển nói.

Cũng theo ông Tuyển, các Bộ ngành đang dựa vào các cam kết để sửa đổi Luật, đây là yếu tố quan trọng nhất. Theo ông, quyết tâm của Thủ tướng là biến ý chí thành hành động cụ thể trong việc thay đổi thể chế từ hải quan, xây dựng, cấp giấy phép đầu tư…

“Tôi đề nghị các Bộ trưởng nếu trong cam kết thực hiện mà không làm được thì thay cán bộ. Giải pháp rất nhanh chóng để ban hành luật cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, động lực để phát triển kinh tế. Tôi cho rằng đây là điều chúng ta hi vọng”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tất cả những quy định ảnh hưởng đến doanh nghiệp đều phải thông báo đến người dân trước khi lấy ý kiến và dựa vào văn bản đó. Minh bạch hoá là minh bạch điều hành của nhà nước và các quy định của nhà nước liên quan đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn khả năng cải thiện tiếp vì vậy Chính phủ hướng tới mục tiêu minh bạch hoá xây dựng chính sách.

Thứ trưởng Khánh cũng nhấn mạnh rằng, công tác chống tham nhũng là chính sách hàng đầu thể hiện rõ trong Hiệp định TPP, là mục tiêu quan trọng trong chương Minh bạch hoá mà Việt Nam là nước đầu tiên đồng ý việc đưa chống tham nhũng vào.

“Hi vọng thời gian tới sẽ có kết quả cụ thể hơn trong việc chống tham nhũng, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực trong chống tham nhũng bằng việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, cải cách thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong chống tham nhũng, tránh để doanh nghiệp chịu những chi phí không đáng có”, Thứ trưởng Khánh cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng, cuộc chiến chống tham nhũng còn đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ Chính phủ mà từ các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không sẵn sàng đưa ra các khoản tiền cho cơ quan cấp giấy phép có tâm thế chống tham nhũng thì việc chống tham nhũng sẽ có kết quả hơn.

Ngoài ra, Thứ trưởng Khánh cũng đánh giá, việc tham gia đàm phán các FTA thế hệ mới còn thể hiện “tham vọng” đưa Việt Nam vào vị thế đặc biệt.

“Việt Nam hiện là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) kết nối thị trường hơn 600 triệu dân. Khi tham gia các FTA thế hệ mới với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU giúp Việt Nam có thể kết nối với tất cả các nước trên thế giới”, ông Khánh cho hay.