Sạt lở ven biển – vẫn còn đó nỗi lo

ThienNhien.Net – Trong những năm qua, sạt lở đất là vấn đề đáng lo ngại, nhất là vào mùa mưa bão. Hàng năm, sạt lở đất gây thiệt hại rất lớn về tài sản, thậm chí là mối đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Mặc dù được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm nhưng tình trạng này vẫn diễn biến rất phức tạp do nhiều nguyên nhân mà đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục triệt để tình trạng trên.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão của tỉnh Cà Mau, năm 2008, tình trạng sạt lở đất tiếp tục diễn ra với gần 400m bao gồm bờ sông, đê biển và 2 bên vàm ra biển, tập trung ở các huyện: Năm Căn, Đầm Dơi và Ngọc Hiển. Cửa Gành Hào và Hố Gùi là hai nơi sạt lở nghiêm trọng nhất, nguyên nhân do tuyến rừng phòng hộ xung yếu ở đây nhiều đoạn bị xâm hại nặng nề, không còn khả năng phòng hộ nên bị xâm thực, sóng biển to đánh mạnh vào bờ gây sạt lở đất, nhất là vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão.

Tuyến đê phòng hộ biển Tây vừa ngăn mặn, giữ ngọt, chống tràn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vùng Bắc Cà Mau vừa xây dựng thành tuyến giao thông huyết mạch nối liền các cụm dân cư ven biển, Hiện nay, vẫn còn hơn 400 hộ dân đang sinh sống trên đê, ven chân đê, cửa sông, cửa biển trên tuyến phần lớn là dân di cư tự do nghèo khó từ nơi khác đến, thiếu phương tiện mưu sinh. Họ xâm chiếm đất công, cất nhà bằng cây lá tạm để ở, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, vi phạm hành lang an toàn bảo vệ đê biển.

Tuy nhiên chính quyền địa phương ở đây gặp nhiều khó khăn trong việc giải tỏa, di dời các hộ này, đồng thời cũng đã cảnh báo mức độ nguy hiểm về tình trạng sạt lở đất cho người dân bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, do rất đông hộ dân vẫn cất nhà nơi đây sinh sống. Để bảo vệ an toàn và ổn định đời sống cho nhân dân, giảm bớt tình trạng sạt lở đất ven biển Đông, Tây, biện pháp khắc phục trước mắt là trồng cây chắn sóng, gia cố và xây dựng bờ kè.

Song song đó, UBND tỉnh đã cho xây dựng nhiều khu tái định cư để di dời người dân vào nơi an toàn. Tuy nhiên, do đặc thù Cà Mau là vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt nên đời sống người cũng gắn liền với sông, rạch. Người dân thường cất nhà ven sông để thuận tiện cho việc đi lại, mua bán, nhất là đánh bắt thủy sản nên những khu tái định cư xây xong vẫn vắng người. Sạt lở ven sông có phần do quy luật của tự nhiên. Điều quan trọng là con người phải biết chủ động phòng chống, trong khi đó, người dân vẫn rất chủ quan trước thực trạng trên.

Giải quyết vấn đề này cần phải có biện pháp tối ưu, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn; phải huy động mọi nguồn lực, có sự tham gia của các ngành, các cấp, của cả cộng đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương triển khai ngay các biện pháp cấp bách để chủ động phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra. Tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ, công bố các điểm có nguy cơ sạt lở cao, hướng dẫn nhân dân nhận biết dấu hiệu sắp xảy ra sạt lở để phòng tránh. Triển khai nhanh các dự án tái định cư để di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh những giải pháp của các ngành chức năng thì ý thức của cộng đồng là rất cần thiết.