Khai thác khoáng sản lậu ở Phú Thọ: Cán bộ kiểm tra, máy móc mất dấu – Kỳ 2

ThienNhien.Net – Sau khi có được những tư liệu về hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực Đỉnh Đa- Dốc Đỏ, PV đã làm việc với chính quyền địa phương và sự thật dần được hé lộ.

Sau khi có được những tư liệu về hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực Đỉnh Đa – Dốc Đỏ, PV báo Người Đưa tinđã buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Thạch Khoán, nơi quản lý địa bàn.

Quặng tặc ngang nhiên khai thác vận chuyển trái phép.
Quặng tặc ngang nhiên khai thác vận chuyển trái phép.

Trao đổi tin tức với PV, ông Phùng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán cho biết không có chuyện khai thác khoáng sản ở khu vực đó?.

Theo ông Việt, trên đó là diện tích trồng cây lâm nghiệp của các hộ dân. Các hộ dân khai thác cây rừng và thuê người mở đường để vận chuyển gỗ xuống. Việc người dân thuê máy móc làm đường vận chuyển gỗ diễn ra cũng vài năm nay.

Đất rừng bị đào bới để khai thác quặng.
Đất rừng bị đào bới để khai thác quặng.

Khi được PV thông tin về hoạt động có khai thác, vận chuyển đá bằng xe ô tô tại khu vực Đỉnh Đa – Dốc Đỏ, người đứng đầu xã Thạch Khoán tỏ ra ấp úng rồi trả lời: “Chắc là trong quá trình làm đường, họ thấy có khoảng sản nên khai thác”?.

Tiếp tục đặt câu hỏi với ông Việt về việc đơn vị nào đưa máy móc vào để khai thác hay làm đường, ông Việt trả lời: “Về việc này chúng tôi cũng chưa nắm được…”.

Tiếp tục trao đổi với PV, ông Việt cho biết, cách đây một thời gian cũng đã cử cán bộ Địa chính và Trưởng công an xã lên khu vực Đỉnh Đa – Dốc Đỏ kiểm tra. Sau đó, hai cán bộ này về báo cáo có doanh nghiệp đưa máy móc và phương tiện vào đó mở đường.

Phía xã cũng đã mời lãnh đạo doanh nghiệp này ra làm việc nhưng họ chưa ra. Do bận nhiều việc nên cán bộ xã cũng không để ý?.

Ngay sau đó, PV báo Người Đưa tin đã cùng cán bộ địa chính xã Thạch Khoán, lãnh đạo phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) lên hiện trường kiểm tra.

Tại đây hoạt động khai thác đều “im ắng”, máy múc đã được đưa xuống chân núi. Các vỉa đá được khai thác mới lộ ra, vị trí đổ đất thải bóc mặt dày thêm. Con đường từ điểm khai thác khoáng sản trái phép nối ra điểm tập kết khoáng sản băng quan tỉnh lộ 316 vương vãi nhiều đất đá, vệt bánh xe in hằn trên nền đất đỏ.

Khi cán bộ kiểm tra thì máy móc đã "mất dấu".
Khi cán bộ kiểm tra thì máy móc đã “mất dấu”.

Theo tài liệu UBND huyện Thanh Sơn cung cấp, trên địa bàn xã Thạch Khoán chỉ có hai doanh nghiệp gồm công ty CP khoáng sản Phú Thịnh, công ty Khai thác & Chế biến khoáng sản Phú Thọ được cấp phép khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, doanh nghiệp Thu Thịnh đóng trên địa bàn xã Thạch Khoán có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Đỉnh Đa- Dốc Đỏ thuộc thôn Đồng Bung xã Thạch Khoán.

Theo đó, sau khi máy múc đào bới và xúc khoáng sản lên xe, các xe tải chở quặng bằng qua đường rừng về điểm tập kết nằm cách điểm khai thác hơn 1km. Từ đây khoáng sản được sơ chế rồi hợp thức hoá bán ra thị trường. Công ty này trước đây có hợp đồng mua đất thải của một mỏ quặng trên địa bàn để đổ đất nền và tận thu để bán.

Hợp đồng đã kết thúc từ năm 2012 nhưng công ty này nại ra việc không bán được dẫn đến hàng tồn kho, đến nay mới bán để đánh lừa dư luận và che đậy việc khai thác và bán quặng khai thác trái phép của mình.

“Một doanh nghiệp không được cấp phép khai thác lại ngang nhiên khai thác lậu giữa thanh thiên bạch nhật, cách trụ sở UBND xã 1 km rồi chở về bãi chế biến và bán lấy tiền là hành vi coi thường pháp luật.

Việc thất thoát tài sản của nhà nước là một chuyện, còn vấn đề kỷ cương phép nước, việc thượng tôn pháp luật cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan công quyền cấp xã, huyện đến đâu. Hay để đến khi họ bạt hết quả núi thì chính quyền các cấp mới vào cuộc”, một người dân xã Thạch Khoán tâm tư.

Trách nhiệm của các cấp về việc thất thoát tài nguyên của nhà nước ra sao.
Trách nhiệm của các cấp về việc thất thoát tài nguyên của nhà nước ra sao.

Trong chỉ thị số 06 ngày 26/6/2014 của UBND huyện Thanh Sơn về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn nêu rõ, đối với những địa bàn có nguy cơ xảy ra hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển kinh doanh khoáng sản trái phép, chủ tịch UBND xã, thị trấn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện nếu để xảy ra vi phạm về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn mình quản lý.

Theo ý kiến của một cán bộ phòng Tài nguyên & Môi trường Thanh Sơn, việc đưa máy móc vào mở đường hay đào bới vận chuyển đá dưới bất kỳ hình thức nào vào đất lâm nghiệp đều phải được sự cho phép của chính quyền địa phương.Nếu là khai thác khoáng sản nhất thiết phải được cấp phép.Nếu không có là vi phạm pháp luật.

Lãnh đạo huyện Thanh Sơn nói gì?

Trao đổi với PV báo Người Đưa tin, ông Nguyễn Hữu Tám, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thanh Sơn cho biết: Sau khi nhận được phản ánh về việc có tình trạng khai thác vận chuyển trái phép khoáng sản, Phòng đã giao cho cán bộ xuống kiếm tra ghi nhận ban đầu. Chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo lãnh đạo UBND huyện Thanh Sơn để có biện pháp chỉ đạo xử lý tiếp theo.

Thông thường về phía huyện sẽ phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đi kiểm tra. Sau đó, căn cứ vào kết quả đó để có các biên pháp xử lý tiếp theo.