Sống khỏe với… hạn, mặn (2): Cái khó ló cái khôn

ThienNhien.Net – Trồng xen canh vụ lúa vụ dưa lê; chuyển đổi trồng tiêu cho vùng khô hạn; ứng dụng lúa lai tạo chịu mặn cao… là những cách làm hay của nông dân tỉnh Kiên Giang.

Kiên Giang là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn với hơn 55.000 ha lúa bị ảnh hưởng. Người dân nơi đây phải chịu cảnh “khóc hết nước mắt” khi nhìn cây lúa chết đứng, héo khô trên đồng ruộng. Nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, nông dân vẫn có nhiều cách để ứng phó với thiên tai.

Bỏ lúa lấy dưa lê

Từ đầu tháng 3-2016 đến nay, trên khắp các cánh đồng dưa lê trĩu trái ở xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận là cảnh nhộn nhịp, tất bật thu hoạch của bà con nông dân. Tiếng cười nói rôm rả trong niềm vui trúng mùa đẩy lùi nỗi lo thời tiết nắng hạn nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Út (ngụ ấp Hòa Tân, xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) bên vườn tiêu năng suất cao (Ảnh: Bùi Chiên)
Bà Nguyễn Thị Út (ngụ ấp Hòa Tân, xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) bên vườn tiêu năng suất cao (Ảnh: Bùi Chiên)

Gia đình ông Huỳnh Văn Em (ngụ xã Tân Thuận) bội thu vụ dưa lê năm nay. Ông Em khoe: “Hình như cây dưa lê “khoái” nắng hạn hay sao mà tươi tốt quá trời. Chỉ với 4 công (4.000 m2) thôi mà tôi đã hái được hơn 8 tấn cho 5 đợt đầu tiên, bán được gần 50 triệu đồng. Chắc chắn từ nay đến cuối vụ, tôi sẽ hái khoảng 5 đợt tương tự như vậy nữa”.

Gần đó, ruộng dưa lê của anh Huỳnh Văn Luân cũng đang vào đợt thu hoạch. Đây là đợt thu hoạch thứ 4 kể từ đầu vụ đến nay của gia đình anh. Mỗi đợt thu hoạch, anh xuất bán khoảng 1 tấn. Với giá cả ổn định, sau khi trừ mọi chi phí, vụ dưa lê năm nay mang về cho gia đình anh hàng chục triệu đồng. Anh Luân tâm sự: “Dưa chịu hạn hán tốt, không lo nắng hạn. Cứ bám cây lúa như trước đây thì khó mà ăn!”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận, hiện toàn huyện có hơn 70 hộ trồng loại dưa này với diện tích gần 100 ha. Với nhiều năm kinh nghiệm sản xuất hoa màu, đa số người dân đều nắm vững các kỹ thuật chăm sóc, xử lý sâu bệnh gây hại nên năng suất cao.

Ông Ngô Văn Cưng – Trưởng ấp Thắng Lợi, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận – chia sẻ: “Bà con rất phấn khởi, vừa thu hoạch trúng mùa lại được giá. Trồng chuyên lúa như trước đây không “ăn” bằng xen vụ dưa lê”.

Sống khỏe nhờ tiêu

Trước tình hình khô hạn ngày càng phức tạp, ông Giang Hồng Ân – ngụ xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang – quyết định đầu tư hơn 7 triệu đồng mua mô-tơ điện và hệ thống ống dẫn để đưa nước ngọt từ chân núi lên cấp nước cho rẫy tiêu. Nhờ hệ thống đường ống dẫn nước này, hơn 500 gốc tiêu của gia đình ông Ân vẫn sống khỏe trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết. Năm nay, lợi nhuận gia đình ông Ân thu về khoảng 100 triệu đồng từ tiêu. “Mọi năm, sau Tết cũng có vài đợt mưa, còn năm nay hạn riết từ cuối tháng 10-2015. Khu vực này là đất cát pha sỏi, giữ nước kém nên dù bơm nước ngập các rãnh chưa đầy 20 phút thì đã rút cạn khô. Để tiết kiệm chi phí, tôi pha nước máy với nước giếng khoan rồi mới tưới cho tiêu” – ông Ân chia sẻ kinh nghiệm.

Đánh giá mô hình này, ông Đoàn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Hà Tiên, cho rằng đây là hướng đi đúng của nông dân trong việc chuyển đổi cây trồng thích nghi với biến đổi thời tiết. Hội Nông dân thị xã Hà Tiên cũng đã phối hợp Phòng Kinh tế thị xã, các trạm khuyến nông hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nguồn nước, phủ lưới cước trên ngọn tiêu để hạn chế nắng nóng; đồng thời áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc hồ tiêu trong điều kiện nắng hạn nhằm tránh thiệt hại. “Hiện vẫn chưa có diện tích tiêu nào ở thị xã Hà Tiên bị thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước tưới; ngược lại vẫn sinh trưởng tốt, cho năng suất cao” – ông Vinh nói.

Chinh phục hạn, mặn

Bà con nông dân xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đang thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân 2015-2016. Toàn bộ diện tích 7 ha trồng giống lúa GKG9 của ông Bùi Văn Hưng (tổ trưởng tổ nhân giống cấp xác nhận 1 ấp Kiên Bình, xã Sơn Kiên) vừa thu hoạch xong được bà con trong và ngoài ấp mua với giá 4.900 đồng/kg. Ông Hưng hồ hởi: “Lúa chưa cắt, bà con đã đặt tiền cọc để chia giống. Vụ đông xuân năm nay, trừ chi phí, tôi lãi gần 140 triệu đồng”.

Ở xã Sơn Kiên và nhiều xã khác của huyện Hòn Đất, đất ruộng bị nhiễm phèn nặng, không thể canh tác những giống lúa thông thường mà phải thay bằng giống lúa chịu phèn, mặn. Vì vậy, từ năm 2014, ông Hưng cùng 3 anh em ruột tìm mua giống nguyên chủng GKG9, GKG5 do Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp tỉnh Kiên Giang lai tạo để canh tác và nhân giống xác nhận cho bà con nông dân. “Năm năm trước, bà con chủ yếu làm giống IR50404, sau đó chuyển sang một số giống lúa khác nhưng năng suất cũng rất thấp. Sử dụng thử giống GKG9, không ngờ phù hợp cả 2 vụ lúa, năng suất đạt từ 1,1 – 1,2 tấn/công (1.000 m2), có vụ trúng đạt 1,3 tấn/công” – ông Hưng nói.

Tổ nhân giống lúa cấp xác nhận 1 ấp Kiên Bình hiện có 18 hộ tham gia với 60 ha, sản xuất 2 giống lúa GKG9 và GKG5. Nông dân nơi đây đã tìm ra được phương cách chinh phục hạn, mặn bằng những giống lúa năng suất cao này.

Kỳ tới: “Siêu” lúa chống mặn

Nhân rộng giống mới

TS Ngô Đình Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp tỉnh Kiên Giang, cho biết vụ lúa đông xuân 2015-2016, trung tâm triển khai khảo nghiệm sản xuất 1 bộ giống mới tại 11 huyện, thành phố trong tỉnh, gồm các giống GKG5, GKG9, OM178, GKG14, OM9921, OM5451. Đây là những giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 90 đến 100 ngày, chống chịu được một số sâu bệnh chính và chịu được phèn, mặn khá, gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Kết quả tại 3 điểm đã thu hoạch cho thấy năng suất các giống khảo nghiệm tại U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên đạt từ 4,38 đến 5,26 tấn/ha, giống có năng suất trung bình cao nhất là OM178 đạt 5,26 tấn/ha, giống GKG5 đạt 5,12 tấn/ha.