Căng thẳng nguồn nước qua dãy Himalaya

ThienNhien.Net – Ngoài tranh chấp với nhiều quốc gia ở biển Hoa Đông và biển Đông, Trung Quốc còn đang đôi co với Ấn Độ xung quanh chuyện nguồn nước. Trên dãy Himalaya, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều ráo riết cạnh tranh để giành nguồn nước và cơ hội xây đập thủy điện.

Sông Yarlung chảy trên đất Tây Tạng (Ảnh: wikipedia)
Sông Yarlung chảy trên đất Tây Tạng (Ảnh: wikipedia)

Ngoài tranh chấp với nhiều quốc gia ở biển Hoa Đông và biển Đông, Trung Quốc còn đang đôi co với Ấn Độ xung quanh chuyện nguồn nước. Trên dãy Himalaya, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều ráo riết cạnh tranh để giành nguồn nước và cơ hội xây đập thủy điện trên dòng sông mà người Trung Quốc gọi là Yarlung Tsangpo, trong khi tên Ấn Độ là Brahmaputra.

Cuộc tranh chấp này để lại nhiều bài học đắt giá trong việc hợp tác khu vực nhiều lĩnh vực, không chỉ tài nguyên nước và đặt ra những nguy cơ trong trường hợp cả Trung Quốc và Ấn Độ không kiểm soát được tình hình, theo tạp chí National Interest (Mỹ).

Trên vỡ đập, dưới chịu trận

Con sông dài 2.880km bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc), nơi nó được gọi là Yarlung Tsangpo trước khi chảy vào phía đông bắc Ấn Độ. Từ đây nó được gọi là Brahmaputra. Chảy tới đất Bangladesh, nó có thêm tên là Jamuna.

Cuộc xung đột nguồn nước bắt đầu từ ngày 11/6/2000, khi một con đập ở Tây Tạng bị vỡ gây ra lũ quét. Hậu quả là 30 người ở bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ thiệt mạng, nhiều nhà cửa, công trình bị phá hủy. Một số chính trị gia Ấn Độ nói trận lụt là do phía Trung Quốc cố tình gây ra, thậm chí còn cho rằng Trung Quốc sẽ vũ trang hóa hoặc chặn dòng nước để khống chế Ấn Độ.

Tình hình giảm nhiệt khi hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy con đập bị vỡ là do các nguyên nhân tự nhiên. Sau đó, năm 2002, Trung Quốc và Ấn Độ ký bản ghi nhớ đầu tiên về chia sẻ thông tin thủy văn trong các tháng mùa mưa, trước đó đã bị ngắt quãng sau khi nổ ra cuộc chiến biên giới 1962.

Vấn đề nguồn nước căng thẳng trở lại vào năm 2008 khi Chính phủ Trung Quốc thông báo kế hoạch xây dựng thủy điện Tang Mộc. Nằm ở đoạn giữa sông Yarlung Tsangpo, con đập trong mắt nhiều nhà quan sát Ấn Độ coi là sự khởi đầu của một kế hoạch đảo nước của Trung Quốc, khiến sông Brahmaputra khô cạn. Các phỏng đoán và nghi ngờ đi xa hơn khi Trung Quốc từ chối chia sẻ các thông tin được cho là “các vấn đề nội bộ” và những bất nhất trong thông tin mà các quan chức chính phủ đưa ra.

Mối lo ngại của Ấn Độ lên cao tới mức một số nhà bình luận của nước này đã đưa ra lời cảnh báo về một cuộc chiến nguồn nước xung quanh con sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra, cho rằng đảo nước sông tương đương với một lời tuyên chiến. Căng thẳng này nhanh chóng làm dấy lên các lo ngại trong Quốc hội Ấn Độ và trở thành vấn đề ưu tiên trong quan hệ với Trung Quốc. Ấn Độ liên tục tìm kiếm những lời đảm bảo từ Trung Quốc và thúc đẩy phía Trung Quốc chia sẻ thêm thông tin. Chuyện nguồn nước nan giải nay lan qua các kế hoạch xây đập lớn cũng như kế hoạch “đảo nước” của Trung Quốc.

Với năng lực tạo ra 79 gigawatt (mỗi gigawatt tương đương 1 tỷ watt) của Yarlung Tsangpo, Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng 20 con đập dọc theo dòng sông. Thêm nữa, quốc gia này cũng có kế hoạch xây dựng một dự án đảo nước lớn nhằm đưa nước từ cao nguyên Thanh – Tạng, nơi con sông khởi nguồn, tới vùng phía bắc khô cằn.

Sông Yarlung/Brahmaputra trên bản đồ (Ảnh: wikipedia)
Sông Yarlung/Brahmaputra trên bản đồ (Ảnh: wikipedia)

Ấn Độ lo ngại Trung Quốc sẽ “khóa vòi” con sông, nghĩa là 30% lưu lượng nước sẽ không tới được Ấn Độ.

Tuy nhiên, mặc dù kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn nữa, Ấn Độ cũng chạy đua với thời gian xây các đập thủy điện trên sông Brahmaputra. Ngoài chuyện tận dụng năng lực thủy điện của dòng sông, các con đập còn giúp Ấn Độ khẳng định chủ quyền ở bang biên giới gây tranh chấp Arunachal Pradesh (vùng đất này được phía Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng). Nhưng cho dù Ấn Độ lên tiếng cảnh báo, có rất ít khả năng xảy ra một cuộc chiến theo nhận định của National Interest. Nhiều số liệu cho thấy các hoạt động của Trung Quốc chưa ảnh hưởng đến dòng chảy. Ví dụ, các đập của Trung Quốc được xác nhận là loại đập tràn, không có hồ chứa. Trung Quốc cũng hủy bỏ kế hoạch nắn dòng sông vì chi phí quá cao và ẩn chứa nhiều hiểm họa môi trường. Các lãnh đạo Trung Quốc nhắc đi nhắc lại họ không muốn quan hệ với các nước láng giềng trở nên thù địch. Và có một sự thực khách quan: 70% lượng nước của sông Brahmaputra đến từ các cơn mưa trên đất Ấn Độ.

Phơi lộ nhiều vấn đề

Cho dù chưa có cuộc chiến nguồn nước nào xảy ra, mối quan hệ an ninh nguồn nước giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn khiến các bên quan tâm vì ba lý do chính. Thứ nhất là những tranh chấp nguồn nước rất có thể dẫn đến căng thẳng biên giới vốn đã rất nhạy cảm, gây ra những đồn đoán nhiều khi rất xa với sự thật. Thứ hai, tranh chấp nước giữa Trung Quốc và Ấn Độ còn cho thấy các vấn đề về quản lý tài nguyên và an ninh vùng. Thứ ba, tình trạng chia sẻ thông tin hạn chế giữa các bên trong đó có nguồn nước đã cho thấy hợp tác sâu hơn là rất khó khăn.

Sông Brahmaputra trên đất Ấn Độ (Ảnh: wikipedia)
Sông Brahmaputra trên đất Ấn Độ (Ảnh: wikipedia)

Có thể thấy rằng nhiều lo ngại của phía Ấn Độ là ít có căn cứ, nhưng cũng một phần bắt nguồn từ những “khoảng trống thông tin” từ phía Trung Quốc. Cuộc tranh chấp một lần nữa chứng tỏ tầm quan trọng của việc minh bạch đối với giao thiệp của các bên, cần đối thoại nhiều hơn dựa trên cơ sở trao đổi thông tin, thay vì được định hình từ những thành kiến mang tính lịch sử. “Ấn Độ không có gì phải lo lắng”, Romesh Bhattacharji, cựu quan chức Ấn Độ, người đã đi dọc gần hết biên giới Trung – Ấn, nói với tạp chí Diplomat (Nhật Bản). “Tang Mộc là loại đập tràn và nước sông Brahmaputra sẽ tiếp tục chảy về Ấn Độ sau khi người Trung Quốc tích nước (xây đập) trong thời gian ngắn”.

Tuy nhiên không phải người Ấn Độ nào cũng lạc quan như ông Bhattacharji. Các đập của Trung Quốc trên sông Yarlung Tsangpo có thể là đập tràn nhưng chúng là “mối quan tâm cực lớn của những nước hạ du”, Ramaswamy Iyer, cựu thư ký của cơ quan quản lý Tài nguyên nước thuộc Chính phủ Ấn Độ, nói.

Theo ông, cho dù là đập tràn thì tác động của các con đập đến dòng sông có thể rất lớn. “Đoạn chặn dòng để đặt turbine phát điện và nơi nước quay lại nhập dòng có thể dài tới 10km, thậm chí trong một số trường hợp là 100km. Sẽ có cả loạt đứt đoạn như thế với một chuỗi đập”, ông Iyer nhận định.

“Môi trường sẽ bị tác động nghiêm trọng. Đập tràn nhiều đồng nghĩa với một dòng sông chết. Các turbin cứ hoạt động rồi nghỉ, có nghĩa là nước bị ách lại rồi lại được giải phóng. Không hệ động thực vật thủy sinh nào, không cộng đồng cư dân hạ du nào có thể chung sống với những biến đổi như thế”.