Vụ xâm phạm hồ Đankia-Suối Vàng: Cơ quan chức năng vào cuộc

ThienNhien.Net – Ngày 29/3, Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh về tình trạng xả thải và lấn chiếm lòng hồ Đankia-Suối Vàng thuộc địa bàn thị trấn Lạc Dương.

Theo báo cáo, đã có một trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính và một trường hợp bị lập biên bản đình chỉ. Các hoạt động san ủi đất trong khu vực này cũng ngừng hoàn toàn.

Một phần lòng hồ bị người dân san ủi để làm vườn trồng hoa. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Một phần lòng hồ bị người dân san ủi để làm vườn trồng hoa (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, hiện trạng khu vực đất sản xuất liền kề với lòng hồ Đankia có 4 trường hợp san ủi đất với tổng diện tích 3,232ha, trong đó, vị trí 1 do ông Kră Jăn Mơ (ngụ thị trấn Lạc Dương) san ủi, mở đường để phục vụ sản xuất nông nghiệp của gia đình với chiều dài hơn 100m.

Cơ quan chức năng đã lập biên bản đình chỉ và yêu cầu ông Mơ trả lại đất lòng hồ.

Tại vị trí san ủi số 3, cơ quan chức năng xử phạt hành chính 5 triệu đồng với ông Cill Síp (thị trấn Lạc Dương) vì đã có hành vi lấn chiếm đất thuộc lòng hồ Đankia với diện tích 0,2ha.

Bên cạnh đó, yêu cầu ông Cill Síp phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của lô đất trên.

Đối với các vị trí san ủi số 2 và số 4 với tổng diện tích đã đổ đất, san gạt là 3ha, cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ để đề xuất xử lý theo quy định.

Ghi nhận của phóng viên, trong ngày 29/3, khác hẳn hoạt động san ủi diễn ra rầm rộ cách đây một tuần, các loại xe cơ giới, máy ủi đã rút khỏi khu vực thượng nguồn hồ Đankia (đoạn giáp với tổ dân phố Đankia, thị trấn Lạc Dương). Các hoạt động san đất làm vườn trong khu vực này đã tạm ngưng.

Như tin đã đưa, thời gian qua khu vực lòng hồ Đankia-Suối Vàng liên tục bị xâm hại bằng nhiều hình thức, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan tự nhiên, nguồn cung cấp nước cho thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương.

Đặc biệt là hiện tượng người dân sử dụng xe cơ giới san gạt, lấn chiếm lòng hồ Đankia để làm đất sản xuất nông nghiệp, gây ra tình trạng bồi lắng, thu hẹp khiến dung tích hồ chứa này giảm cả triệu mét khối so với trước đây.