Việc xây dựng Resort Le Mont tại Vườn Quốc gia Ba Vì là xem thường pháp luật

ThienNhien.Net – Đã hơn nửa tháng kể từ khi Bộ NNPTNT có văn bản nêu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp thành lập đoàn thanh tra về những sai phạm của Resort Le Mont tại Vườn Quốc gia Ba Vì. Trao đổi với Lao Động, ông Cao Chí Công – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) – cho hay: Hiện tại đoàn thanh tra đang từng bước tiến hành điều tra để xử lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng. Để tránh vụ việc rơi vào quên lãng, chúng tôi xin giới thiệu bài viết riêng cho Lao Động của GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT (ảnh). Theo chúng tôi, đây là những phân tích hết sức cặn kẽ căn cứ trên hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời đề xuất các phương án để giải quyết triệt để vấn đề (tít chính và phụ của bài viết do tòa soạn đặt).

GS Đặng Hùng Võ (Ảnh: Lao Động)
GS Đặng Hùng Võ (Ảnh: Lao Động)

Phải được Quốc hội xem xét, không được tùy tiện cấp phép

Về hợp đồng “liên kết kinh doanh” số 112 ký kết năm 2008 giữa Ban Quản lý Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì (BQL) và Công ty TNHH Phát triển công nghệ (Cty CFTD), trước khi bàn về vấn đề lợi ích – là linh hồn của mọi hoạt động kinh doanh, ta cần bàn để hiểu thêm về câu chuyện pháp lý vốn còn nhiều trúc trắc.

Một trong những “kế sách” để lách luật là dựa vào các thuật ngữ pháp lý được tự hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Trong trường hợp của Le Mont, thuật ngữ pháp lý cơ bản nhất là “hoạt động liên doanh, liên kết” khai thác dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng trong vườn quốc gia. Mặc dù Công văn số 1847/BNN-KL ngày 1.7.2008 của Bộ NNPTNT có sử dụng thuật ngữ đó, nhưng tại thời điểm này, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 vẫn chưa có quy định rõ ràng về hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái mà chỉ yêu cầu phải có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại Nghị định số 23/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật này, Điều 55 chỉ cho phép BQL tự thực hiện hoặc cho tổ chức, cá nhân khác thuê rừng để kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trong rừng khi đã có dự án được phê duyệt. Tại Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14.8.2006 của Thủ tướng Chính phủ, Điều 22 (Hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng) có quy định về hình thức “liên doanh, liên kết” nhưng phải dựa trên cơ sở cho thuê môi trường rừng hoặc sử dụng quyền sử dụng đất và giá trị kinh tế của tài nguyên đa dạng sinh học và cảnh quan rừng.

Như vậy, trong giai đoạn này, thuật ngữ “liên doanh, liên kết” có được vận dụng thì phải hiểu đúng ngữ nghĩa là dựa trên cơ chế cho thuê rừng hoặc sử dụng quyền sử dụng đất rừng mà việc sử dụng quyền sử dụng đất phải tuân thủ pháp luật về đất đai.

Mãi tới năm 2010, Điều 23 của Nghị định số 117/2010/NĐ-CP về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng mới cho phép BQL được liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân khác để tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái. Theo Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định 117, Bộ NNPTNT đã hướng dẫn tại Điều 8 nội dung BQL “liên kết” hoặc “liên doanh” với tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh dịch vụ nhưng không thành lập pháp nhân mới.

Theo Luật Đầu tư năm 2005, các hình thức này đều được gọi tên là hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). “Soi” lại Hợp đồng liên kết kinh doanh số 112 nói trên, ngoài chuyện ký kết trước khi pháp luật cho phép “liên kết, liên doanh” mà còn thỏa thuận trái cả pháp luật hiện hành: Điều 8 của hợp đồng cho phép bên B chủ động chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ hợp đồng cho bên thứ ba và Điều 12 cho phép bên B thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án.

Thuật ngữ “liên kết, liên doanh” được sử dụng rất nhiều lần trong các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, nhưng có nội dung rất khác nhau; mặt khác, không có hướng dẫn cụ thể về “sử dụng quyền sử dụng đất rừng đặc dụng”. Như vậy, khi xem xét về góc độ pháp lý của Hợp đồng 112 cần tập trung vào nội dung theo luật gốc là Luật Đầu tư, đừng chỉ nhìn vào hình thức.

Dưới góc nhìn của Luật Đất đai, BQL là một đơn vị sự nghiệp, được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, không phải là tổ chức kinh tế sử dụng đất đã trả tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất để được ký hợp đồng liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng trên đất. Như vậy, việc ký hợp đồng liên doanh, liên kết theo quy định tại Nghị định 117 nói trên rõ ràng chỉ trong phạm vi tổ chức kinh doanh các tour du lịch sinh thái dưới tán rừng, không được động đến xây dựng trên đất. Chính vì thế, việc BQL đất vào liên doanh và việc Cty CFTD xây dựng resort đều hoàn toàn trái Luật Đất đai.

Còn dưới góc nhìn của pháp luật đầu tư, cũng chỉ cho phép các tổ chức kinh tế mới được ký các hợp đồng liên doanh, liên kết để thực hiện các dự án đầu tư. Chắc chắn, một đơn vị sự nghiệp không hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp không thể tham gia thị trường đầu tư.

Theo pháp luật hiện hành, tại thời điểm hiện tại thì việc trình, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư thuộc VQG lại được điều chỉnh theo Luật Đầu tư công (từ Điều 7 tới Điều 10). Vườn quốc gia là tài sản công, nếu đầu tư bằng nguồn vốn tư thì phải lập dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo Điều 7 của Luật Đầu tư công, dự án sử dụng từ 50ha đất VQG trở lên thuộc nhóm “dự án quan trọng quốc gia”; và theo Điều 17, nhóm dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Như vậy, lúc này thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như dự án đầu tư không còn thuộc Bộ NNPTNT nữa, mà Bộ này phải trình lên Quốc hội xem xét.

3 giải pháp cho sai phạm ở VQG Ba Vì

Căn cứ hợp đồng giữa VQG Ba Vì và Cty CFTD, có thể thấy rằng lợi ích mà toàn dân thu được chỉ là 8 tỉ đồng trong 50 năm hợp tác. Hơn nữa, Điều 6 của Hợp đồng 112 còn thỏa thuận rằng bên B được trích hoa hồng từ tiền vé vào cổng VQG đối với khách của bên B từ 10% tới 30% (tùy theo lượng khách) và thỏa thuận thêm đối với khách ở dài ngày. Về nguyên tắc, tiền vé vào cổng VQG phải thu về ngân sách, nay bên B lại lấy vào đó là không thuộc thẩm quyền thỏa thuận của BQL.

Về nguyên tắc, VQG là vô giá, nhưng cũng có thể tính toán phần giá trị theo khung giá của Chính phủ. Nếu chỉ tính giá trị đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn với mức giá trung bình tại Đồng bằng Sông Hồng theo khung giá thời điểm đó thì cũng đã khoảng 2,5 tỉ đồng mỗi năm cho hơn 50ha. Nếu tính theo khung giá hiện hành thì còn tăng tới gần 34 tỉ đồng. Thông thường, giá trị này được so sánh với giá trị đầu tư xây dựng để tính phân chia lợi ích cho hai bên liên kết kinh doanh.

Công trình xây dựng tại Le Mont Ba Vì (Ảnh: T.C.A/Lao Động)
Công trình xây dựng tại Le Mont Ba Vì (Ảnh: T.C.A/Lao Động)

Những con số giá trị đất đai cỡ nghìn tỉ đồng (năm 2007) và chục nghìn tỉ đồng (năm 2014), so với giá trị mà toàn dân có được là 8 tỉ đồng theo thỏa thuận tại Hợp đồng 112, quả là như lỗ kim so với voi. Như vậy, một người bình thường cũng có thể suy luận rằng 8 tỉ đồng chỉ là phần bề nổi, còn phần chìm là bao nhiêu? Một trong những cách thức thường thấy trong tham nhũng về đất đai tồn tại dưới dạng chủ sử dụng đất là tổ chức của Nhà nước ký hợp đồng với giá thấp và nhận phần chênh lệch ngoài hợp đồng để bỏ vào túi cá nhân. Muốn hay không thì câu hỏi này luôn được đặt ra và cần chuyển sang điều tra trách nhiệm hình sự.

Tóm lại, hợp đồng liên kết kinh doanh 112 và việc xây dựng Resort Le Mont có thể liệt vào hàng xem thường pháp luật, kể cả pháp luật lúc xảy ra hành vi lẫn pháp luật hiện hành. Câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là xử lý như thế nào? Tất nhiên, chỉ có 3 cách xử lý.

Thượng sách là xử lý theo hành chính với mức xử phạt vi phạm hành chính phù hợp và phải khôi phục lại hiện trạng như trước khi xảy ra hành vi phạm pháp luật. Cách này giúp cho làm nghiêm kỷ cương, lấy được lòng tin của dân và bước thêm một bước tới nhà nước pháp quyền thực sự, nhưng có thể gây thiệt hại vật chất đã đầu tư. Thiệt hại này được coi như cái giá phải trả cho sự tiến bộ của xã hội.

Trung sách là xử lý theo cách chuyển sang điều tra trách nhiệm hình sự vì đây là vi phạm pháp luật đất đai trên phạm vi lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về thu cho Nhà nước và có biểu hiện tham nhũng. Ưu điểm của cách này là làm rõ được có tham nhũng hay không và cũng lấy được lòng tin của dân, cũng như xây dựng được Nhà nước pháp quyền trong sạch.

Hạ sách là ngừng lại việc khai thác resort để làm thủ tục đầu tư từ đầu. Lúc này, dự án mới phải được Chính phủ trình lên Quốc hội xin chủ trương đầu tư (theo quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư công) và dự án phải lập theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Ưu điểm là không lãng phí giá trị đã đầu tư nhưng vi phạm pháp luật. Nhược điểm là làm cho nhân dân cảm thấy như “chìm xuồng”, kỷ cương còn ở khá xa.

Nguồn: