Đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng 400.000ha đất lúa

ThienNhien.Net – Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 7/3 về phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đề nghị Quốc hội cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng 400.000 ha diện tích đất trồng lúa.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, hiện diện tích trồng lúa của cả nước là hơn 4,03 triệu ha. Theo Nghị quyết của Quốc hội giai đoạn 2016-2020 đất trồng lúa được giảm 218.310 ha. Tuy nhiên, trên cơ sở xem xét, cân đối kết quả thực hiện và đề xuất nhu cầu của các địa phương, dự kiến đến năm 2020, đất trồng lúa cả nước là hơn 3,76 triệu ha (giảm 270.360 ha so với năm 2015). Theo tính toán, với diện tích đất trồng lúa là 3,76 triệu ha và năng suất bình quân khoảng 60 tạ/ha thì sản lượng lúa vẫn đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia.

“Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội biểu quyết thông qua diện tích đất trồng lúa cấp quốc gia đến năm 2020 là 3.760.390 ha. Trong diện tích đất trồng lúa đó, cho phép khoảng 400.000 ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng được bảo vệ, không làm mất các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại được, nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.

Tán thành với đề xuất trên, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói thêm: “Bộ Chính trị đã có Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, theo đó, nhấn mạnh nhiệm vụ quy hoạch, bảo vệ và sử dụng hiệu quả 3,8 triệu ha đất lúa, do vậy, cần được báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị”.

Đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng 400.000ha đất lúa
Ảnh minh họa: Kinh tế nông thôn

* Về đất rừng phòng hộ, hiện diện tích rừng phòng hộ có gần 5,65 triệu ha, trong đó có khoảng 3,94 triệu ha rừng tự nhiên, trên 626.000 ha rừng trồng, còn lại là diện tích đất khoanh nuôi, quy hoạch để trồng rừng.

Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ bảo vệ nghiêm ngặt khoảng trên 4,4 triệu ha diện tích rừng hiện có; phục hồi và trồng mới khoảng 240.000 ha. Trong đó khu vực ven biển sẽ bảo vệ 310.000 ha đất có rừng, phục hồi gần 10.000 ha và trồng mới 46.000 ha rừng phòng hộ ven biển để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, giai đoạn này sẽ chuyển khoảng 100.000 ha rừng phòng hộ sang rừng đặc dụng để thành lập các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan.

“Để phát triển kinh tế rừng một cách bền vững, góp phần giải quyết việc thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết vấn đề di cư tự do; đồng thời bố trí cây trồng một cách hợp lý, đề nghị Quốc hội biểu quyết thông qua cho chuyển 1,1 triệu ha diện tích đất quy hoạch để trồng, khoanh nuôi rừng phòng hộ tại các khu vực ít xung yếu để phát triển rừng sản xuất”, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề xuất.

Đối với vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần đưa ra cơ sở tính toán khoa học để xác định nước ta cần bao nhiêu diện tích rừng phòng hộ, bảo đảm cho công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

“Trên cơ sở đó, Chính phủ tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng rừng, khoanh định diện tích rừng phòng hộ; xây dựng quy chế quản lý, sử dụng riêng đối với diện tích 1,1 triệu ha rừng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất để khai thác, sử dụng hợp lý”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, dù có điều chỉnh như thế nào cũng phải tránh tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai tại địa phương mà Trung ương không biết.

“Tôi đồng tình với việc chuyển diện tích đất trồng lúa sang trồng cây khác, nhưng khi cần vẫn phải chuyển được về trồng lúa để ta có thể chủ động sử dụng nguồn đất này.

Ngoài ra, phải phát huy hiệu quả việc rồng rừng tại các đô thị, đồng bằng, ven sông, ven biển, chứ không chỉ trồng tại các vùng miền núi. Để tăng được độ che phủ rừng lên 42% là một cuộc cách mạng. Tới đây trong các chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với việc sử dụng đất”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.