Khai thác kiệt san hô đen ở đảo Lý Sơn

ThienNhien.Net – Ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, giá san hô đen tăng cao khiến thị trường khai thác – tiêu thụ sản vật này trở nên sôi động. Điều đó đã làm gia tăng số người đi săn san hô đen ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), bất chấp lệnh cấm và những nguy hiểm đe dọa tính mạng. Cũng chính vì thế, loài san hô đen đang có nguy cơ cạn kiệt.

Theo thông tin đăng tải trên báo Đời sống và Pháp luật ngày 17/06/2010, khoảng chục năm trở lại đây, trên thị trường giá san hô đen leo cao khiến ngư dân ở đảo Lý Sơn cũng trở nên “bận bịu” hơn. Mỗi lần ra khơi, ngoài ngư cụ như dân còn đem theo dụng cụ của thợ rừng như: cưa, búa, đục… để khai thác san hô đen.

San hô đen thường nằm cách mặt nước biển từ 10-70m nên ngư dân chỉ có cách lặn biển để khai thác. Không giống như phá rừng, nghề khai thác san hô đen rất khó bị phát hiện do chỉ có ngư dân “riêng một góc trời”, khi lên thuyền về đến bến thì các thương lái đã đợi sẵn.

Người ta đồ rằng, san hô đen có rất nhiều công dụng chữa bệnh ngoài việc được sử dụng làm đồ mỹ nghệ cao cấp. Vì thế mà giá san hô đen trên thị trường tăng lên vùn vụt. Nếu cách đây khoảng 5 năm giá 1kg san hô đen chưa đến 1 triệu đồng, thì nay đã gần 3 triệu đồng/kg.

Theo các ngư dân, san hô đen trên thị trường quốc tế cũng có nhiều loại, giá cả cũng khác nhau. Loại san hô đen ở vùng biển Campuchia đầy gai và có đường kính rất nhỏ nên giá chỉ khoảng 500.000-700.000 đồng /kg. Còn san hô đen ở vùng biển Indonesia, hay Việt Nam có thân trơn, đen bóng, kích thước lớn hơn và rất đẹp nên rất được ưa chuộng, vì thế mà giá 1kg của nó cao gấp 5-7 lần.

Điều đó đã khiến nhiều thợ lặn coi việc truy tìm san hô đen cũng là cách để đổi đời, vươn lên giàu có. Tuy không nhiều đến mức dày đặc như nhiều khu vực đảo khác, khu vực quanh đảo Lý Sơn san hô đen khá nhiều và chỉ nằm ở độ sâu khoảng dưới 10m.

Một thợ lặn cho hay, san hô đen thường phân bố nằm rải rác ở các khu vực các đảo tại những vùng có ánh sáng mặt trời, khu vực nước sạch, rễ bám vào các rạn đá. Cây to nhất từng thấy cỡ bằng bắp cổ chân người lớn, cao khoảng 5m. Ngày trước, khi ở vùng biển cạn còn san hô đen thì muốn lấy được, thợ lặn thường dùng chạm và búa để chấn, hoặc cưa tay để cưa. Thế nhưng hiện vùng gần bờ đã hết, san hô đen chỉ còn ở nơi có độ sâu lên đến 40-60m, nên không thể dùng dụng cụ thủ công như vậy. Để hạ được san hô đen ở những vùng nước sâu, ngư dân chuyển sang dùng cưa máy. Mỗi chuyến ra khơi nếu được vài cây san hô đen thì lợi nhuận mang lại gấp 3-7 lần so với đánh cá.

Bất chấp lệnh cấm khai thác san hô đen vô thời hạn mà Chính phủ ban hành từ năm 2006, cơn sốt san hô đen đã khiến không chỉ riêng vùng biển Lý Sơn, mà các khu vực đảo lân cận như Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù lao Chàm (Quảng Nam) đã dần vắng bóng san hô đen. Bây giờ muốn tìm thì phải ra khu vực các đảo xa như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo thống kê thì vùng biển Việt Nam có khoảng 1.122 km rạn san hô. Thời gian gần đây, với ước tính mỗi năm hơn 50 tấn san hô bị khai thác, nguồn san hô Việt Nam đứng trước nguy cơ biến mất. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu cứ theo đà này, 20 năm nữa san hô sẽ không còn trong vùng biển Việt Nam, khi đó tôm cá cũng sẽ không còn nữa.