Lâm nghiệp cộng đồng – lộ trình giảm phát thải cho Indonesia

ThienNhien.Net – Trong thỏa thuận Paris mới đây, Indonesia đã khởi động một hệ thống giám sát khí phát thải mới, cam kết giảm 29% phát thải. Trước cam kết đó, chính phủ Indonesia hiện đang đứng trước những kêu gọi trao quyền quản lý rừng nhiều hơn cho cộng đồng địa phương như một phần chiến lược giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Petrus Asuy, người đã đại diện cộng đồng Muara Tae nhận Giải thưởng Equator tại. (Ảnh: Philip Jacobson)
Ông Petrus Asuy, người đã đại diện cộng đồng Muara Tae nhận Giải thưởng Equator tại. (Ảnh: Philip Jacobson)

Thủ tướng Joko Widodo đang phải đối mặt với nhiều áp lực cải cách toàn bộ thực trạng quản lý đất đai sau khi các đám cháy tàn phá quần đảo này trong những tháng vừa qua. Một báo cáo mới được Mạng lưới Hành động vì Rừng nhiệt đới (RAN) công bố đã đưa thêm nhiều bằng chứng về những lợi ích từ việc cấp quyền sử dụng đất cho địa phương đối với công tác bảo tồn rừng nhiệt đới. Theo một nghiên cứu độc lập của Viện Tài nguyên Thế giới vào năm 2014, tỉ lệ phá rừng thấp hơn 11 lần tại các khu vực cấp quyền cho cộng đồng địa phương so với các khu vực khác.

Tiếp sau đó là sự kiện cộng đồng Muara Tae tại tỉnh Đông Kalimantan đã nhận Giải thưởng Equator danh giá tại Hội nghị Khí hậu Paris của Liên Hợp Quốc bởi những nỗ lực chống phá rừng, khai khoáng và hoạt động của các công ty dầu cọ. Việc được công nhận và tôn trọng sẽ đưa công cuộc vận động của những người dân lên một tầm cao mới. “Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy nếu muốn bảo vệ rừng, hãy tăng quyền sử dụng đất cho cộng đồng,” Ông Joseph Corcoran (UNDP) khẳng định.

Ngay tại Indonesia, nghiên cứu đã chứng minh cộng đồng địa phương tại nhiều vùng thử nghiệm rừng cộng đồng có xu hướng sử dụng đất hợp lý hơn khi được trao quyền.

Indonesia hiện có 132 triệu ha đất rừng, trong đó cộng đồng dự kiến được cấp phép quản lý 2,5 triệu ha trong giai đoạn 2009 – 2014 bằng các chứng nhận có kì hạn mở 35 năm. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2013, chỉ có 326.000 ha, tương ứng với 13% mục tiêu, được phân bổ cho cộng đồng.

Lâm nghiệp cộng đồng tại Indonesia cũng gặp phải nhiều chỉ trích do thiếu giám sát khiến nhiều chứng nhận sử dụng đất có nguy cơ bị lạm dụng, ví dụ như chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp. Thậm chí nếu đất đã nằm trong tay người dân, nhiều người sẽ bán ngay khi được các công ty công nghiệp đầu tư vào dầu cọ, giấy, gỗ và khai mỏ trả giá cao.

Lawing Uning, trưởng làng Long Hubung Ulu tại lưu vực sông Mahakam, tỉnh Borneo, đang kiểm tra khu vực đất trồng cọ. Tranh chấp đã nổ ra giữa các làng khi chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất cho một công ty dầu cọ. (Ảnh: Philip Jacobson)
Lawing Uning, trưởng làng Long Hubung Ulu tại lưu vực sông Mahakam, tỉnh Borneo, đang kiểm tra khu vực đất trồng cọ. Tranh chấp đã nổ ra giữa các làng khi chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất cho một công ty dầu cọ. (Ảnh: Philip Jacobson)

Kế hoạch lâm nghiệp cộng đồng của Indonesia được khởi động từ những năm 90 và được nhấn mạnh trong chính sách quốc gia vào năm 2007. Hệ thống cấp phép cho cộng đồng địa phương đã có những ảnh hưởng bảo tồn tích cực tại các quốc gia như Brazil và Hàn Quốc. Trên thế giới, rừng được quản lý bởi cộng đồng chiếm hơn 500 triệu ha, tương đương khoảng 1/8 diện tích rừng toàn cầu.

Chính quyền địa phương tại Indonesia đã cấp chứng nhận quyền quản lý, sử dụng đất cho một số cộng đồng, tuy nhiên hệ thống này vẫn được kêu gọi mở rộng hơn nữa nhằm tạo ra cú hích sau khi cháy rừng tàn phá hơn 2 triệu ha đất tại Kalimantan, Papua và Sumatra trong năm vừa qua.

Năm 2013, Tòa án Hiến pháp Indonesia đã tách rừng cộng đồng ra khỏi rừng quốc gia, mở ra cơ hội làm chủ 40 triệu ha, tương đương gần 1/5 diện tích đất quốc gia, cho cộng đồng người bản xứ. Thế nhưng việc thực thi diễn ra vô cùng chậm chạp.

Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ tại Indonesia tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu bảo vệ tốt hơn các khu vực đặc biệt có giá trị đa dạng sinh học độc đáo trên quần đảo. Các nhóm hoạt động môi trường đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái Leuser tại tỉnh bán tự trị cực tây Aceh, nơi còn lại một trong những khu rừng nhiệt đới quan trọng nhất, nơi cuối cùng có linh trưởng, tê giác, hổ và voi cùng sinh sống trong tự nhiên trên thế giới. Việc mở rộng ngành công nghiệp dầu cọ không chỉ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống còn của những sinh vật này, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân tại Sumatra, những người phụ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái như nước sạch, thức ăn và sinh kế.

Một chú tê giác Sumatra trong Vườn Quốc Gia Gunung Leuser. (Ảnh do Tổ chức Quốc tế Leuser và ban quản lý Vườn Quốc Gia cung cấp)
Một chú tê giác Sumatra trong Vườn Quốc Gia Gunung Leuser. (Ảnh do Tổ chức Quốc tế Leuser và ban quản lý Vườn Quốc Gia cung cấp)

Kinh doanh nông nghiệp tại Indonesia tiếp tục đưa ra những cam kết bền vững mới sau khi chính phủ yêu cầu phục hồi ít nhất là 2 triệu ha đất than bùn đến năm 2019 với mức đầu tư tăng gấp đôi lên 100 triệu USD. Công ty Tài nguyên Quốc tế Thái Bình Dương Châu Á cũng tuyên bố sẽ đầu tư 100 triệu USD nhằm tăng cường quản lý các vùng đất than bùn. Công ty Asia Pulp & Paper, sở hữu diện tích đất trồng keo lớn nhất tại Sumatra, vừa tiết lộ sẽ hợp tác với 500 làng gần đó chống lại nạn phá rừng trong một dự án mới.

Cùng với những nỗ lực này, để đạt tới cam kết khí hậu tại Paris, lâm nghiệp cộng đồng là một lựa chọn khôn ngoan và cần thiết cho Indonesia.